Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhận định, số liệu về nhóm người nguy cơ rất quan trọng, tuy nhiên một số quận huyện còn chậm trong triển khai cập nhật số liệu nhóm người này. Cùng với đó là công tác tiêm vaccine cho nhóm người nguy cơ vẫn còn triển khai khá chậm.
Trung tâm Y tế các địa phương đang thuyết phục và tiêm vaccine cho những người này. Trường hợp họ gặp khó khăn trong đi lại, địa phương sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.
Tuy nhiên, thực tế đi vận động tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi này không đơn giản. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) cho biết, có nhiều trường hợp phản đối tiêm vaccine rất quyết liệt, có nhóm thuộc anti vaccine, có người sợ tai biến sau tiêm, có người sợ đang có bệnh tiêm vào bệnh nặng hơn… nên việc thuyết phục các đối tượng này rất vất vả.
Nhân viên y tế phải đi lại nhiều lần, tìm nhiều cách thuyết phục, thậm chí phải vận động những người thân "vòng trong vòng ngoài" để nhận được sự đồng thuận tiêm chủng. "Có gia đình cụ già đồng ý tiêm rồi nhưng con cháu không chịu hoặc ngược lại, con cái đồng ý tiêm nhưng ông cụ cao tuổi, trí nhớ lẫn lộn thì nhất định không cho tiêm. Có trường hợp chúng tôi phải mời con cháu đến chứng kiến, được sự đồng ý của họ để thuyết phục cụ già: Đây là thuốc bổ, có vậy cụ mới đồng ý tiêm", BS Khanh tâm sự.
Tính đến ngày 22/12, thành phố đã lập danh sách hơn 584.000 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, xét nghiệm nhanh tầm soát phát hiện 3.918 người dương tính Covid-19. Tất cả F0 đều được cung cấp thuốc kháng virus Molnupiravir.
Sở Y tế TP.HCM nhận định việc phát hiện kịp thời F0 trong nhóm nguy cơ để can thiệp ngay sẽ góp phần giảm nguy cơ tử vong. Các quận huyện đang tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ và cung cấp ngay thuốc kháng virus cho F0 nhóm này ngay trước khi đi cách ly và không cần có triệu chứng.
Tất cả người thuộc nhóm nguy cơ được trung tâm y tế chuyển danh sách kèm số điện thoại liên lạc đến mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để các bác sĩ thăm hỏi và tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ của TP.HCM dự kiến tiếp tục triển khai trong năm 2022. Với kế hoạch này, các địa phương lập danh sách gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ gồm trên 65 tuổi, bệnh nền để triển khai lấy mẫu, tiêm vaccine cho người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều.
Sở Y tế yêu cầu các quận huyện hoàn tất việc tiêm vaccine mũi 3 (bao gồm mũi bổ sung và nhắc lại) trong tháng 1/2022 cho cả nhóm nguy cơ và không nguy cơ. Đồng thời lưu ý tất cả các F0 vừa hoàn thành đợt điều trị thì cho tiêm ngay, không chờ đủ thời gian 6 tháng sau nhiễm Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.