Chỉ cần đeo 2 chiếc vòng vào chân con lợn, “truy” được ngay lợn nuôi ở trang trại nào
Chỉ cần đeo 2 chiếc vòng vào chân con lợn, “truy” được ngay lợn nuôi ở trang trại nào
Nguyễn Vy
Thứ sáu, ngày 28/01/2022 18:49 PM (GMT+7)
Sử dụng công nghệ Te-Food Blockchain để truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thịt lợn (heo) là bước đi quyết liệt của tỉnh Đồng Nai trong việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Dự án truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng công nghệ 4.0 sẽ hỗ trợ người dân, chính quyền và doanh nghiệp quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ. Từ đó xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh cho toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm của Đồng Nai.
Trách nhiệm của nông dân
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án truy xuất thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc từ động vật trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là dự án có sự tham gia của nhiều sở ngành, UBND các huyện cùng các chợ hiện đại và truyền thống, các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, bệnh viện cùng các cơ sở giáo dục đào tạo.
Hệ thống Te-Food là một hình thức mới, giúp cải thiện việc quản lý an toàn thực phẩm trên toàn chuỗi cung ứng với công nghệ blockchain. Các kết quả xét nghiệm sẽ được ghi nhận trung thực, vĩnh viễn, giúp chuỗi cung ứng và cơ quan chức năng thu hồi các sản phẩm không đủ điều kiện lưu hành ngay lập tức.
Ông Lê Văn Lộc -
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai
Ông Nguyễn Trường Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai cho biết, dự án sử dụng hệ thống Te-Food Blockchain - một trong những hệ thống truy xuất chuỗi cung ứng thực phẩm hàng đầu thế giới.
Hệ thống Te-Food với công nghệ blockchain giúp kiểm soát mọi thông tin theo thời gian thực. Các đối tác tham gia vào chuỗi cung ứng thịt lợn có truy xuất nguồn gốc chỉ cần dùng điện thoại thông minh, có cài đặt ứng dụng miễn phí Te-Food quét mã trên vòng nhận diện và tem truy xuất.
Tất cả thông tin về chặng đường từ cơ sở chăn nuôi, đến tay người tiêu dùng được tự động cập nhật vào hệ thống Te-Food để quản lý, theo dõi và truy xuất nguồn gốc.
Trại lợn của ông Lương Quốc Hùng (ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) là một trong những trang trại tham gia vào dự án.
Ông Hùng kể, theo quy trình, một cơ sở chăn nuôi hoặc cơ sở thu gom lợn đã đăng ký và được Chi cục Chăn nuôi thú y kiểm tra xác thực sẽ được cấp vòng nhận diện màu vàng, tương ứng với số lượng lợn nuôi. Đây là loại vòng niêm phong đặc biệt, có chốt khóa an toàn và khắc laser mã QR Code duy nhất, chứa các thông tin cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Sau khi kích hoạt, hệ thống Te-Food sẽ cập nhật thông tin về cơ sở chăn nuôi, số lượng lợn xuất bán, thương nhân mua lợn, cơ sở giết mổ nơi lợn xuất đến. Sau đó, mỗi con lợn sẽ được buộc 2 chiếc vòng nhận diện vào 2 chân sau.
Theo ông Hùng, việc đeo vòng truy xuất vào con lợn không phải đeo cho vui. Vòng truy xuất nhằm đảm bảo con lợn được chăn nuôi sạch, không sử dụng chất cấm. "Nông dân chịu trách nhiệm với người tiêu dùng trên từng con lợn của mình" - ông Hùng nhấn mạnh.
Giám sát toàn bộ đường đi của thịt lợn
Tại các cơ sở giết mổ, cán bộ thú y sử dụng công nghệ Te-Food để kiểm tra thông tin vận chuyển, kiểm tra lâm sàng heo, cho phép lợn được giết mổ hoặc cách ly những con không đủ điều kiện giết mổ.
Sau khi được giết mổ và xẻ thành 2 mảnh, mỗi mảnh lợn vẫn giữ nguyên vòng nhận diện màu vàng gắn ở chân sau. Cán bộ thú y sẽ tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và đóng mộc trên thân lợn.
Cán bộ thú y đồng thời kích hoạt vòng nhận diện thay thế có màu xanh để nhân viên cơ sở giết mổ đeo vào những mảnh heo đã bị mất vòng nhận diện màu vàng trong quá trình vận chuyển hoặc giết mổ.
Nhân viên cơ sở giết mổ sẽ cập nhật mọi thông tin giết mổ bằng cách quét tất cả các vòng nhận diện trên chân lợn. Lúc này, hệ thống sẽ ghi nhận thêm thông tin về thời gian giết mổ, dây chuyền giết mổ.
Bước tiếp theo, nhân viên cơ sở sẽ kích hoạt vòng niêm phong có màu trắng để truy xuất lô hàng và bổ sung thêm các thông tin vận chuyển ở đích đến như cơ sở bán sỉ, chợ truyền thống, các kênh phân phối hoặc các bếp ăn tập thể.
Mỗi lô thịt lợn trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ sẽ được nhân viên thú y quét mã QR Code của vòng niêm phong lô hàng để xác nhận. Chỉ những mảnh thịt lợn đạt tiêu chuẩn ATTP mới được phép ra khỏi cơ sở giết mổ.
Ông Nguyễn Quanh Thọ - Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh), một đơn vị giết mổ tập trung cho biết, việc đeo vòng truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng quét mã để kiểm tra xuất xứ miếng thịt. Với người cung cấp, vòng truy xuất có thể gây tốn kém thêm thời gian thao tác.
"Nhưng khi thịt lợn gặp sự cố trong quá pha lóc, chủ cơ sở có thể quét mã để tìm nguyên nhân và biết miếng thịt lợn này xuất phát từ trang trại nào. Từ đó có thể điều chỉnh lại lô hàng mà cơ sở chuẩn bị sử dụng" - ông Thọ nói.
Truy xuất đến người bán thịt lợn
Chợ Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) là 1 trong những địa điểm triển khai bán thịt lợn truy xuất nguồn gốc theo dự án truy xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Khi nhận hàng, các tiểu thương tại chợ sẽ quét mã QR Code của vòng niêm phong lô hàng; đồng thời kích hoạt tem truy xuất để nhập toàn bộ thông tin truy xuất vào tem.
Bà Hồng Nga - tiểu thương ở chợ Bảo Hòa cho biết, lúc này, mỗi con tem truy xuất đã chứa đủ mọi thông tin truy xuất từ: Cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kiểm dịch viên, chợ đầu mối. Khi khách hàng chọn mua, tiểu thương chỉ cần dán tem truy xuất lên túi thịt. Người mua có thể kiểm tra được thông tin nguồn gốc miếng thịt lợn vừa mua.
Các phần việc cũng được tiến hành tương tự tại cửa hàng tiện ích và hệ thống siêu thị. Sau khi quét mã xác minh lô hàng, nhân viên sẽ kích hoạt tem để cập nhật thêm thông tin về cửa hàng, siêu thị và thời gian tiếp nhận thịt lợn. Sau khi heo mảnh được pha lóc và đóng gói, nhân viên sẽ dán tem truy xuất đã được kích hoạt lên gói sản phẩm để bán cho khách hàng.
Bà Trần Mỹ Dung - người dân ở TP.Biên Hòa cho biết, bà thường xuyên đi siêu thị để mua thịt tươi sống, nhất là thịt lợn. Thịt được đóng gói, bao bì sạch sẽ và có thể truy xuất nguồn gốc. "Có tem truy xuất, người dùng cảm thấy yên tâm hơn so với các loại thịt lợn trôi nổi trên thị trường" - bà Dung nói.
Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ tháng 1/2022, người dân Đồng Nai chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có thể tự kiểm tra thịt tươi sống đã được kiểm soát an toàn thực phẩm hay chưa, ai kiểm soát, giết mổ lúc nào, nuôi ở đâu.
Theo ông Lộc, việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ, các bếp ăn tập thể là yêu cầu cấp thiết. Các siêu thị, ban quản lý các chợ có thể tự lấy mẫu thịt lợn để kiểm tra chất lượng theo yêu cầu, hoặc thực hiện định kỳ.
Nhân viên phụ trách an toàn thực phẩm ở các bếp ăn có thể soi vòng hoặc tem truy xuất để kiểm tra sản phẩm có được nhà cung cấp thực hiện theo đúng như hợp đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.