Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa ký ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Thông tư nhằm thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 7 đến hết năm 2023.
Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục, xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị y tế; Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế.
Theo Thông tư 14, có 3 phương pháp lựa chọn để xác định giá gói thầu:
- Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp
- Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Đặc biệt, theo Bộ Y tế, khi áp dụng phương pháp xác định giá gói thầu, phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá.
"Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn", Thông tư 14 nêu rõ.
Đối với việc xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế, phương pháp xây dựng giá tương tự với hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Nếu xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp, Bộ Y tế hướng dẫn, căn cứ vào số báo giá nhận được, kể cả trường hợp chỉ nhận được 1-2 báo giá, chủ đầu tư sẽ quyết định theo một trong các phương thức sau:
- Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu
- Giao hội đồng thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá để trình chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Trường hợp để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay theo quy định của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Ví dụ, khi lập giá gói thầu mua test, kit xét nghiệm của máy xét nghiệm hãng A, chủ đầu tư được quyền lấy báo giá từ hãng A hoặc nhà cung cấp được hãng A này chỉ định, ủy quyền.
Như vậy, Thông tư 14 đã cởi gỡ được nhiều khó khăn trong việc đấu thầu trang thiết bị y tế. Trước đây, việc xây dựng giá gói thầu phải đảm bảo: cần có 3 báo giá trong 90 ngày gần nhất, kết quả thẩm định giá, tham khảo giá các gói thầu tương tự trong tối đa 90 ngày...
Quy định này khiến các bệnh viện "kêu trời" vì có nhiều trang thiết bị, vật tư y tế độc quyền, máy nào thuốc đấy, linh kiện đấy nên tìm được "3 báo giá" là nhiệm vụ bất khả thi.
Đó là một trong những lý do thời gian qua nhiều cơ sở y tế bị thiếu vật tư, trang thiết bị y tế vì không xây dựng nổi các gói thầu theo đúng quy định.
Ngoài ra, quy định chọn "gói thầu giá thấp nhất" cũng khiến các chuyên gia y tế đau đầu vì "tiền nào của nấy", trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Từng có bác sĩ kêu trời vì "dao mổ cứa 3 lần mới qua da", vì dao mổ được mua theo báo giá thấp nhất.
Thông tư 14 với các quy định mới sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho các bệnh viện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.