Cuối tháng 12/2024, trường Trung học cơ sở Tô Châu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã gây chú ý khi công bố danh sách tuyển dụng giáo viên năm 2025. Đáng chú ý, trong số 13 giáo viên được tuyển, có 6 người tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, 4 người từ Đại học Bắc Kinh, 8 người sở hữu bằng tiến sĩ và 5 người có bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, không ai trong số này tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm. Quyết định này đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt về mối quan hệ giữa danh tiếng học thuật và năng lực sư phạm.
Trường THCS Tô Châu đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe, ưu tiên ứng viên có bằng tiến sĩ và thạc sĩ từ các trường đại học hàng đầu. Các điều kiện bổ sung bao gồm đạt nhiều học bổng quốc gia, giành danh hiệu xuất sắc cấp tỉnh, hoặc đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc gia. Tuy nhiên, việc bỏ qua các ứng viên được đào tạo chuyên môn sư phạm đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng và giới chuyên gia.
Các chuyên gia giáo dục nhận định xu hướng này xuất phát từ hai yếu tố chính. Một là sinh viên các trường top thường vượt trội trong các bài kiểm tra và phỏng vấn tuyển dụng. Hai là các trường học ưu tiên ứng viên từ các trường danh tiếng để nâng cao uy tín. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối trên mạng xã hội cho rằng danh tiếng học thuật không đảm bảo năng lực giảng dạy. Một bình luận nhấn mạnh: "Sinh viên trường sư phạm xuất sắc nên là lựa chọn hàng đầu. Đừng mù quáng tôn thờ trình độ học vấn".
Hiện tượng sinh viên tốt nghiệp trình độ cao, bao gồm tiến sĩ, tham gia giảng dạy tại các trường phổ thông ở Trung Quốc ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như Tô Châu, Hàng Châu, và Thâm Quyến. Nhiều trường học tại đây yêu cầu giáo viên có bằng thạc sĩ trở lên. Theo ông Hùng Bính Cơ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, xu hướng này phản ánh sự phổ cập giáo dục đại học tại Trung Quốc. Hiện nước này đào tạo khoảng 1 triệu sinh viên sau đại học mỗi năm, tạo nguồn cung lớn cho thị trường lao động.
Việc sửa đổi Luật Nhà giáo Trung Quốc dự kiến sẽ nâng yêu cầu tối thiểu về trình độ học vấn của giáo viên. Theo đó, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cần có bằng đại học, trong khi giáo viên trung học phổ thông có thể phải sở hữu bằng thạc sĩ hoặc cao hơn. Báo cáo việc làm từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh cũng cho thấy giảng dạy tại các trường phổ thông đang trở thành một lựa chọn phổ biến cho sinh viên tốt nghiệp sau đại học.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng việc tăng tiêu chuẩn học vấn cần đi đôi với cải thiện năng lực giảng dạy thực tế. Nghiên cứu năm 2022 của bà Vương Hiểu Yên thuộc Hiệp hội Giáo dục Đại học Quảng Đông đã chỉ ra rằng nghiên cứu sinh tiến sĩ ngày nay phải thích nghi với thị trường việc làm đa dạng, trong đó có lĩnh vực giáo dục phổ thông. Điều này đòi hỏi các trường học phải cân bằng giữa trình độ học vấn cao và kỹ năng giảng dạy thực tiễn nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.