Mới đây, một người nổi tiếng có hàng trăm nghìn người theo dõi tại Trung Quốc mang tên Gao Junyu chia sẻ cô đang được điều trị khối u não được lan truyền trên mạng. Tuy nhiên, cơ quan an ninh không gian mạng ở thành phố Hàng Châu đã xác nhận rằng nội dung này đã xảy ra từ tháng 9/2023. Thông tin này nhanh chóng làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc "câu like, câu donate" trên mạng xã hội tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới này.
Gao hiện 22 tuổi, gần đây đã thu hút sự chú ý của công chúng khi tiết lộ trên Douyin rằng, cô đã được chẩn đoán mắc một "khối u não hiếm gặp". Gao lần đầu tiên được công chúng biết tới lúc 8 tuổi, vào năm 2009, sau khi xuất hiện trong một quảng cáo nổi tiếng và từ đó đã đóng vai chính trong nhiều bộ phim như "Bruce Lee, My Brother".
"Chém gió" bị u não trên mạng xã hội, diễn viên nổi tiếng gặp "kết đắng"
Đoạn video dài một phút, được đăng vào ngày 29/2 trùng với Ngày Bệnh hiếm gặp Thế giới, cho thấy Gao mặc áo bệnh viện và cạo trọc đầu để chuẩn bị cho ca phẫu thuật não. Các bản cập nhật hình ảnh và video tiếp theo trên Douyin được đăng trong 10 ngày sau đó đã ghi lại cảnh cô ấy trải qua đợt điều trị. Một video được chia sẻ vào ngày 8/3 cho thấy Gao được chuyển đến phòng cấp cứu, khi sức khoẻ Gao diễn biến xấu, kèm theo sốt cao dai dẳng.
Trong khi các video và hình ảnh ban đầu thu hút một làn sóng ủng hộ lớn, ngày càng nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi về tính xác thực của những hình ảnh này. Một số người chỉ ra các bác sĩ trong các clip đều mặc đồ mua hè. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không mặc quần áo phù hợp cho mùa đông lạnh giá.
Trước những cáo buộc của cư dân mạng, mẹ của Gao đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 13/2, trong đó bà xác nhận con gái bị bệnh nặng. Nhưng giải thích công ty quản lý của cô đã đăng tải những đoạn video gây hiểu nhầm. Tuyên bố đây là một "sai lầm nghiêm trọng", mẹ của Gao cho biết con gái sẽ tạm dừng sử dụng tài khoản mạng xã hội.
Ngày hôm sau, cơ quan quản lý không gian mạng Hàng Châu xác nhận rằng những hình ảnh và video gây tranh cãi được quay từ tháng 9/2023 và cơ quan quản lý tài năng Hàng Châu, đơn vị chịu trách nhiệm trang mạng xã hội của Gao đã xuyên tạc sự thật.
Nhấn mạnh rằng "Internet không phải là nơi vô luật pháp", chính quyền Hàng Châu cảnh báo rằng các công ty hoặc cá nhân gây rắc rối bằng cách bịa đặt, xuyên tạc hoặc phóng đại sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tác động hoặc hậu quả tiêu cực nào đến xã hội.
Cuộc tranh cãi đã tạo ra hàng chục hashtag liên quan trên mạng xã hội, trong đó một hashtag trên nền tảng Weibo thu hút hơn 430 triệu lượt xem. Công chúng phản ứng trái chiều, một số chọn cách bỏ qua vụ việc, thay vào đó tập trung vào cuộc đấu tranh chiến thắng bệnh tật của Gao, những người khác lại bày tỏ sự phẫn nộ.
Yin, một nhà vận động tại một tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tình trạng suy giảm miễn dịch nguyên phát, chia sẻ rằng những thông tin sai lệch như vậy sẽ hướng sự chú ý ra khỏi những vụ việc cần sự chú ý thực sự.
Yin được chẩn đoán mắc bệnh PID, một căn bệnh hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch bị tổn hại, cho biết anh đã chỉnh sửa một số video cho Ngày Bệnh hiếm Quốc tế để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhưng chúng hầu như không thu hút được lưu lượng truy cập nào trên mạng xã hội.
"Hóa ra lưu lượng truy cập đã bị những kẻ lừa đảo chiếm dụng độc quyền. Tôi vẫn lo lắng về tình trạng của cô ấy trước khi phẫu thuật lúc xem video", Yin nói.
Trong bối cảnh mạng xã hội bị thao túng bởi nhiều thông tin giả, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã phát động một chiến dịch vào tháng 12/2023 nhằm chống lại thông tin sai lệch và nội dung không phù hợp, nhắm mục tiêu vào các video bịa đặt câu chuyện để gây thiện cảm cùng các vấn đề khác. Các nhà chức trách cảnh báo rằng, các tài khoản hoặc nền tảng bị phát hiện vi phạm các nguyên tắc trực tuyến sẽ phải đối mặt với việc đóng cửa và bị phạt hành chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.