Tại Hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình chi phí khám chữa bệnh BHYT quý I/2024 và các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT" vừa diễn ra, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tình hình sử dụng chi phí khám chữa bệnh BHYT trong quý I có sự gia tăng bất thường so với cùng kỳ năm 2023, tăng gần 4.000 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều tỉnh có chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng trên 20%.
Chia sẻ rõ hơn về tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT đã có những đánh giá về số lượt và số chi phí gia tăng, chi phí điều trị nội trú, ngoại trú bình quân chung và tại một số tỉnh; tỷ lệ chỉ định cấp cứu, xét nghiệm, điều trị nội trú…
Theo ông Phúc, trong quý I, toàn quốc có 40,4 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023; với số tiền do quỹ BHYT thanh toán là 30.974.470 triệu đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính, tỷ lệ sử dụng dự toán quý I tăng trên 26,8% so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ chi tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Một số tỉnh có gia tăng rất lớn như: Tây Ninh (32,8%), Tiền Giang (35,9%), Đà Nẵng (31,5%), Quảng Bình (27,8%)...
Cá biệt, có những cơ sở y tế có số chi khám chữa bệnh BHYT tăng hơn 5-10 lần so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có tỷ lệ chi thuốc cao hơn rất nhiều so với bình quân chung toàn quốc và tăng hơn nhiều so với số lượt khám chữa bệnh.
Đồng thời, tại nhiều phòng khám đa khoa, trong khi các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không giảm thì chi phí thuốc gần như bằng 0%...
Ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến cũng cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam liên tục triển khai các công cụ kiểm soát gia tăng chi khám chữa bệnh BHYT.
Đó là các tính năng được hoàn thiện trong phầm mềm giám sát, quản lý thuốc; cập nhật công bố kết quả đấu thầu thuốc trên trang Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Ngày 17/4 vừa qua, BHXH Việt Nam đã có công văn hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện cảnh báo chi phí gia tăng bất thường đến Cổng Tiếp nhận thông tin theo quy định tại Nghị định 75... Đây chính là công cụ hỗ trợ cho BHXH các địa phương trong việc giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đánh giá, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường ở các tỉnh có nhiều nguyên nhân như: Lãnh đạo BHXH một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này; chưa phối hợp tốt với Sở Y tế; cách làm vẫn theo lối cũ, thiếu sáng tạo. Bên cạnh đó, có tình trạng chỉ định cấp cứu, nội trú quá cao tại một số cơ sở y tế…
Ông Hòa nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay là BHXH các địa phương cũng phải tăng cường tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật lĩnh vực BHYT như: Luật BHYT sửa đổi, các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế...
Đặc biệt, cần bám sát các quy định trong Nghị định 75, phát huy hiệu quả trách nhiệm của cơ quan BHXH trong quản lý, giám sát chi KCB BHYT...
"Yêu cầu BHXH các địa phương tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ viên chức trong công tác giám định, để đảm bảo việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định pháp luật.
Chủ động rà soát, phát hiện các bất thường được cảnh báo trên Hệ thống giám định và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám chữa bệnh về những chi phí tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.
Nghiêm túc thực hiện các chuyên đề do Trung tâm Giám định BHYT và Trung tâm đa tuyến cảnh báo; cập nhật và báo cáo kết quả giám định chuyên đề theo đúng quy định", ông Hòa nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, qua số liệu chi tiết từ Hệ thống Thông tin giám định BHYT, BHXH các tỉnh cần nhìn nhận, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT có đúng quy định, có được sử dụng thực sự cho người bệnh hay không?
BHXH các tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh để thông tin, thay đổi tư duy, đồng hành trong thực hiện khám chữa bệnh BHYT; tập trung giải quyết các yếu tố chưa hợp lý trong đấu thầu thuốc, chỉ định cấp cứu, xét nghiệm, nội trú, chuyển tuyến…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị chuyên môn và BHXH các tỉnh cần quyết liệt, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý quỹ BHYT, đi kèm với kiểm tra, thanh tra.
“Cần thay đổi tư duy trong quản lý, phối hợp cùng ngành Y tế để kiên quyết ngăn chặn các bất hợp lý ngay từ ban đầu với mục tiêu tiết kiệm chi phí là để phục vụ tốt nhất cho người dân, khi chúng ta còn rất nhiều bệnh nhân chung sống với bệnh tật suốt đời, luôn cần có quỹ BHYT đồng hành hỗ trợ.
Hoạt động giám định của ngành BHXH không phải giữ quỹ BHYT, mà là giám sát sử dụng quỹ hợp lý và hiệu quả nhất...”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.