Chân dung lão nông làm cánh đồng lớn thêm lớn

Huỳnh Xây (Trang Trại Việt) Chủ nhật, ngày 17/01/2016 17:30 PM (GMT+7)
Không chấp nhận nghèo khó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…, lão nông Nguyễn Văn Thành (55 tuổi, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) đã hướng dẫn, động viên người dân cùng liên kết sản xuất lúa. Đây cũng là mô hình liên kết đầu tiên mang lại thành công ở TP.Cần Thơ.
Bình luận 0

“Thủ lĩnh” của nhà nông

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành vui vẻ kể, qua nhiều năm canh tác lúa theo kiểu cũ (sạ dày, sử dụng giống lúa thoái hoá, phun thuốc BVTV không theo hướng dẫn…) hiệu quả thấp, có vụ lỗ vốn, thiếu nợ ngân hàng liên miên nên ông đã ra nghĩ ra cách vận động người dân tập hợp lại thành tổ hợp tác (THT) để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa.

“Tham gia THT, người dân sẽ ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm chi phí đầu tư, có điều kiện tiếp cận các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học của nhà chuyên môn chứ không phải hợp tác để chia lợi nhuận. Ngoài việc muốn hợp tác giữa những người nông dân với nhau, lúc đó (năm 2009), tôi cũng được cán bộ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh gợi ý triển khai thử nghiệm cánh đồng với chỉ 1 giống lúa mới, duy nhất là OM 7347 và giới thiệu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, do đó tôi càng có thêm động lực để xây dựng THT” – ông Thành nói.

img

 Ông Nguyễn Văn Thành không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất lúa để hướng dẫn lại cho bà con trong CĐML

Lúc đầu, ông Thành chỉ vận động được 7 thành viên tham gia với tổng diện tích 21ha lúa và đặt tên là THT sản xuất Đồng Vạn. Do mới thành lập, chưa biết hiệu quả thế nào nên các thành viên cũng không mấy nhiệt tình. Thế nhưng đến vụ lúa sau, thấy tổ hoạt động hiệu quả, đã có thêm 12 hộ đăng ký tham gia, nâng tổng diện tích sản xuất lên 43,5ha. Đến cuối năm 2010, THT sản xuất Đồng Vạn đã có 133 hộ tham gia với tổng diện tích 285ha lúa.

Ông Thành kể: “Tham gia THT, người dân toàn sạ hàng với lượng giống từ 100-120kg/ha, trong quá trình chăm sóc, phải áp dụng bón phân NPK cân đối theo bảng so màu lá lúa, giảm lượng phân đạm để hạn chế sâu bệnh. Khi thu hoạch, toàn bộ diện tích đều được cơ giới hoá bằng máy gặt đập liên hợp. Tôi vô cùng vui mừng vì mô hình này được duy trì và phát triển bài bản”.

Vận động từng nhà làm CĐML

Trước những thành công mà THT sản xuất Đồng Vạn đạt được, cùng với chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) của Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ đã chọn ấp Thầy Ký làm nơi thí điểm CĐML vụ đông xuân 2011-2012 và giao cho ông Thành làm trưởng ban quản lý.

Về chủ trương trên, ông Thành tâm sự: “Được sự quan tâm của thành phố, tôi rất háo hức triển khai mô hình. Tuy nhiên, lúc đó diện tích lúa trong THT không đủ để làm CĐML nên phải vận động các hộ dân khác tham gia. Vẫn có rất nhiều người e ngại tham gia CĐML, bởi phải tuân thủ hướng dẫn khắt khe của ngành chuyên môn, phải viết nhật ký đồng ruộng… Để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích khi tham gia THT, tôi đã cùng lãnh đạo địa phương đã đi gõ cửa nhiều nhà dân, tổ chức nhiều cuộc họp ở các khu vực khác nhau để vận động”.

Bên cạnh đó, ông Thành còn phối hợp với cán bộ khuyến nông theo dõi sát từng khoảnh ruộng, từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Không những đi thực tế ngoài đồng ruộng, ông còn tổ chức họp nhóm thường xuyên để mọi người cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

img

Ông Thành là người tiên phong, hướng dẫn bà con nông dân ấp Thầy Ký sản xuất lúa bằng hình thức liên kết

Ông Thành vui vẻ cho biết: “Vụ lúa đầu tiên làm theo CĐML, có không ít khó khăn xảy ra. Theo quy định, trong 1 vụ nông dân chỉ được phun thuốc vài lần và ghi sổ nhật ký đồng ruộng, nhưng nhiều hộ vẫn lén lút phun thêm để ngừa bệnh vì… chưa yên tâm, còn sổ nhật ký đồng ruộng thì không ghi hoặc có mục ghi, mục không ghi. Về sau, chuyện này được khắc phụ bởi qua so sánh, bà con cũng thấy rõ phun thuốc nhiều lần không mang lại hiệu quả cao hơn các ruộng khác, mà còn tốn thêm tiền mua thuốc BVTV”.

Theo tính toán của người dân, vụ đầu tiên làm CĐML tuy còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ nhưng năng suất lúa khá cao và đồng đều giữa các hộ (đạt trung bình 8,5 -9 tấn/ha), lúa tươi bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn 300-400 đồng/kg so với lúa ngoài mô hình, trong khi chi phí sản xuất (giống, phân bón, thuốc) giảm đáng kể.

Theo ông Thành, thời gian này người dân trong mô hình CĐML chưa đánh giá cao về lợi nhuận, nhưng chi phí sản xuất đã giảm rõ rệt. Từ thành công ban đầu đó, mô hình CĐML ở thị trấn Thạnh An ngày càng được mở rộng, và đến nay tổng diện tích lúa sản xuất theo CĐML tại đây đã đạt 400ha, với sự tham gia của 208 hộ, trong đó có 96ha của 40 hộ sản xuất theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, người dân ở đây chỉ làm 2 vụ lúa chứ không làm 3 vụ, theo họ là để cho ruộng nghỉ ngơi (được cày ải phơi khô hoặc cho nước vào ngâm).

Đến nay, người dân Thạnh An đã mua được 8 máy gặt đập liên hợp (trị giá trên 500 triệu đồng/máy), bà con còn được cung cấp miễn phí 2 máy bơm, 20 bộ công cụ kéo hàng, nhiều thiết bị văn phòng (máy vi tính, nhà kho, bồn rửa tay)… Nhờ tích cực áp dụng cơ giới hóa mà năng suất lúa nhiều hộ đã tăng lên 10 -10,5 tấn/ha/vụ.

Ông Thành cho biết thêm, vụ lúa đông xuân 2014-2015 và vụ hè thu vừa qua, 16 hộ dân thị trấn Thạnh An còn được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chọn hỗ trợ làm thí nghiệm chương trình sản xuất lúa 1 phải 5 giảm trên 16ha (8ha làm thí nghiệm, 8ha đối chứng).

Theo thí nghiệm trên, người dân chỉ bón 90kg đạm + 40kg lân + 30kg trong 1 vụ/ha, chỉ phun thuốc trừ cỏ 1 lần, thuốc trừ ốc bươu vàng 1 lần, thuốc trừ sâu bệnh tối đa 2 lần (thông thường ngoài CĐML, người dân phun 8-9 lần/vụ, trong CĐML 3-4 lần) và có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật. Kết quả, chi phí sản xuất giống DS (giống lúa Nhật) giảm rõ rệt, trong khi năng suất vẫn đảm bảo.

“Cũng nhờ tận dụng tốt mọi sự hỗ trợ, chính sách ưu đãi mà trong một thời gian ngắn, quê hương tôi đã nổi tiếng có nhiều nông dân làm kinh tế giỏi ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Hiện nay, rất nhiều tổ chức quốc tế, các đoàn chuyên gia về nông nghiệp từ Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản,… cho đến các đoàn nông dân, ngành chức năng trong nước đã thường xuyên đến thị trấn Thạnh An để tìm hiểu, học hỏi mô hình” – ông Thành tự hào nói.

Để cánh đồng lớn thêm lớn

img

Kỳ vọng của ông Thành là được ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ cho bà con trong CĐML mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập

Điều tâm đắc nhất của ông Thành là nhờ tham gia sản xuất lúa trong CĐML, đời sống nhiều hộ gia đình ở ấp Thầy Ký đã thực sự đổi thay, thu nhập tăng thêm từ 8 - 10 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa ngoài mô hình. Về định hướng trong thời gian tới, ông Thành cho biết muốn tiếp tục đóng góp sức mình vào việc mở rộng quy mô CĐML, cũng như tăng cường sự hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp và ngành chức năng…

Trước mắt, trong tháng 12.2015 ông Thành sẽ đề xuất Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đầu tư xây dựng trạm bơm điện tập trung cho CĐML. Xa hơn, ông Thành dự định sẽ xây dựng HTX nông nghiệp. Ông cho rằng mình không cầu toàn, nhưng sẽ cố gắng từng bước, từng giai đoạn. “Ở nước ngoài, diện tích lúa của mỗi hộ dân rất nhiều, việc tập hợp thành CĐML khá dễ dàng, nhưng ở ĐBSCL mỗi hộ dân chỉ có vài công đất, muốn xây dựng CĐML thì bà con phải xóa bỏ tư duy mạnh ai nấy làm” – ông Thành khẳng định.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Thành còn là người tích cực, đi đầu trong nhiều công việc xã hội, đoàn thể của địa phương. Giữa năm 2014, sau khi ông Thành đứng ra vận động người dân làm bờ kè sông bằng bê tông, đã có 55 hộ tự nguyện đóng góp 22 triệu đồng và trực tiếp tham gia xây dựng kè.

Từ đó, nhiều hộ dân ở các khu vực khác cũng hùn vốn làm theo, nâng tổng số đường bờ kè kiên cố ở thị trấn lên hàng trăm mét. Các phong trào khác như góp vốn xây dựng đường giao thông nông thôn, làm cột cờ, trồng cây xanh ven đường, phòng chống tệ nạn xã hội… cũng được bà con hưởng ứng nhiệt tình.

Ông Nguyễn văn Đoan, ngụ ở ấp Thành Ký cho biết: “Nhận thấy mô hình làm CĐML do ông Nguyễn Văn Thành phát động có hiệu quả cao, đặc biệt là khâu thu hoạch có doanh nghiệp bao tiêu, vụ hè thu năm 2011 tôi cùng 10 hộ dân khác trong ấp đã đăng ký tham gia. Đến nay chúng tôi đã thực sự thay đổi cách thức sản xuất, không còn theo kiểu cũ nữa”.

Từ năm 2009 đến nay, ông Nguyễn Văn Thành đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của UBND huyện Vĩnh Thạnh, UBND TP.Cần Thơ, Liên minh HTX, Sở NNPTNT TP.Cần Thơ. Riêng năm 2015, ông được Bộ NNPTNT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem