Chong đèn nhặt trẻ bị bỏ rơi

Thiên Việt – Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 13/07/2015 06:43 AM (GMT+7)
Đó là tình trạng trớ trêu ở một số chùa và trung tâm bảo trợ, khi mà số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng tăng. Với các chùa hay trung tâm, cho các cháu đi cũng dở mà giữ ở lại cũng khó! 
Bình luận 0

Những “hậu quả không mong muốn”

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Hoạt động nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương) đã tiếp nhận 4 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Mới đây nhất, cuối tháng 5 vừa qua trung tâm lại tiếp nhận thêm một trường hợp trẻ bị bỏ rơi nữa mới 15 ngày tuổi.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Hoạt động nhân đạo nói: “Từ tết đến giờ, số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng trung tâm tới 5 cháu. Vì không còn là chuyện lạ nên tối nào anh em trong trung tâm cũng phải đi một vòng để kiểm tra xem có trẻ nào bị bỏ rơi không”.

img
Bé 15 ngày tuổi bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm Hoạt động nhân đạo Hải Dương.       Ảnh:    Thiên Việt

Cũng theo ông Dũng, để đảm bảo an ninh cho trung tâm và có thể phát hiện trẻ bị bỏ rơi buổi tối dễ dàng, trung tâm phải mắc thêm một bóng điện trước cửa để tiện theo dõi. Việc phát hiện và chăm sóc trẻ sớm sẽ giảm nguy cơ trẻ bị kiến đốt, chuột cắn hoặc tránh được nguy cơ tử vong khi trẻ bị bỏ rơi trong đêm lạnh.

Tâm sự về những khó khăn trong công việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại trung tâm, ông Dũng cho biết, hàng tháng ngoài tiền ăn, tiền sữa, còn phải chăm sóc mỗi khi có trẻ ốm. Vì vậy, trung tâm phải thuê thêm 4 phụ nữ trung niên có kinh nghiệm để chăm sóc các cháu.

“Nếu chỉ dựa vào số tiền quỹ hoạt động nhà nước cấp cho trung tâm hoạt động thì không đủ, vì vậy trung tâm cũng phải vận động các nhà hảo tâm đóng góp thêm để nuôi các cháu. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu về dài thì sẽ rất khó vận động kinh phí thường xuyên” – ông Dũng nói.

Tương tự, tại một số chùa cũng thường “nhặt” được trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Như chùa Phổ Linh (Hà Nội) đã tiếp nhận 7 trẻ, chùa Dâu (Bắc Giang) tiếp nhận 7 trẻ bị bỏ rơi.

Sư thầy Thích Đàm Thơm, trụ trì chùa Dâu (Bắc Giang) cho biết, bà gặp rất nhiều khó khăn khi phải một mình chăm sóc 6 cháu (trong đó có 1 cháu bị bại não). Nhà chùa không có nguồn thu thường xuyên, chủ yếu trông vào tiền giọt dầu, công đức nên sư thường đi làm thêm một số việc như cấy ruộng thuê để phụ nuôi nấng các cháu. Địa phương cũng có hỗ trợ nhưng chỉ là hỗ trợ hảo tâm và kinh phí eo hẹp.

Chính sách còn xa xôi

Ông Trần Văn Thực - Chủ tịch MTTQ phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hiện đã có Nghị định 82/CP quy định chính quyền cấp xã, phường phải có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi.

Quan điểm

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH)
 Hiện nay một số phòng công tác xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội ở các tỉnh, thành phố lớn đang phát triển đường dây nóng (hotline) để tiếp nhận các cuộc gọi liên quan tới việc phát hiện trẻ em bị bỏ rơi. Đồng thời, đường dây nóng này có nhiệm vụ thực hiện các cuộc gọi tư vấn về quy trình xử lý, can thiệp, chăm sóc với trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.... 
Tại nhiều tỉnh, thành trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi đều được đi học miễn phí, được nương tựa vào mái ấm tình thương, được chăm sóc y tế… Tuy nhiên, cũng có không ít nơi, ngân sách địa phương khó khăn nên trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi vẫn phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người.

 

Trao đổi với PV Báo NTNN về quy trình tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay, văn bản pháp luật cũng có quy định cụ thể quy trình tiếp nhận và chăm sóc với trẻ bị bỏ rơi.

“Theo đó, khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi, cá nhân phải báo cáo chính quyền địa phương, lập biên bản. Trong trường hợp có cá nhân, gia đình muốn nhận con nuôi thì trao quyền nuôi trẻ, nếu không thì phải gửi trẻ tới các phòng công tác xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội các địa phương để thực hiện bảo trợ” – ông Tô Đức nói.

Theo ông Đức, hiện tại trong cả nước có hơn 400 cơ sở bảo trợ xã hội đang chăm sóc khoảng 21.000 trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Thực tế, rất khó để có thống kê số trẻ bị bỏ rơi phát sinh hàng ngày, hàng tháng vì các chùa, trung tâm tiếp nhận thường chỉ thông báo cho địa phương, thậm chí không thông báo. Các địa phương thống kê để gửi số liệu theo ngành dọc rất chậm.

Vì thế ngoài số trẻ mồ côi, bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng trong trung tâm bảo trợ, các cơ quan chức năng hiện chưa có con số thống kê số trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng trong các chùa, nhà dòng và các trung tâm không chuyên về bảo trợ và đương nhiên số trẻ này cũng chưa được hưởng các chế độ bảo trợ theo luật định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem