Ngày 4/7, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tập trung điều trị cho cháu N.V.T (SN 2016, trú huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) do bị ong vò vẽ đốt.
Theo đó, ngày 25/6, cháu T được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong tình trạng phù toàn thân, suy hô hấp nặng, sốc, vô niệu.
Người nhà cho biết, chiều 24/6, trong lúc đang chơi trong vườn, cháu T thấy tổ ong nên đến chọc phá. Hậu quả, cháu bị ong vò vẽ đốt hơn 80 mũi, tập trung chủ yếu vùng đầu, vài nốt trên thân mình, tay, chân. Cháu T được gia đình chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cấp cứu. Sau khoảng 15 giờ điều trị, tình hình của cháu tiến triển nặng, khó thở, suy đa cơ quan nên được chuyển Bệnh viện Phụ sản Nhi - Đà Nẵng.
Bác sĩ Võ Hữu Hội - Trưởng khoa Nhi hồi sức (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, cháu T nhập viện trong tình rất nặng: Phù toàn thân, suy hô hấp nặng, sốc, vô niệu. Sau khi nhập viện, cháu được cấp cứu đặt nội khí quản thở máy, chống sốc và lọc máu cấp cứu. Qua một tuần điều trị tích cực, tình trạng cháu có cải thiện nhưng vẫn còn nặng, còn phải thở máy hỗ trợ.
Theo bác sĩ Hội, tai nạn do ong đốt ở trẻ em, đặc biệt các loại ong có độc tính cao như ong vò vẽ, ong bắp cày… thường xảy ra vào mùa hè, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần có ý thức phòng tránh cho trẻ. Nhắc nhở trẻ không chọc phá tổ ong, không chơi đùa dưới vườn cây có nhiều hoa vào mùa sinh trưởng của ong, không để ong làm tổ quanh nhà…
“Khi bị ong đốt phải tìm cách đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm và sơ cứu tại chỗ. Sau khi sơ cứu, nếu trẻ có các dấu hiệu nặng như số lượng mũi đốt nhiều, sưng phù nhiều (vùng đầu, mặt, cổ), khó thở, mệt nhiều hoặc do các loại ong có độc tính cao như ong vò vẽ, ong bắp cày… phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế”, bác sĩ Hội hướng dẫn các bậc phụ huynh xử lý khi con bị ong đốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.