Ba thuyền viên được cứu sống: Nguyễn Văn Diện, SN 1995 và Trần Văn Khoa, SN 1970, quê Sóc Trăng, Hoàng Văn Đoàn, SN 1986, quê Ninh Bình. Ảnh: Vietnam MRCC
Trao đổi với Tiền Phong chiều 18/9, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cùng lãnh đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III đã đến chùa Nhơn Phước ở thành phố Vũng Tàu thông báo tình hình về công tác tìm kiếm các thuyền viên cho thân nhân người bị nạn trú lại ở đây. Ông Vũ gửi lời hỏi thăm, động viên của Bộ trưởng Bộ GTVT tới thân nhân gia đình có thuyền viên gặp nạn trong vụ chìm tàu.
Sống sót nhờ bám vào lưới
Thuyền trưởng tàu SAR 413, ông Đinh Xuân Trường cho biết: Cho đến cuối giờ chiều 18/9, lực lượng chức năng đã vớt được 11 thi thể, còn lại 4 thuyền viên vẫn đang được chúng tôi tiếp tục tìm kiếm.
“Các thi thể được trục vớt và bảo quản đúng theo quy định. Thời tiết trên biển đang có dấu hiệu tốt, nên công tác tìm kiếm cũng bớt khó khăn so với những ngày trước. Chiều mai chúng tôi sẽ đưa các thi thể về Vũng Tàu”, ông Trường thông tin.
Theo ông Trường, tại hiện trường có tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, tàu 9001 của lực lượng Cảnh sát Biển và hàng chục tàu cá của ngư dân ngày đêm tham gia công tác tìm kiếm. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm tìm được các thuyền viên còn lại”, ông Trường nói.
Lực lượng cứu hộ đưa thuyền ra tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên (ảnh lớn); cán bộ y tế của tàu cứu hộ kiểm tra sức khỏe thuyền viên được cứu sống (ảnh nhỏ). Ảnh: Vietnam MRCC
Cũng trong ngày hôm qua, các thuyền viên sống sót đã theo tàu ngoài hiện trường tham gia công tác tìm kiếm để xác định danh tính nhận dạng các nạn nhân. Theo các nạn nhân còn sống sót, thời điểm xảy ra vụ việc ống dẫn bị rò rỉ khí gas, các thuyền viên đã phát hiện ra mùi khí gas nên có ý định tắt máy để sửa chữa, bịt khí gas bị hở.
“Tuy nhiên, khi chưa kịp thực hiện thì bình gas phát nổ tiếng thứ nhất, tiếp theo đó các bình còn lại nổ luôn. Do sức nổ quá lớn nên các thuyền viên văng mỗi người một nơi, tàu thì bị bung bét”, một thuyền viên được cứu sống kể lại.
Ba thuyền viên còn sống sót bám vào chiếc lưới nên nổi trên mặt nước và được cứu bởi những chiếc thuyền gần đó. Còn lại các thuyền viên khác không rõ tung tích. Thời điểm xảy ra vụ việc trời tối, sóng to và gió lớn.
Nước mắt người mẹ, người vợ
Nước mắt chảy dài, bà Lê Thị Bẻo (62 tuổi, ở Sóc Trăng) nghẹn ngào kể chồng là Lương Thanh Thủy và con trai là Lương Thanh Thơm cùng đi chiếc thuyền đó.
“Đến nay mới chỉ tìm thấy xác con tôi thôi, còn chồng tôi vẫn chưa thấy”, bà Bẻo ngất lịm. Cách đây hơn hai tháng, cũng như những người đàn ông khác ở trong ấp Đản, chồng và con của bà Bẻo lên Vũng Tàu đi ghe kiếm tiền về trang trải nợ nần cho gia đình. Lúc đi cũng bình thường như bao lần khác, không có nói năng, dặn dò gì. “Không ngờ nó và ông đi mãi không về”, bà Bẻo khóc nói.
Ngậm ngùi trong nước mắt bà Bẻo tiếp: Sáng 16/9 tôi gọi điện cho ông hoài mà không bắt máy, mọi ngày là ông thường gọi cho tôi bốn tới năm cuộc để nói chuyện, nhưng bữa đó không thấy gọi, tui gọi ra ngoài đó cũng không liên lạc được.
Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành đã xảy ra, tôi gọi điện về cho người thân hỏi tin tức. Mọi người nháo nhào đổ xô đi dò hỏi thông tin thì người ta cho biết tàu bị nổ bình gas, chết hết rồi. Nghe tin tôi xỉu luôn.
Bà Bẻo ôm mặt khóc chờ chồng và con trai
Đa số những người đi trên tàu cá đều ở một khu dân cư tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Từ khi biết tin ai cũng thất thần, chỉ nhìn nhau qua những giọt nước mắt. Người mất chồng, người mất con, người mất anh em, có gia đình mất cả chồng lẫn con.
Gom góp số tiền ít ỏi, mọi người thuê xe đến Vũng Tàu từ ngày 17/9 để chờ tin, chờ được mang thi thể của chồng, con, người thân về với nhà. Gia cảnh nhà nào cũng na ná giống nhau, đều là dân chài lưới trong ấp nghèo.
“Bây giờ tôi cũng không biết sống ra sao nữa, nhà tôi còn đứa con dâu và đứa cháu nhỏ mới được vài tháng. Giờ chồng mất, con mất, tôi không biết bấu víu vào đâu để tiếp tục những ngày tháng sau này. Giá biết trước thì dù cho tôi tiền tấn, tiền tỉ tui cũng không cho ai đi đâu hết. Thà ở nhà ăn rau ăn cháo cho qua ngày nhưng vẫn còn chồng, còn con”, bà Bẻo nói.
Chị Bùi Thị Hậu, 35 tuổi ngất lên ngất xuống kể từ khi biết tin về đứa con Trần Văn Minh (16 tuổi) bị thiệt mạng trong vụ tai nạn. Khoảng 7 giờ ngày 15/9, con chị gọi điện về nhà nói đang vào bờ, khoảng 10 giờ sáng hôm sau sẽ vào đến đất liền.
Chị ở nhà thấp thỏm đợi tin con về. Ngày hôm sau không thấy con ở nhà, tưởng con không về Sóc Trăng mà ở lại Vũng Tàu chơi nên chị gọi nhưng không được. Một lát sau có người gọi đến nói ghe bị nạn chết sạch rồi. Tôi như chết lặng.
Lấy bình tĩnh, tôi khăn gói cùng mọi người lên đường đến Vũng Tàu”- chị kể. Chồng đã mất được mấy năm nay, chị thay chồng gánh vác công việc gia đình nuôi bố mẹ già và hai đứa con. Nay đứa con đầu mới 16 tuổi cũng lại bỏ chị mà ra đi.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, trước đây cũng từng xảy ra vụ việc nổ bình gas trên tàu cá khiến thuyền viên thiệt mạng. Việc nổ bình gas trên tàu cá là do cách sử dụng bảo quản chưa thực hiện đúng quy trình, cũng có thể do sự cố bất ngờ. Hơn nữa do hoàn cảnh thường xuyên di chuyển nên có thể các bình gas bị xê dịch va chạm vào nhau.
|
Kim Ngân (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.