Chủ động phát hiện, giúp người dân tránh xa bệnh lao
Chủ động phát hiện, giúp người dân tránh xa bệnh lao
Lan Anh
Thứ ba, ngày 19/09/2023 12:58 PM (GMT+7)
Với phương châm "phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tuyên truyền hiệu quả", thời gian qua, ngành y tế các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống bệnh lao. Qua đó, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng và hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh Lạng Sơn, năm 2022, toàn tỉnh có 8.749 người được khám và làm xét nghiệm bệnh lao, tăng 42,09% so với năm 2021; 792 bệnh nhân lao được thu nhận và điều trị; tỷ lệ điều trị thành công đạt 96,28%, tăng 0,91% so với năm 2021; tỷ lệ điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc đạt 87,5%, tăng 30,3% so với năm 2021… Với việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh lao trong thời gian qua đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh, giảm gánh nặng với gia đình và hạn chế khả năng lây lan trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Thế Toàn - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong công tác phòng, chống lao, hoạt động tuyên truyền được Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ, toàn diện. Bên cạnh việc tuyên truyền lồng ghép khi người dân đến khám bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế, hoạt động tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh vào tháng 3 hằng năm (Ngày thế giới phòng, chống lao 24/3)… Qua đó, nhận thức của người dân về bệnh lao sẽ được nâng cao.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác phát hiện sớm, điều trị các bệnh nhân lao được triển khai có hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, mạng lưới chống lao trên địa bàn được duy trì tại 11 huyện, thành phố và 200 xã, phường, thị trấn. Do bệnh nhân lao được phát hiện chủ yếu bằng phương pháp thụ động (điều trị tại nhà bằng nhiều phương pháp, khi bệnh chuyển nặng mới đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm) nên việc triển khai khám sàng lọc ngay tại cơ sở để phát hiện sớm, chủ động các trường hợp mắc lao có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao trong cộng đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phòng, chống lao ở y tế cơ sở, bà Phạm Thị Phương Hạnh - Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, được Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình phòng, chống lao quốc gia lựa chọn là địa phương điểm triển khai can thiệp sàng lọc chủ động trong cộng đồng ở phạm vi rộng, từ đầu năm 2023, với kinh phí hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương, tỉnh đã triển khai 4 đợt phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân. Đặc biệt, trong 3 tháng giữa năm 2023, Đoàn công tác của Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Ninh Bình và UBND các huyện triển khai Chương trình khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho nhân dân trên 51 xã, thị trấn của các huyện Gia Viễn, Yên Khánh và TP.Tam Điệp. Qua đó, đã chỉ định chụp Xquang phổi cho 24.956 người dân và làm các xét nghiệm Xpert đờm để phát hiện và thu dung điều trị sớm cho những bệnh nhân bị bệnh lao, bước đầu thu nhận được 69 bệnh nhân lao các thể. Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ y tế từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trực tiếp thực hành quy trình, kỹ thuật chuyên môn trong quá trình sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho nhân dân nói riêng, và phối hợp sàng lọc các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng (COPD, HPQ, tăng HA, ĐTĐ…) và triển khai sổ sức khỏe điện tử cho người dân.
Tại Nghệ An, với quy mô 480 giường, điều trị cho 750 bệnh nhân, Bệnh viện Lao Nghệ An tiếp nhận lượng bệnh nhân khá đông, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc khá cao… Trước khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết tỉnh đã xây dựng được Nghị quyết đặc thù về công tác dân số, trong đó hỗ trợ chi phí khám sàng lọc, mua thuốc cho bệnh nhân lao. Bệnh viện Lao Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống lao thường quy và phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng; lồng ghép phát hiện và chăm sóc các bệnh khác; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; triển khai các sáng kiến, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.