Chiếc máy bay ném bom Nga khiến các tướng NATO phải 'toát mồ hôi'

Minh Nhật (theo Pravda) Chủ nhật, ngày 18/09/2022 13:05 PM (GMT+7)
Không quân Nga có thể hoạt động không tốt ở Ukraine nhưng họ vẫn sở hữu nhiều khí tài khiến NATO cũng phải "toát mồ hôi", bao gồm máy bay ném bom Tu-22M 'Backfire', chuyên gia quân sự cho biết.
Bình luận 0
Chiếc máy bay ném bom Nga khiến các tướng NATO phải 'toát mồ hôi' - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-22M 'Backfire' là một trong những khí tài của Nga khiến các tướng NATO phải "toát mồ hôi". Ảnh Creative Commons.

“Backfire” là tên báo cáo của NATO dành cho máy bay ném bom Tupolev Tu-22M của Nga. Máy bay này được phát triển vào những năm 1960 bởi Phòng thiết kế Tupolev, hiện nay chính thức được gọi là Công ty cổ phần Tupolev.

Tu-22M thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/8/1969, và ngày nay nó vẫn phục vụ trong Không quân Nga dù việc sản xuất đã ngừng vào năm 1993 sau khi 497 khung máy bay được chế tạo.

Tính đến năm 2014, hơn 100 chiếc Tu-22M vẫn đang được sử dụng. Đến năm 2017, con số đã giảm ít nhất một chiếc. Một chiếc Backfire đã bị hư hỏng không thể sửa chữa do gặp sự cố khi cất cánh tại căn cứ không quân Shaikavka trong cuộc tập trận Zapad 2017. May mắn, phi hành đoàn 4 người trên máy bay không bị thương.

Theo chuyên gia quân sự Christian D. Orr - một cựu sĩ quan Không quân Mỹ, Tu-22M Backfire là một máy bay ném bom chiến lược tầm xa và tấn công hàng hải.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đã nhấn mạnh tính ưu việt của Tu-22M Backfire như sau: “Các tính năng thâm nhập cấp độ thấp của Tu-22M Backfire khiến nó trở thành loại máy bay được sử dụng lâu hơn nhiều so với các máy bay tiền nhiệm. Mang bom hoặc tên lửa đất đối không AS-4/KITCHEN, Tu-22M Backfire là một máy bay tấn công đa năng, được sản xuất để tấn công các mục tiêu ở châu Âu và châu Á nhưng cũng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ xuyên lục địa chống lại Mỹ. Backfire có thể được trang bị các đầu dò để cho phép tiếp nhiên liệu trên máy bay, điều này sẽ làm tăng thêm tầm hoạt động và tính linh hoạt của nó".

Biến thể gần đây nhất của máy bay này, Tu-22M3 Backfire C đời 1981, đặc biệt có tốc độ bay tối đa lên tới 2.300km/h và phạm vi hoạt động 7.000 km, được trang bị hai động cơ phản lực NK-25. Chiều dài thân của nó là 42,46 mét, sải cánh khi mở rộng hết cỡ là 34,28 mét. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 126.400 kg, và máy bay này có thể mang đầy tải trọng 24.000kg bom.

Trận chiến đầu tiên của Backfire diễn ra trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan vào những năm 1980, đặc biệt là trong năm cuối cùng.

Backfire cũng được cho là đã tiến hành khoảng 100 phi vụ chống lại phiến quân ở Chechnya vào giữa những năm 1990 và cũng được sử dụng để chống lại lực lượng Gruzia trong Chiến tranh Nam Ossetia năm 2008. Trong Chiến tranh Nam Ossetia, chiếc Backfire đầu tiên đã bị bắn hạ trong chiến đấu bởi một tên lửa của Gruzia.

Ngoài ra, Backfires cùng với Tu-95 Bears và Tu-160 Blackjacks cũng đã thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria tháng 1/2019.

Backfires được xem là một mối đe dọa thực sự đối với lợi ích của Mỹ.

Với tình trạng ngày càng xấu đi của mối quan hệ Nga-Mỹ, mối đe dọa mà máy bay ném bom Backfire có thể gây ra đối với các tài sản của Mỹ và đồng minh vẫn cần được lưu tâm, chuyên gia quân sự Christian D. Orr nhận định.

Trong một bài báo được đăng trên kỷ yếu của Viện Hải quân Mỹ, Tiến sĩ Mark B. Schneider cảnh báo: "Hải quân Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với mối đe dọa từ Backfire trong 20 năm nữa. Trước khi Backfire bị loại bỏ và thay thế bằng máy bay ném bom tàng hình hạng nặng Pak DA, nó sẽ được trang bị các tên lửa này càng tiên tiến hơn, bao gồm cả những loại có tốc độ siêu thanh và khả năng tàng hình siêu việt hơn... Hải quân Mỹ phải sớm phát triển công nghệ và học thuyết chiến đấu để đối phó với các loại tên lửa ngày càng gây chết người này".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem