Châu Âu đang “chết đuối” trong sữa

Huyền My (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 11/09/2015 06:48 AM (GMT+7)
Giá sữa ở châu Âu đang rẻ hơn nước đóng chai, điều này mang đến niềm vui cho người tiêu dùng, nhưng lại là thảm hoạ đối với hàng triệu nông dân nuôi bò sữa.
Bình luận 0

Nạn nhân của lệnh trừng phạt

Theo CNN, hiện 1 lít sữa tại châu Âu chỉ có giá là 1USD trong khi giá 1 lít nước đóng chai ở Anh là 1,5 USD, còn ở Pháp là 1USD. Giá sữa bán buôn đã giảm khoảng 20% ​​xuống còn 37 cent mỗi lít ở châu Âu. Từ đầu năm đến nay giá sữa tại các cửa hàng giảm khoảng 5% trong khi giá bán sỉ 1 lít sữa từ các trang trại sữa giảm đến 20%, tức khoảng 33 cent. Nhiều nông dân cho biết họ đang chịu thiệt hại nặng nề khi phải bán ra lượng sữa với giá thành thấp hơn nhiều so với chi phí cho đầu tư sản xuất.

img

Nông dân châu Âu treo hình nộm của những chú bò trong cuộc biểu tình đòi trợ giá sữa ở Bỉ ngày 7.9. Ảnh:   I.T

Cùng với việc châu Âu dỡ bỏ hạn ngạch sữa, Nga đưa ra quyết định cấm nhập khẩu sữa từ EU và nhu cầu nhập khẩu sữa của Trung Quốc suy giảm đã đẩy nông dân châu Âu vào vòng xoáy sản xuất sữa tràn lan nhưng tiêu thụ nhỏ giọt.

Kể từ đầu tháng 4 vừa qua, EU chính  thức dỡ bỏ hạn ngạch sữa sau 30 năm áp dụng đã tạo ra cơ chế mở cho các hộ nông dân nuôi bò sữa hay các nhà máy có thể sản xuất bao nhiêu sữa là tùy vào khả năng. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất sữa, thêm nhiều việc làm, tăng doanh thu từ sữa dự kiến thêm 1,3 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng cũng chính vì vậy, lượng cung vượt cầu, trong khi nhiều thị trường nhập khẩu đã tạm ngừng hay giảm số lượng nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của EU. Ông Romuald Schaber- Chủ tịch Hội đồng sữa của EU, đại diện cho nông dân chăn nuôi bò sữa nhận định: “Chỉ khi nào sản xuất được hạn chế thì giá sữa mau chóng được phục hồi”.

Tuy nhiên trên thực tế thì không nhà sản xuất nào muốn giảm lượng đầu ra khi lo ngại sẽ mất thị trường.

Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng, việc được tự do sản xuất sữa không phải là nguyên nhân chính khiến lượng sữa dư thừa, kéo giá thành giảm mạnh. Thực tế là ngành chăn nuôi bò sữa của châu Âu đã quay cuồng trước các lệnh cấm vận thực phẩm do Nga đưa ra để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga là một trong những thị trường tiêu thụ sữa và các sản phẩm làm từ sữa lớn nhất của EU, chiếm 32% thị phần pho mát, 24% thị phần xuất khẩu bơ.

Theo ước tính, nông dân châu Âu đã bị thiệt hại 5,5 tỷ euro bởi chính lệnh cấm nói trên của Nga.

Trợ giá bao nhiêu thì đủ?

Trước những thiệt hại nặng nề, nông dân châu Âu đã phản kháng. Họ kêu gọi các nghiệp đoàn cùng tham gia biểu tình, phản đối chính sách nông nghiệp của khối chưa đủ mạnh để bảo vệ người sản xuất. Khủng hoảng sữa chỉ là một phần trong khủng hoảng nông nghiệp của khu vực này, mà theo giới chuyên gia có nguy cơ lan rộng trên toàn châu Âu.

Hàng nghìn người dân châu Âu từ Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Đan Mạch, Áo và Thụy Sĩ cùng hàng trăm người điều khiển xe kéo, kéo đến biểu tình trước trụ sở của Hội đồng EU tại Brussels (Bỉ), nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh bất thường của bộ trưởng nông nghiệp 28 quốc gia EU.

Người biểu tình yêu cầu duy trì một lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả trong tất cả các khu vực của EU, một chính sách nông nghiệp chung (CAP) dựa trên những nguyên tắc kinh tế và các biện pháp nhằm đối phó với những biến động trong thị trường nông nghiệp, cũng như việc áp dụng các biện pháp trung và dài hạn. Họ cũng kêu gọi EU hỗ trợ nông dân bằng cách tìm thêm những thị trường mới ở trong và ngoài EU.

Trước tình hình này, tại cuộc họp Bộ trưởng Nông nghiệp EU ngày 7.9, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo chi 500 triệu euro để hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân, đặc biệt cho các nhà sản xuất sữa. Số tiền này sẽ được cung cấp cho tất cả các quốc gia thành viên dưới hình thức gói hỗ trợ cho ngành sữa.

Trước mắt, khoản hỗ trợ này sẽ dùng để hỗ trợ nông dân gặp khó khăn do thiếu vốn, khôi phục sự cân đối của thị trường bằng cách thúc đẩy cầu, giảm cung. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Phil Hogan, gói hỗ trợ này thể hiện trách nhiệm nghiêm túc của EC đối với nông dân.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, liệu 500 triệu euro có đủ? Theo Đài Tiếng nói nước Pháp, 500 triệu euro chỉ là một nửa số nợ mà nông dân Pháp đang phải gánh chịu vì nông sản rớt giá.

Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, khoảng 10% trang trại ở đây đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản và 500 triệu euro chỉ bằng khoảng 1/10 số thiệt hại của nền nông nghiệp EU trong 1 năm do các lệnh cấm vận của Nga. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem