Tổ hợp rocket đa nòng TOS-1A của Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận.
Theo RT, Armenia và Azerbaijan, hai quốc gia láng giềng với nhiều duyên nợ, tiếp tục giao tranh cho đến sáng ngày 28.9, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế và ngừng bắn của cộng đồng quốc tế.
“Có những cuộc đụng độ với ‘những cường độ’ khác nhau ở vùng Nagorno-Karabakh”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia phát biểu vào sáng ngày 28.9.
“Đối phương phát động đợt tấn công mới với xe bọc thép, pháo hạng nặng, bao gồm cả bệ phóng rocket đa nòng bắn đạn nhiệt áp TOS”, phát ngôn viên tiết lộ.
Tổ hợp rocket đa nòng TOS-1A còn được gọi là “hỏa thần” vì chuyên sử dụng đạn cháy hoặc đạn nhiệt áp. TOS-1A bao gồm 24 ống phóng rocket gắn trên khung thân của xe tăng T-72.
Loại vũ khí này là cơn ác mộng với bộ binh đối phương bởi khả năng thiêu rụi mọi thứ trong khu vực rộng. Đây là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm, không được trang bị cho lực lượng pháo binh thông thường trong quân đội Nga mà thuộc quyền kiểm soát của Lực lượng Bảo vệ Hạt nhân, Sinh học và Hóa học (NBC).
Các tổ hợp TOS lần đầu xuất hiện trong cuộc chiến tranh Afghanistan. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga và một quốc gia thuộc Liên Xô cũ thừa hưởng loại vũ khí này.
TOS-1A cũng được Nga bán cho một số ít các quốc gia như Syria, Algeria và Ả Rập Saudi. “Hỏa thần” TOS-1A đóng góp lớn vào chiến thắng của quân đội Syria trước phe nổi dậy.
Tổ hợp rocket đa nòng bắn đạn nhiệt áp TOS-1A.
Quân đội Armenia tuyên bố đã phản kích chống lại đợt tấn công từ Azerbaijan, “gây thiệt hại tương đối lớn cho đối phương, bao gồm cả về nhân lực và trang thiết bị vũ khí”.
Trong khi đó, sáng ngày 28.9, Azerbaijan chỉ trích Armenia nã pháo vào ngôi làng Terfer ở vùng biên giới, nơi có khoảng 19.000 người sinh sống. “Chúng tôi sẽ có phản ứng ở đó nếu đối phương không ngừng pháo kích”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cảnh báo.
Azerbaijan tuyên bố đã gây thương vong cho ít nhất 550 binh sĩ Armenia cùng nhiều trang thiết bị vũ khí. Armenia khẳng định các tuyên bố trên là vô căn cứ.
Cộng hòa Artsakh thân Armenia xác nhận có 31 binh sĩ Armenia thiệt mạng trong giao tranh.
Cộng hòa Artsakh kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh (ly khai từ Azerbaijan), là đồng minh không thể tách rời của Armenia. Ngay sau khi Armenia tuyên bố tổng động viên, Cộng hòa Artsakh cũng đã làm điều tương tự.
Đáp trả Armenia, Azerbaijan đã cắt hoàn toàn các đường dây liên lạc đến Nagorno-Karabakh.
Chiến sự leo thang khiến các cường quốc trên thế giới lên tiếng yêu cầu các bên ngừng bắn ngay lập tức. Mỹ, Nga, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi ngừng bắn.
Nga tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải cho căng thẳng Armenia-Azerbaijan. Nga cũng khẳng định sẽ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã tuyên bố đứng về phía Azerbaijan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.