Chiến lược mới của Thể thao Việt Nam: Nhìn lên và nhìn xa

Thứ ba, ngày 08/02/2011 15:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có thể đầu tư tập trung hơn, ít tham gia các môn lạ và mới hơn để cải thiện chất lượng. Đó chính là cách nâng tầm và khẳng định nội lực của thể thao nước nhà.
Bình luận 0
img
 

Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI đã chỉ ra một cách rõ rệt định hướng của thể thao nước nhà trong thời gian tới: "Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao đại chúng, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng một số môn thể thao thành tích cao nước ta có ưu thế. Đẩy lùi nạn tiêu cực trong thể thao".

Lâu nay người ta hay nói thể dục, thể thao để rạch ròi hai mảng: Thể dục là thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Nhưng trên thực tế không thể tách bạch như vậy, thể thao đại chúng phải là cái nền móng, là cái gốc cho các hoạt động thể thao.

Đầu tư ngọn hay gốc

Một cách thẳng thắn để nhìn nhận: TTVN năm 2010 là một năm có nhiều thất bại hơn thành công. ASIAD 16 - ngày hội của thể thao châu Á, TTVN đã có sự chuẩn bị tốt và tràn trề hy vọng chỉ tiêu 4-6 HCV. Nếu căn cứ vào thành tích của từng môn, đặc biệt những môn mà VĐV Việt Nam đã ở tầm châu Á và thế giới thì chỉ tiêu đó là vừa sức cũng như khả thi.

Tuy nhiên chấn thương của võ sĩ karatedo Hoàng Ngân như đã dự báo những điều không lành. Quả đúng như vậy, ngay sau đó, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn bị loại khỏi đoàn TTVN do dính doping ở giải vô địch thế giới trước đó.

Nỗi đau cộng với nỗi hổ thẹn về gian lận đã giáng một đòn mạnh vào đoàn TTVN nói chung trước giờ lên đường. Với cái tâm lý ấy, việc đoàn TTVN chỉ có đúng 1 HCV trong một karatedo là thất bại được dự báo trước.

Thất bại trên đất Quảng Châu đã khiến những nhà quản lý TTVN phải có cái nhìn khác, đầu tư khác. Đơn cử, Việt Nam đã gần 30 năm đầu tư vào môn wushu, kết quả là chúng ta gặt hái được những gì? Đúng là có những nhà vô địch thế giới như Thanh Ba, Thúy Hiền, Việt Lập nhưng xin thưa, cho dù có HCV thật nhưng không có nghĩa là wushu VN có những nhân tố đủ để tranh tài ở sân chơi tầm châu Á.

Nghe có vẻ nghịch lý nhưng Việt Nam chưa bao giờ có HCV ASIAD về wushu. Thực chất môn thể thao này cuối cùng lại có ý nghĩa về mặt… đại chúng chứ không phải là thể thao đỉnh cao khi hàng ngày, có hàng vạn các cụ bà cụ ông say sưa tập thái cực quyền- một nội dung của wushu để nâng cao sức khỏe.

Năm 2006, TTVN bất ngờ có HCV môn… cầu mây ở Doha (Qatar). Cả nước hân hoan và hy vọng tại Quảng Châu chúng ta làm nên bất ngờ. Nhưng chính cái môn này lại là hình ảnh rõ rệt nhất cho sự đầu tư của TTVN: Một đội tuyển cũ kỹ từng nhiều năm thi đấu không thể đánh bại được lực lượng trẻ Thái Lan. Nhìn lại cầu mây, nhiều người ngỡ ngàng, dù đã có HCV ASIAD nhưng Việt Nam lại không thể phát triển môn thể thao này rộng khắp được toàn dân ưa thích.

Thiếu tính đại chúng, môn thể thao nào cũng mất đi nguồn năng lượng vô tận từ nhân dân. Đã đến lúc, TTVN cần phải xem xét lại cái gọi là đầu tư "đi tắt đón đầu", nuôi VĐV như gà nòi. Trong khi cái cần là thể thao quần chúng, thể thao học đường gần như bỏ ngỏ.

Những ánh sáng le lói

Lại nhìn về ASIAD 16, điểm sáng nhất không phải là tấm HCV karatedo mà lại là ánh bạc của những tấm HCB môn điền kinh mà Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương mang lại.

Đó là chất lượng của những môn thể thao cơ bản của Olympic. Lâu nay, ở những đại hội của châu lục và thậm chí là khu vực, TTVN hay làm cái việc là đếm số huy chương để làm cho bản báo cáo thành tích thêm đẹp mà quên đi rằng chất lượng của huy chương cũng quan trọng không kém. Có thể đầu tư tập trung hơn, ít tham gia các môn lạ và mới hơn để cải thiện chất lượng. Đó chính là cách nâng tầm và khẳng định nội lực của thể thao nước nhà.

img
Lưu Thị Thanh

Khi nhìn vào Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, ai cũng thấy tự hào nhưng câu hỏi đặt ra là sau đây 4 năm thì còn những ai? Chẳng nhẽ lại Hương, Hằng? Đơn giản là vì chúng ta chưa có hoặc chưa chịu tìm. Làm sao mà tìm được khi thể thao (đặc biệt những môn ngoài bóng đá) chưa thể coi là một nghề hấp dẫn để lựa chọn nhân tài?

Chính sách đãi ngộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người phải suy nghĩ. Phải đến khi gần giải nghệ những Bùi Thị Nhung, Lưu Thị Thanh hay Thanh Hằng mới được cấp đất để an cư. Như một quy trình ngược như người xưa vẫn nói - có an cư mới lạc nghiệp.

Trong tiến trình chuyên nghiệp hóa các môn thể thao, nhiều địa phương tính chuyện giải cơn khát thành tích bằng cách mời những VĐV xuất sắc về thi đấu và bỏ luôn khâu đào tạo, hoặc chỉ làm cho có. Thế nên, câu chuyện Thanh Hằng, Vũ Thị Hương bị vắt kiệt sức như vắt chanh ở Đại hội TDTT toàn quốc lại đem đến những ánh buồn.

Nhìn về tương lai

Thể thao cần có ngôi sao, để tạo động lực và phát triển phong trào. Phong trào sâu rộng chính là môi trường để phát hiện ngôi sao. Hai mệnh đề này qua lại cứ như câu chuyện "con gà có trước hay quả trứng có trước" nhưng rõ ràng nó lại đặt cho TTVN những thách thức mới trong giai đoạn 5 hay 10 năm tới.

Có thể đã quá muộn khi nhắm tới Olympic London (Anh) hay ASIAD 2014, nhưng sự nghiệp thể thao là một quá trình lâu dài, có đầu tư và tính toán khoa học. Nhưng rõ ràng, cái gốc vẫn phải là "Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao đại chúng" bởi giá trị của thể thao không chỉ mang lại sức khỏe, mà còn là món ăn tinh thần hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem