Công nhân chuẩn bị mìn phá đê ở An Huy (ảnh: Xinhua)
Đêm 18.7, trời tối đen như mực, trong tiếng ếch kêu râm ran và mưa như trút, ông Lu Houping cùng một số quan chức khác đang khảo sát một đoạn đê trên sông Trừ Hà để dùng mìn phá nhằm giảm áp lực lũ.
Trước đó, sáng 18, Zhu Jinbin – một trong những nông dân thuê hàng chục mẫu đầm ao thả vịt gần sông Trừ Hà – đã được thông báo di tản khẩn cấp.
Zhu ra sức lùa vịt về chuồng. Tuy nhiên, mãi đến tối 18.7, công việc vẫn chưa xong, Zhu lần mò trong đêm tối và ngã dúi dụi mấy lần, anh cố gắng kiểm tra xem còn con vịt nào sót lại hay không.
Chỉ vài tiếng nữa, một đoạn đê chắn nước sông Trừ Hà sẽ bị kích nổ. Nước lũ sẽ nhanh chóng tràn vào đầm nước và đồng cỏ xung quanh, ở lại lúc này là vô cùng nguy hiểm.
Sốt ruột, một số quan chức địa phương và cán bộ trong làng phải cùng tìm, lùa vịt vào chuồng giúp Zhu. Họ không ngừng nhắc anh nhanh chân lên và rời đi càng sớm càng tốt. Nhiều hộ chăn vịt và nuôi cá như Zhu cũng rơi vào hoàn cảnh thiệt hại tài sản tương tự.
Một đoạn đê bị phá trên sông Trừ Hà (ảnh: Xinhua)
“Của đau con xót. Chúng tôi rất thông cảm khi người dân bị thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, không thể thiếu cẩn thận trong tình hình lũ lụt hiện nay. Mạng người quan trọng hơn tất cả. Họ buộc phải di dời”, ông Lu Houping nói.
Sau khi các hộ gia đình được sơ tán đến nơi an toàn, một số quan chức vẫn phải kiểm tra lại để xem còn có ai cố tình về nhà thu dọn đồ đạc hay không. Trên con đê, 2 chiếc máy xúc đang hì hục đào đất chôn mìn và di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.
21 giờ tối ngày 18.7, những nhân viên làm nhiệm vụ kiểm tra tình trạng của con đê đã được lệnh rút hết.
“Chúng tôi nhận được chỉ thị từ cấp trên, mực nước trên sông Trừ Hà sẽ nhanh chóng tăng sát mức 15 mét. Phải cho nổ đoạn đê để thoát nước sông”, ông Lu nói.
Đến 10 giờ tối 18.7, hơn 10 công nhân xây dựng đã chôn xong mìn.
“Không ai được ở lại. Đê sắp bị cho nổ. Tất cả mọi người sơ tán ngay lập tức”, cảnh sát liên tục phát loa.
“Phải chắc chắn rằng, không còn người nào xuất hiện trong bán kính 1 km tính từ nơi nổ mìn”, ông Lu kể lại.
Xiao Jian – một trong những công nhân thực hiện nổ mìn – cho biết, mực nước sông Trừ Hà lúc đó dâng rất nhanh, mọi người phải chạy đua với thời gian để cho kích nổ sớm.
“Mỗi phút chậm trễ là thêm một phần rủi ro vỡ đê”, Xiao Jian nói.
Máy xúc đào đất chôn mìn (ảnh: Xinhua)
Khoảng 3 giờ sáng ngày 19.7, sau 2 vụ nổ liên tiếp, hai đoạn đê trên sông Trừ Hà đã bị phá tung. Nước nhanh chóng tràn vào các đầm nước, đồng cỏ dự phòng chống lũ xung quanh. Tính đến chiều 19.7, mực nước sông Trừ Hà đã giảm còn 13,81 mét. Khoảng 87.000 người dân sông gần con sông được bảo đảm an toàn.
Việc cho nổ đê kè để xả lũ là một trong những biện pháp Trung Quốc buộc phải áp dụng trong trận lũ “đại hồng thủy” năm 1998 khiến hơn 4.000 người thiệt mạng.
Toàn tỉnh An Huy có gần 4 triệu người bị ảnh hưởng do mưa lũ, 664.000 người buộc phải di dời, thiệt hại kinh tế lên tới gần 2 tỷ USD.
Đối mặt với thiên tai, chính quyền An Huy chỉ đạo, phải luôn đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu, chuẩn bị điều kiện tốt nhất trong các khu tránh trú. Cần theo dõi sát sao diễn biến mưa lũ, kịp thời dự báo, phát hiện các mối nguy hiểm tiềm tàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.