Lợi và hại khi Hendrio - Rafaelson khoác áo ĐT Việt Nam

Phạm Trần Oánh Thứ ba, ngày 18/07/2023 15:10 PM (GMT+7)
2 cầu thủ tấn công xuất sắc hàng đầu V. League 2023 là tiền đạo Rafaelson của Topeland Bình Định và tiền vệ Hendrio của Thép xanh Nam Định mong muốn được nhập tịch Việt Nam và thi đấu cho ĐT Việt Nam.
Bình luận 0

Hendrio và Rafaelson muốn khoác áo ĐT Việt Nam

Trong số các ngoại binh đang thi đấu ở V. League, có 2 cái tên nổi bật là tiền đạo Rafaelson của Topeland Bình Định và tiền vệ Hendrio của Thép xanh Nam Định. Cả 2 đều có những đóng góp quan trọng cho các đội bóng mà họ đã và đang thi đấu, được giới chuyên môn đánh giá là những cầu thủ tấn công vào loại hay nhất ở V.League hiện nay. Giống với một số cầu thủ ngoại khác, 2 cầu thủ này có mong muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam và được thi đấu trong màu áo ĐT Việt Nam.

Đầu tiên, mong muốn nhập tịch Việt Nam và được thi đấu, cống hiến cho ĐTQG của Rafaelson và Hendrio hay một số cầu thủ ngoại khác là chính đáng, nên được trân trọng. Nếu không có gì cản trở về mặt pháp lý, việc thực hiện các thủ tục nhập tịch cho 2 cầu thủ này vẫn có thể diễn ra như một số cầu thủ khác trước đây. Nhưng chiến lược sử dụng các cầu thủ nhập tịch cho ĐT Việt Nam lại là chuyện khác.

Sử dụng cầu thủ nhập tịch để tăng cường sức mạnh cho ĐT Việt Nam? - Ảnh 1.

Tiền đạo Rafaelson rất muốn chơi cho ĐT Việt Nam. Ảnh: VOV.

Đây không phải câu chuyện mới, không phải chỉ đến bây giờ với trường hợp 2 cầu thủ này. Trước đây, đã có nhiều ý kiến bàn về xu hướng sử dụng cầu thủ nhập tịch phục vụ ĐT Việt Nam.

Rõ ràng, nếu có các cầu thủ tấn công sát thủ này, ĐT Việt Nam của HLV Troussier sẽ mạnh hơn, sẽ giải quyết được vấn đề kinh niên của bóng đá Việt Nam, tồn tại qua không biết bao nhiêu thế hệ của các ĐT Việt Nam là thiếu tiền đạo giỏi, vừa nhanh, vừa khỏe và khéo. Chắc chắn, với sự góp mặt của 2 cầu thủ tấn công rất tốt này, đội bóng sẽ có nhiều phương án để giải quyết trận đấu hơn, sẽ trở nên mạnh hơn.

Nhưng có một thực tế, đó là về tổng thể, dù mạnh hơn, nhưng ĐT Việt Nam cũng không thể nâng cao được đẳng cấp. Kể cả có sự góp mặt của 2 cầu thủ này, hoặc một vài cầu thủ nhập tịch khác đang thi đấu ở V.League đi nữa, chúng ta cũng không thể với tới được đẳng cấp của những đội bóng hàng đầu châu lục. Đã từng có những bài học về việc sử dụng cầu thủ nhập tịch để tăng sức mạnh cho đội tuyển quốc gia, như Singapore, Phillipines… Như chúng ta đã thấy, kết quả của chiến lược này là không cao và rất kém bền vững.

Ở mặt trái, việc nhập tịch và sử dụng các cầu thủ này ở ĐT Việt Nam sẽ làm giảm cơ hội của các cầu thủ nội. Hiện tại, cơ hội phát triển của các cầu thủ trẻ trong hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam đã khá khó khăn và chính câu chuyện của 2 cầu thủ này 1 lần nữa đặt ra vấn đề cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các cầu thủ trẻ nội địa.

Nếu tính ở đấu trường đỉnh cao Việt Nam là V.League, chúng ta thấy có khá ít đội bóng sử dụng các cầu thủ lứa U23 trong danh sách đăng ký thi đấu và càng ít cho đội hình thi đấu chính thức, ngoại trừ HAGL, Viettel, Hà Nội FC, SLNA… Điểm chung của các đội bóng này là có hệ thống đào tạo trẻ rất tốt. Các đội bóng này là nguồn cung cấp quan trọng cho các lứa U của bóng đá Việt Nam.

Cầu thủ nhập tịch sẽ tăng cường sức mạnh cho ĐT Việt Nam? - Ảnh 2.

Hendrio có tài và rất muốn chơi cho ĐT Việt Nam. Ảnh: Báo Thanh Niên

Nhưng sau khi được đào tạo, để phát triển, cầu thủ trẻ cần được được thường xuyên ra sân thi đấu. Cơ hội cho các cầu thủ trẻ ra sân thi đấu nhiều là một trong các yếu tố quan trọng để một nền bóng đá phát triển.

Có 2 yếu tố quan trọng tác động đến điều này, đó là một CLB được tham gia nhiều trận đấu trong năm và các cầu thủ trẻ được sử dụng nhiều trong các trận đấu đó. Với tối thiểu chỉ là 19 trận đấu trong năm, đây là số trận đấu khá ít của các đội bóng Việt Nam. Cùng với việc tỷ lệ ra sân của các cầu thủ trẻ trong đội bóng là rất thấp, cơ hội phát triển cho các cầu thủ nội địa là không nhiều.

Việc có mặt các cầu thủ ngoại thi đấu trong các giải đấu quốc gia có những tác dụng như sẽ làm cho chất lượng, sự hấp dẫn của các giải đấu quốc nội được nâng cao. Qua các trận đấu, các cầu thủ nội sẽ học tập được từ các cầu thủ ngoại tư duy chiến thuật, kinh nghiệm thi đấu và cả kỹ thuật cá nhân. Nhưng thực tế, các cầu thủ nội địa không học hỏi được gì nhiều từ các cầu thủ ngoại này, khi thế mạnh chính của họ so với các cầu thủ nội chỉ là thể lực và tốc độ.

Trước khi có những điều chỉnh theo hướng tăng số đội ở 2 giải đấu hàng đầu quốc gia là V.League và giải hạng Nhất quốc gia để tăng số trận đấu trong năm của các đội bóng, điều khó khăn là có nhiều người làm bóng đá theo kiểu ăn xổi ở thì, thích thì đầu tư ồ ạt mua các ngôi sao để có thành tích lập tức, không thích thì đòi bỏ giải… VFF nên có những quy định khuyến khích việc các CLB sử dụng cầu thủ trẻ, ví dụ như bên cạnh quy định mỗi đội chỉ được sử dụng tối đa 3 cầu thủ ngoại, cần có việc quy định bắt buộc phải có 1 cầu thủ dưới 23 tuổi trong đội hình thi đấu.

Cùng với tâm lý chung của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tuy là đam mê thứ bóng đá chiến thắng, nhưng với họ, chiến thắng phải là chiến thắng của người Việt Nam làm nên chứ không phải là thứ chiến thắng bằng cách nhờ cầu thủ nhập tịch đá hộ. Chính vì vậy, mong muốn được khoác áo ĐT Việt Nam của 2 cầu thủ này khó có thể thành hiện thực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem