Chấm điểm tổ chức lễ hội: Để làm gì?

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 11/12/2015 06:56 AM (GMT+7)
Chấm điểm công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian với mục đích gì, kết quả chấm xong có thay đổi được gì hay chỉ là bệnh hình thức. Đó là những câu hỏi đặt ra trong cuộc lấy ý kiến báo giới tại Hà Nội sáng 10.12.
Bình luận 0

Nặng hình thức

Thực hiện của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc lấy ý kiến các cơ quan thông tin đại chúng đánh giá việc thực hiện tiêu chí đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian, Cục Văn hóa có sở và Báo Văn Hóa phối hợp tổ chức cuộc họp báo lấy ý kiến các cơ quan thông tin đại chúng (chấm điểm) về nội dung đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian của 63 tỉnh, thành trong mùa lễ hội năm 2015.

Tham gia đánh giá và chấm điểm tại buổi họp báo, gần 50 nhà báo đã có mặt và đưa ra đánh giá.

img

Lễ hội đền Sái ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội).  Ảnh: LHT

Theo đó, tiêu chí đánh giá thực công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian với tổng điểm 100, được phân thành 6 mục để đánh giá, chấm điểm như: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm (tối đa 9 điểm); quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ Bộ VHTTDL (tối đa 6 điểm); thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội (tối đa 25 điểm); đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội (tối đa 40 điểm); tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật (tối đa 10 điểm); thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở (tối đa 10 điểm)...

Chưa rõ điểm mạnh - yếu

 "  Nếu nói việc chấm điểm không có tác động nào đối với công tác quản lý lễ hội cũng không hẳn. Như vậy vẫn hơn là chúng ta không có động thái gì”.
Ông Trần Đăng Khoa 

Trong tờ phụ lục về tiêu chí, thang điểm đánh giá phát cho các nhà báo, ở mục III - Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được tổng 25 điểm thì trong đó chia nhỏ thành các nội dung: Đặt hòm công đức đúng quy định.

Quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu công khai, minh bạch, đúng mục đích (10 điểm); không đổi tiền lẻ tại di tích, lễ hội trái với quy định của pháp luật (5 điểm); đảm bảo việc tổ chức lễ hội trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả (5 điểm)…Tuy nhiên, trong tờ chấm điểm của các nhà báo lại chỉ có tổng điểm cho từng địa phương chứ không có những nội dung chi tiết này.

Nhiều nhà báo cho rằng, cách chấm điểm này không thể hiện được điểm mạnh, yếu của các lễ hội cũng như những việc được và chưa được của các địa phương đó. Một năm trên cả nước có đến trên dưới 8.000 lễ hội,  các nhà báo không thể tham dự toàn bộ, ngay cả ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cũng phải thừa nhận là thanh tra Bộ cũng không thể nào đi hết được 8.000 lễ hội này. Thế nhưng theo thống kê của bảng chấm điểm thì vẫn đủ 63 tỉnh, thành.

Không chỉ đưa ra những bất cập, bất hợp lý trong cách chấm điểm, rất nhiều ý kiến nhà báo còn đặt trực tiếp câu hỏi tới Ban tổ chức rằng chấm điểm công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian với mục đích gì. Kết quả chấm xong liệu có thay đổi được gì, liệu có phải quá hình thức khi tất cả các mục được đưa ra một cách dàn trải. Nên chăng chỉ cần tập trung ở vài trọng điểm như vệ sinh an toàn thực phẩm; bạo lực…

Về những thắc mắc này, ông Trần Đăng Khoa- Tổng Biên tập báo Văn Hóa cho hay: “Các nhà báo đi những lễ hội nào sẽ chấm lễ hội đó. Đây là năm lần đầu tiên Bộ VHTTDL giao cho Báo đứng ra triển khai cách chấm điểm và lấy ý kiến từ các cơ quan báo chí. Chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh và cố gắng dần đưa hoạt động này trở thành thường xuyên cho những năm sau”.

Cũng theo ông Khoa, Bộ VHTTDL sẽ tổng kết lễ hội vào ngày 7.1. 2016 và kết quả chấm điểm của ngày hôm nay sẽ được công bố tại ngày tổng kết. Đồng thời Bộ sẽ có văn bản gửi về các địa phương kết quả cụ thể. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem