Chanathip, Công Phượng, Quang Hải: "Mỏng cơm" khó bơi ra biển lớn

Thứ năm, ngày 21/04/2022 19:10 PM (GMT+7)
Không hẹn mà gặp, HAGL và U23 Việt Nam đều cùng nhận các bàn thua theo kịch bản là hạn chế chiều cao so với đối thủ.
Bình luận 0

Ở AFC Champions League 2022, HAGL đã 3 lần bị thủng lưới. Đáng nói, 2 bàn thua từ tình huống cố định và 1 bàn thua từ bóng bổng. HAGL cũng gặp khó trong hầu hết các pha bóng cố định, có cảm giác mỗi khi họ bị phạt góc thì dễ bị đối thủ ghi bàn.

Trong khi đó, U23 Việt Nam đá với U20 Hàn Quốc - đội bóng có đến 7 cầu thủ là sinh viên. Đội bóng của ông Park bị bàn thua sau bài phối hợp đá phạt góc của U20 Hàn Quốc, Lee Young Jun bật cao đánh đầu tung lưới U23 Việt Nam.

Cần nhắc, U20 Hàn Quốc thua kém U23 Việt Nam từ 2-3 tuổi nhưng họ có chiều cao vượt trội. Cầu thủ thấp nhất cao 1,78 m, người cao nhất 1,91m. Đội bóng trẻ của Hàn Quốc có nền tảng thể lực sung mãn, thể hình vượt trội so với U23 Việt Nam.

Thể hình có thể nói là điểm yếu của tuyển Việt Nam khi đá với các đội bóng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... Ở cấp CLB, câu chuyện này cũng diễn ra tương tự với HAGL khi đá với Yokohama và Sydney.

Chanathip, Công Phượng, Quang Hải: "Mỏng cơm" khó bơi ra biển lớn - Ảnh 1.

Văn Toàn gặp khó trước các cầu thủ cao to ở AFC Champions League. Ảnh: HAGL

HLV CLB Jeonbuk Hyundai - ông Kim Sang Sik nhận xét:"Thể hình cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung thì chưa tốt so với cầu thủ Hàn Quốc. Điều đó cần phải cải thiện trong 3 năm tới".

Ông Kim nhận xét chung thể hình để nói về rào cản cho cầu thủ Việt Nam xuất ngoại. Các tài năng bóng đá nước nhà như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải đều hạn chế rất lớn về ngoại hình.

"Tôi nghĩ Quang Hải đi Nhật Bản, Hàn Quốc còn chưa đá được chứ nói gì chuyện đi châu Âu. Quang Hải bị hạn chế về thể hình, nhỏ con như thế thì khó chơi bóng ở châu Âu. Tôi ví dụ họ lấn một phát đã té thì làm sao đá", cựu tiền vệ Phan Văn Tài Em chỉ ra điểm yếu của Quang Hải.

Từng có một con số thống kê rằng, chiều cao trung bình ở các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc sau 10 năm tăng từ 5 đến 7cm. Ở Đông Nam Á, chiều cao trung bình của Thái Lan, Malaysia, Singapore tăng 3-4 cm. Việt Nam chỉ tăng 1 cm. Đó là con số đáng để quan tâm khi nói về bức tranh chung cho cầu thủ Việt Nam so với châu lục.

Câu chuyện nói trên chính là rào cản rất lớn cho cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung xuất ngoại. Xa hơn là tham vọng trở thành cường quốc bóng đá tầm châu lục để nghĩ đến tấm vé dự World Cup trong tương lai.

Ví dụ ba tài năng tiêu biểu của Đông Nam Á trong 10 năm qua đều có chiều cao rất khiêm tốn. Theo soccerway, Chanathip là 1m58, Công Phượng cao 1m68 và Quang Hải cao 1m69. Đó chắc chắn là thông số quá thấp so với những cầu thủ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chanathip, Công Phượng, Quang Hải: "Mỏng cơm" khó bơi ra biển lớn - Ảnh 2.

Chanathip không thể sang châu Âu chơi bóng vì anh chỉ cao 1m58. Ảnh: Saostar

Nếu chỉ có kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật mà thể hình thấp, thể lực yếu thì rất khó để cầu thủ phát triển tài năng một cách toàn diện, khó có thể chơi bóng ở châu Âu. Vì trong môi trường bóng đá hiện đại, lăng kính chung là cầu thủ phải chạy rất nhiều, va chạm liên tục.

Có thể nói đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần nghĩ xa hơn về sự phát triển toàn diện cho các cầu thủ trẻ, không chỉ là các lớp học về kỹ năng chơi bóng mà còn đầu tư về dinh dưỡng thể thao. Như HLV CLB Jeonbuk Hyundai nói thì phải cải thiện thể hình cầu thủ Việt Nam trong 3 năm tới. Đây là bài toán cần có tính chiến lược của cả nền bóng đá, và điểm bắt đầu từ các Học viện, trung tâm đào tạo, CLB...

Văn Nhân (Theo Saostar)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem