|
Phút trải lòng của các “chiến sĩ nhí” tại một buổi sinh hoạt tập thể. |
Bài viết ghi nhận những tâm tư, tình cảm của các học viên tham gia Học kỳ quân đội tổ chức tại Trung đoàn 20, Đoàn B30, Quân khu 9, do Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức
Trưởng thành từ lá thư
Thời buổi công nghệ số hóa, các phương tiện thông tin liên lạc như thư điện tử, điện thoại, nhắn tin, chat… bùng nổ như vũ bão khiến những lá thư viết tay chứa chan tình cảm ngày càng thưa vắng dần. Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: "Không còn đọc nét chữ quen thuộc là mất đi điều gì đó quý giá".
Tiếng khóc trong hối hận, trong hạnh phúc, trong vòng tay chia sẻ của bạn bè. Bởi ở đó, các em đã tìm thấy được chính mình, nhìn nhận lại chính mình.
Trong chương trình có ít nhất 2 lần viết thư. Đây là nội dung rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, chất lượng của các lá thư, ý nghĩa giáo dục từ những bức thư đó một phần phụ thuộc vào vai trò các điều phối viên. Có những em chưa một lần viết thư. Vì vậy các điều phối viên phải quan sát để có định hướng đúng lúc. Tận mắt chứng kiến cảnh các em viết những bức thư đầy xúc động mới biết hết giá trị của thư tay.
"…Mẹ kính yêu!
Vậy là con đã xa nhà 3 ngày rồi. Ba lần giặt quần áo là con nhớ đến mẹ. Mẹ vừa vất cả công việc ở cơ quan vừa chăm lo cho con từng chút. Vậy mà con không biết đỡ đần gì cho mẹ. Hôm nay mặc chiếc áo giặt chưa sạch, vẫn còn mùi mồ hôi con càng thấm thía hơn. Con xin hứa với mẹ từ nay con sẽ tự giặt quần áo cho mình để mẹ đỡ vất vả”. (Trích thư của Nguyễn Trung Chánh).
Cuộc sống trôi qua nhanh như tia chớp. Những dòng nhật ký sẽ giúp chúng ta nhận ra tất cả những hành động đúng - sai với bạn bè, người thân và xã hội. Từ đó mỗi người biết phát huy cái tốt, tránh điều xấu, từng bước trưởng thành. Đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta xây dựng cho các em đức tính tốt đẹp này. Có những em đã bật khóc bên sổ nhật ký của mình:
"…Hôm nay là ngày thứ hai con xa gia đình. Ở đây vui lắm! Chỉ có một điều cha mẹ ơi! Cha mẹ biết lâu nay con không ăn được cá. Bữa ăn nào con cũng lên thực đơn cho gia đình. Vậy mà giờ đây con đã ăn được cá. Bạn bè ăn được sao con ăn không được? Mùi tanh của cá làm con muốn nôn ngay tại bàn. Con đã vượt qua vì tập thể đáng yêu này và vì cha mẹ yêu quý! Bấy lâu nay vì chiều chuộng con mà cha mẹ đã không ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng này..." (Trích nhật ký của Trịnh Nguyễn Trúc Mai).
Giã từ sự gian dối
Một buổi sinh hoạt tập thể của các em tham gia “Học kỳ quân đội” bắt đầu trong không gian toàn là nến và sự im lặng, tiếng đàn guitar ngọt ngào với bài hát "Mừng tuổi mẹ". Tiếp đến là những câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo, về những lỗi lầm với cha mẹ, về những hối tiếc trong muộn màng… Mỗi em cầm một tờ giấy trắng và một hòn than nhỏ. Mỗi lỗi lầm được biểu hiện bằng một vạch đen từ hòn than lên trang giấy.
Hầu hết các em đã khóc trong lúc làm việc đó. Giai đoạn khó khăn nhất và có ý nghĩa nhất là từng em cầm tờ giấy đánh dấu lỗi lầm đứng trước tập thể nói ra hết những lỗi lầm đó và hứa từ đây sẽ không còn gian dối. "Anh xin lỗi em, hôm Tết ngoại lì xì cho anh em mình mỗi đứa 100.000 đồng, anh đã không đưa em"... "
Cha mẹ ơi con là một đứa con không thể tha thứ. Mỗi tuần con chỉ học thêm có 2 ngày vậy mà con đã nói 3 ngày. Ngày thứ 3 con đến quán net để chát. Cha mẹ luôn tin tưởng con vậy mà con đã gian dối. Hãy tha lỗi cho con cha mẹ ơi!...".
"Học kỳ quân đội", sức mạnh tập thể đã mang đến cho các bậc phụ huynh những niềm vui lớn trong cuộc sống.
Lê Công Hạnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.