Cho vay “chưa phù hợp quy định” gần 800 tỷ, DNH đã nhận bao nhiêu tiền lãi vay từ Tổng Công ty Phát điện 1?

L.Thúy Thứ năm, ngày 27/06/2024 11:22 AM (GMT+7)
Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DNH) cho Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1 vay gần 800 tỷ đồng “chưa phù hợp quy định”, theo Kiểm toán Nhà nước. Khoản vay này kéo dài gần 10 năm và số tiền trả lãi vay cũng lên tới nhiều trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã công bố "bức tranh" tổng thể trong hoạt động kiểm toán năm 2022 về báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Hoạt động "cho vay chưa phù hợp quy định" với số tiền rất lớn là nội dung được Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh. Trong đó, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DNH) cho Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014-2015 là một trong những doanh nghiệp được Kiểm toán Nhà nước điểm tên khi đề cập tới nội dung kể trên.

EVNGENCO 1 nắm giữ 99,93% vốn tại Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.

Cho vay “chưa phù hợp quy định” gần 800 tỷ, DNH đã nhận bao nhiêu tiền lãi vay từ Tổng Công ty Phát điện 1?- Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho vay gần 800 tỷ đồng “chưa phù hợp quy định” với Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1)

Khoản vay "chưa phù hợp quy định" gần 800 tỷ đồng, nhưng kéo dài tới 10 năm?

Dữ liệu cho thấy, 800 tỷ đồng cho vay "chưa phù hợp quy định" này phát sinh từ năm 2014-2015, nhưng vẫn thể hiện trong các báo cáo tài chính của Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trong gần 10 năm qua.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2016 Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi ghi nhận phải thu về cho vay hơn 799,9 tỷ đồng từ Tổng Công ty Phát điện 1 vay gồm 3 khoản. Khoản mục 1 có trị giá 200 tỷ đồng. Khoản mục 2 trị giá 150 tỷ đồng và khoản mục 3 trị giá hơn 449,9 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, các khoản vay này không có tài sản đảm bảo và có thời hạn cho vay là 5 năm. Lãi suất được xác định bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ của Hội sở chính Ngân hàng TPCP Công thương Việt Nam tại ngày xác định lãi suất cộng với biên độ 2,5%/năm. Nợ gốc vay được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn khoản vay.

Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy khoản vay này chưa được thanh toán đúng hạn, thay vào đó ngày đáo hạn đã được "cơi nới".

Chẳng hạn như với khoản mục giá trị 200 tỷ đồng, thời gian đáo hạn vào năm 2019 (theo báo cáo tài chính năm 2016). Tuy nhiên, khoản mục này sau đó đã được gia hạn thêm 5 năm, đáo hạn vào năm 2024.

Khoản mục 2 và 3 với tổng giá trị hơn 599,9 tỷ đồng được Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gia hạn tới năm 2025, trong khi theo kế hoạch trước đó là năm 2020.

Tại cáo cáo tài chính năm 2023, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, đang làm việc với Tổng Công ty Phát điện 1 – Công ty mẹ của Công ty về các hợp đồng huy động vốn số 01/2014 ngày 30/10/2014 và số 01/2015 ngày 11/02/2015 và số 02 ngày 20/4/2015 với số tiền lần lượt là 200 tỷ, 150 tỷ và 449,93 tỷ đồng. Như vậy, khoản cho vay chưa phù hợp nhưng đã kéo dài tới gần chục năm qua.

Hé mở chi phí lãi vay từ gần 800 tỷ đồng cho vay "chưa phù hợp quy định" giữa DNH và Tổng Công ty Phát điện 1

Khoản vay kéo dài từ năm nay qua năm khác, vì vậy số tiền lãi vay Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1 phải trả cho Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cũng là một con số đáng lưu tâm.

Dữ liệu cho thấy, trong các năm từ 2015 đến 2023, lãi vay Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phải thu của Tổng Công ty Phát điện 1 dao động từ 13,5 tỷ đồng đến gần 73 tỷ đồng/năm.

Tổng cộng, lãi vay phải thu, thu nhập lãi cho vay phát sinh từ 2015 – 2023 của DNH từ Tổng Công ty Phát điện 1 lên tới 534,58 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 67% tổng giá trị khoản cho vay "chưa phù hợp" được Kiểm toán nêu ra (799,9 tỷ đồng).

Cho vay “chưa phù hợp quy định” gần 800 tỷ, DNH đã nhận bao nhiêu tiền lãi vay từ Tổng Công ty Phát điện 1?- Ảnh 2.

Số tiền trả lãi vay hàng năm giữa Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và Tổng Công ty Phát điện 1.

Cụ thể, lãi vay phải thu trong năm 2016 là 70,77 tỷ đồng. Thuyết minh cho thấy, trong năm 2016, các khoản phải thu về cho vay này (799,9 tỷ đồng) hưởng lãi suất dao động từ 8,5% đến 9%/năm. Trước đó, lãi vay phát sinh trong năm 2015 chỉ vào khoảng 13,5 tỷ đồng (lãi suất năm 2015 là 8,5%), do mới phát sinh dư nợ.

Mức lãi suất từ 8,5% đến 9%/năm kéo dài đến hết năm 2018. Đến năm 2019, lãi suất dao động từ 8,9%/năm. Các khoản lãi phải thu trong các năm lần lượt qua các năm là 72,99 tỷ đồng (2017); 72,59 tỷ đồng (2018); 72,18 tỷ đồng (2019).

Tại ngày 31/12/2020 các khoản vay này hưởng lãi suất 7,4%/năm, trong khi đó 1/1/2020 là 8,9%/năm. Thu nhập lãi cho vay tương ứng lần lượt là 71,62 tỷ đồng (năm 2020) và 60,02 tỷ đồng (năm 2023).

Riêng năm 2021, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi bất ngờ phát sinh khoản nợ 500 tỷ đồng vay từ Tổng Công ty Phát điện 1. Do đó, thu nhập lãi cho vay năm này của Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi với bên liên quan là Tổng Công ty Phát điện 1 chỉ 29,76 tỷ đồng.

"Soi" sức khỏe tài chính của Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi

Mặc dù có tiền cho vay "chưa phù hợp" quy định, song Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi hàng năm vẫn "ôm" cả nghìn tỷ nợ vay. Tính đến ngày 31/3/2024, tổng nợ vay của DNH là 1.464 tỷ đồng. Tại ngày 31/12 năm 2015 và 2016, nợ vay và thuê tài chính của DNH trên dưới 2.400 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng 66,5% về lợi nhuận sau thuế cho cả giai đoạn 2015 – 2023, song trồi sụt mạnh qua các năm, phần nào cho thấy sự thiếu ổn định trong hoạt động của DNH.

Cho vay “chưa phù hợp quy định” gần 800 tỷ, DNH đã nhận bao nhiêu tiền lãi vay từ Tổng Công ty Phát điện 1?- Ảnh 3.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.

Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của doanh nghiệp luôn dao động từ 36% - 55%, nghĩa là công ty thu được từ 36 đến 55 đồng lợi nhuận ròng trên 100 đồng doanh thu. Đây là con số mà nhiều doanh nghiệp ngoài ngành mơ ước.

Quy mô tài sản cũng là điểm đáng lưu tâm tại doanh nghiệp, thay vì phình to qua các năm, thì với Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tổng tài sản "co lại" sau gần 10 năm.

Cụ thể, tổng tài sản tại ngày 31/12/2023 đã giảm 0,5% so với cùng thời điểm của năm 2015. Nếu so với quy mô tài sản hơn 9.200 tỷ đồng (năm 2019), quy mô tài sản đến cuối năm 2023 của doanh nghiệp đã "bốc hơi" tới 13%.

Thậm chí, đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Công ty DNH chỉ còn 6.926 tỷ đồng, giảm mạnh 1.093 tỷ đồng, so với cuối năm 2023.

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, trước đây là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, được thành lập vào ngày 21/5/2001 trên cơ sở sáp nhập 2 cụm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi.

Nhà máy Đa Nhim là một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta, thuộc nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện to lớn của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Công trình khởi công vào tháng 2/1962, chính thức phát điện tổ máy số 1 và 2 vào ngày 15/1/1964 và đến tháng 12/1964 hoàn thành toàn bộ công trình.

Năm 2014 – 2015, ông Nguyễn Trọng Oánh giữa chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy Điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi. Trong khi đó, tại Tổng Công ty Phát điện 1, ông Nguyễn Loãn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch và ông Nguyễn Khắc Sơn ngồi ghế Tổng Giám đốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem