|
Cây chanh dây ở Đăk Nông đang bị nhiều dịch bệnh tàn phá. Duy Hậu |
Người cười kẻ khóc…
Tại huyện Đăk R'Lấp, hơn 2 năm qua, cây chanh dây mang lại cho người dân nguồn lợi không nhỏ, gấp 20 lần so với cây cà phê. Mỗi năm, cây chanh dây có thể cho thu nhập lên đến trên 500 triệu đồng/ha. Trong khi đó người trồng chỉ mất khoảng nửa năm trồng và chờ đợi.
Nhưng giờ đây chỉ sau một tháng xuất hiện dịch bệnh, hộ ông Hoàng Văn Bính ở thôn 8 xã Nhân Cơ (Đăk R’Lấp) đã phải mất 40 triệu đồng để cứu 2ha chanh dây. Ông Bính cho biết: Vườn chanh dây của ông đang mắc “đa bệnh”.
Năm 2008, ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông chỉ cho phép trồng thử nghiệm 200ha chanh dây. Thế nhưng, sau đưa đầy 2 năm, diện tích "thử nghiệm" của nông dân đã tăng gấp 5 lần.
Tuy chưa xác định được năng suất sẽ giảm bao nhiêu, song chắc chắn là không nhỏ. Mỗi ngày vườn cây của ông có hàng ngàn trái xanh rụng: trái thì thối đen, trái thì nhăn nhúm vỏ, có trái lại bao phủ bên ngoài một loại phấn trắng.
Nhiều gốc chanh dây trong vườn… bỗng dưng chết khô. Để cứu vườn cây, ngoài tiền thuốc, ông Bính thuê một kỹ sư nông nghiệp cùng khoảng 5 người phụ tá thường xuyên túc trực chăm sóc. Thế nhưng chưa có một dấu hiệu nào cho thấy bệnh của cây thuyên giảm mà đang trở nên trầm trọng thêm.
Theo ông Trương Xuân Anh - Trưởng trạm BVTV huyện Đăk R'Lấp thì vườn cây của ông Bính mắc bệnh nám bã trầu và một số bệnh khác như úng rễ, phytopphthora (nấm trắng)... Bệnh này rất khó xử lý và năng suất có thể giảm đến 90%, có khi mất trắng.
Theo ngành nông nghiệp huyện, hiện đã có khoảng 10ha chanh dây trên địa bàn bị bệnh nấm trắng (loại bệnh chưa có thuốc chữa), nhiều vườn đã chết sạch và nhiều diện tích mắc các chứng bệnh khác. Trong khi đó, mỗi ha người trồng phải đầu tư đến trên 70 triệu đồng, chưa kể đất.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, diện tích cây chanh dây bị dịch bệnh đến nay lên khoảng 20ha. Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi thì dịch bệnh đã hoành hành trên ít nhất 100ha.
Không thể kiểm soát
Ông Trương Xuân Anh cho biết: "Tình hình dịch bệnh trên cây chanh dây đang diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, với việc trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch của người dân khiến cho ngành nông nghiệp rất khó kiểm soát. Hiện là mùa mưa, là điều kiện để dịch bệnh lây lan".
Mặc dù đã có không ít khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhưng diện tích chanh dây của tỉnh Đăk Nông vẫn cứ tăng từng ngày. Theo ông Anh thì dịch bệnh được "mang" sang từ tỉnh Lâm Đồng. Từ giữa năm 2009, dịch bệnh đã xuất hiện tại những vườn cây lấy giống từ Lâm Đồng.
Cũng theo ông này, hiện việc kiểm soát chất lượng giống từ Lâm Đồng sang là không thể. Hàng chục hộ dân từ Lâm Đồng sau khi "điêu đứng" với loại cây này đã sang Đăk Nông thuê đất tiếp tục trồng. Ông Trần Tuấn - nông dân từ Lâm Đồng tới cho biết: "Vẫn biết loại cây này bị bệnh thì không thể cứu, nhưng nếu nó "chịu" được vài năm là đã có lãi, nên rất nhiều người chấp nhận rủi ro".
Ông Nguyễn Phương - một nông dân từ Đăk Lăk sang, sau 1 tháng đã bỏ xuống đất khoảng 150 triệu đồng, chưa tính tiền thuê đất. Thế nhưng điều gì đang đợi phía trước, ông vẫn chưa biết. Ông Phương cho biết: "Tôi có kinh nghiệm trồng… rau từ nhiều năm nay nên tin rằng mình có thể thành công với loại cây này." Thế nhưng khi được hỏi về kỹ thuật trồng chanh dây thì ông Phương nói: "Cứ như người ta mà làm".
Trên thực tế các tài liệu kỹ thuật và cách phòng trừ sâu bệnh trên chanh dây rất ít, hầu như chưa có. Người dân hoàn toàn "mù tịt" khi trồng loại cây này. Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt mà nhiều người đang chấp nhận "đánh bạc với trời". Cây chanh dây vẫn tiếp tục mọc lên ồ ạt…
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.