Chiến hạm USS Cyclops được Mỹ đưa vào hoạt động từ năm 1917. Khi Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ 1 vào tháng 5.1917, chiến hạm lớp Proteus có chiều dài 165m – rộng gần 20m này được giao nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho các tàu của Đồng minh Anh ở Nam Đại Tây Dương.
Chiến hạm khổng lồ USS Cyclops có thể đạt trọng tải hàng hóa lên tới 12.500 tấn.
Ngày 8.1.1918, trong chuyến hành trình trở về Mỹ sau khi tiếp nhiên liệu thành công cho các tàu Anh ngoài khơi bờ biển Brazil, chiến hạm USS Cyclops đi qua vùng biển Bermuda và nó được xác định là biến mất vào ngày 4.3.1918. Vào thời điểm gặp nạn, chiến hạm USS Cyclops chở theo 306 người bao gồm cả thủy thủ đoàn.
Sau khi phát hiện vụ việc, Hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch rầm rộ tìm kiếm chiến hạm. Theo tính toán ban đầu, USS Cyclops được cho là mất tích ở Baltimore nên Hải quân Mỹ tích cực tìm kiếm ở vùng biển này. Tuy nhiên, họ không thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào của con tàu cũng như những người có mặt trên chuyến tàu định mệnh đó.
Sự cố chiến hạm USS Cyclops được đánh giá là tổn thất vô cùng nghiêm trọng nhất của Hải quân Mỹ. Cần biết thời bấy giờ, USS Cyclops – được đặt theo tên của người Khổng lồ 1 mắt trong thần thoại Hy Lạp – chính là tàu chở nhiên liệu lớn nhất Thế giới với trọng tải hàng hóa đạt tới 12.500 tấn. USS Cyclops từng được báo chí Mỹ giai đoạn đó mô tả như là “một mỏ than nổi” khổng lồ!
USS Cyclops được cho là mất tích tại Tam giác quỷ Bermuda nhưng hàng trăm cuộc tìm kiếm trong 1 thế kỉ qua vẫn không thu được bất kỳ kết quả nào về dấu vết của chiến hạm này.
Dĩ nhiên, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải sự mất tích của chiến hạm này.
Một giả thuyết cho rằng USS Cyclops "chạm trán" tàu ngầm U-Boat của Đức và bị trúng ngư lôi. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới I kết thúc, hồ sơ của Đức cho thấy không có tàu ngầm U-Boat nào hoạt động trong vùng biển quanh Bermuda vào thời điểm USS Cyclops gặp nạn. Do vậy, giả thuyết này bị loại bỏ.
Một trong những giả thuyết hấp dẫn nhất về sự biến mất của USS Cyclops xoay quanh người chỉ huy con tàu - Trung úy George W.Worley. Nhân vật này sinh ra ở Đức, có tên khai sinh là Johan Frederick Wichmann, và đổi họ thay tên thành George W.Worley sau khi tới Mỹ.
Nhiều báo cáo cho thấy, Worley là một chỉ huy khắc nghiệt, lạm dụng hình phạt đối với các thủ thủy đoàn. Giả thuyết cho rằng, Worley chính là 1 gián điệp cấp cao được Đức cài vào Hải quân Mỹ và USS Cyclops thực ra chẳng hề mất tích mà chính Worley đã giúp quân đội Đức đánh chiếm thành công chiến hạm này. Dĩ nhiên, không có ghi chép nào về khả năng này từ cả 2 phía Đức và Mỹ.
Một số người khác đưa ra giả thuyết rằng USS Cyclops chở hàng hóa quá nặng so với trọng tải nên đã gặp sự cố thảm khốc và chìm xuống biển. Nhưng điều này thì càng bất hợp lý bởi cần biết khi bị mất tích USSC Cyclops đã hoàn thành xong nhiệm vụ tiếp nhiên liệu tức tải trọng của con tàu này đã giảm đi rất nhiều. Kể cả nguyên nhân mất tích của USS Cyclops là do bị chìm xuống biển thì chắc chắn phải có những tín hiệu S.O.S từ chiến hạm này.
Trung úy George W.Worley, chỉ huy trưởng chiến hạm, một người gốc Đức, bị nghi ngờ là đã giúp Quân đội Đức bí mật đánh chiếm USS Cyclos.
Không có tín hiệu vô tuyến, không có bất kì dấu hiệu nào của thuyền cứu sinh trên toàn bộ hải trình của chiến hạm này. Không gì cả! Cứ như thể USS Cyclops và toàn bộ người có mặt trên chuyến tàu này đã bị “bốc” khỏi Trái đất bởi một thế lực siêu nhiên nào đó.
Năm 1960, một Thợ lặn của Hải quân Mỹ khẳng định ông đã tìm thấy những dấu vết quan trọng của USS Cyclops ở ngoài khơi bở biển Virgina. Nhưng những cuộc tìm kiếm chính thức sau đó lại không thu được bất kỳ kết quả giá trị nào.
Năm 1970, 3 ngư dân người Brazil tuyên bố họ thấy hình ảnh trồi lên của một con tàu lớn có hình dáng tương tự chiến hạm USS Cyclops nhưng rốt cuộc đó chỉ là tin… vịt.
Kể từ thời điểm chính thức được xác nhận là mất tích, ngày 4.3.1918, cho tới ngày hôm nay tức đã 100 năm, bí ẩn về sự biến mất của USS Cyclops vẫn là một câu hỏi lớn không lời giải đáp, là bi kịch dai dẳng đối với thân nhân của 306 người đã “bốc hơi” cùng chiến hạm này.
Tâm Hoan (DOCBAO/SHTT)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.