Tăng, Ni sinh diễn kịch, ca hát tái hiện hành trình trở thành Phật hoàng của vua Trần Nhân Tông
Tăng, Ni sinh diễn kịch, ca hát tái hiện hành trình trở thành Phật hoàng của vua Trần Nhân Tông
Tuệ Lâm. Ảnh: Anh Dũng
Thứ ba, ngày 07/01/2025 11:47 AM (GMT+7)
Tối qua (6/1), Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) đã trang trọng tổ chức lễ kính mừng Ngày Đức Phật thành đạo. Các Tăng, Ni sinh đã diễn kịch, ca hát tái hiện hành trình trở thành Phật hoàng của vua Trần Nhân Tông.
Ngày mồng 8 tháng 12 âm lịch hàng năm là ngày Đức Phật thành đạo. Trong Phật giáo, ngày Đức Phật Thích ca đản sinh và thành đạo đều là những ngày lễ lớn, quan trọng. Vì thế, vào những ngày này, nhiều ngôi chùa, tu viện và học viện đã tổ chức nghi lễ rất trang trọng.
Tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) đã trang trọng tổ chức lễ kính mừng Ngày Đức Phật thành đạo với sự tham dự của hàng nghìn chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng sinh, Ni sinh và quan khách cùng Phật tử gần xa.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, nhờ nhiều kiếp tu hành, dù sinh ra trong địa vị tôn quý nhưng Đức Phật đã nhận thức được nỗi thống khổ của nhân sinh. Từ đó, Ngài quyết chí xuất gia, mong cầu chân lý giác ngộ, giải thoát. Sau khi giác ngộ, tùy theo căn cơ mà Ngài đưa ra tam thừa giáo lý để hóa độ chúng sinh.
Ngày Đức Phật thành đạo là sự kiện có ý nghĩa trọng đại. Đức Phật đã chiến thắng ma quân, mở cánh cửa bất tử cho tất cả chúng sinh. Ngài đã chứng minh mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát. Trong ảnh là cảnh các Phật tử dâng lời ca kính mừng Ngày Đức Phật thành đạo.
Tại lễ kính mừng ngày Đức Phật thành đạo, các Tăng - Ni sinh và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu đã diễn vở nhạc kịch "Đức vua hoá Phật" do Hoà thượng Thích Thanh Quyết - Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chỉ đạo nội dung.
Vở diễn kể lại hành trình giác ngộ đạo Phật, từ bỏ ngai vàng điện ngọc đến vùng núi Yên Tử ẩn tu rồi trở thành vị Phật hoàng khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo đó, dưới bóng cổ tùng hơn 700 năm tại vùng núi thiêng Yên Tử, người đời vẫn nhắc mãi câu chuyện về một vị Thiền sư xuất thân là đế vương, khai sáng ra dòng thiền của người Việt, gắn liền với hào khí của thời đại lịch sử – hào khí Đông Á.
Dòng thiền ấy được sinh ra trong khát vọng tự do của một dân tộc bé nhỏ, sát cánh cùng dân tộc trong những cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Nguyên Mông, gắn liền với tên tuổi của Trần Nhân Tông - người đã hợp nhất sức mạnh của toàn dân Đại Việt, là đấng minh quân và là vị Phật hoàng duy nhất của Việt Nam.
Trần Nhân Tông là một thiền sư lỗi lạc, tu sĩ tiêu biểu của một thời đại Phật giáo và chính trị mẫu mực thế kỷ thứ XIII. Đây là thời kỳ tinh thần dân tộc thăng hoa, văn hóa, tư tưởng và trí tuệ đạt tới đỉnh cao trong lịch sử dân tộc.
Trần Nhân Tông là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm mang dấu ấn Việt sâu sắc, là thi sĩ lớn với những bài thơ bất hủ và là nhà nhân văn chủ nghĩa có sức cảm hóa hàng triệu triệu con tim.
Các Tăng, Ni sinh ca hát ngợi ca về Đức Phật, đạo Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Hàng nghìn Tăng, Ni sinh và Phật tử chăm chú theo dõi chương trình kính mừng Ngày Đức Phật thành đạo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.