Chủ tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm có thể kiện đòi bồi thường

Thứ tư, ngày 28/05/2014 13:24 PM (GMT+7)
"Chứng cứ chúng ta có đầy đủ thì đó là cơ sở để cá nhân bị thiệt hại có thể khởi kiện và cơ quan chức năng tiến hành khởi tố nếu có dấu hiệu hình sự", Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Trương Trọng Nghĩa đã trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng nay.
Bình luận 0

"Việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá của ngư dân và tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam tại vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây thiệt hại rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam" - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Nguồn: VOV

Thưa ông, việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, bị hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường?

- Từ việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam nó nảy sinh nhiều vấn đề. Từ quan hệ giữa nhà nước với nhau rồi có quan hệ dân sự. Ví dụ như tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường bị tàu khác xâm phạm gây thiệt hại, việc này ngư dân có quyền khởi kiện dân sự. Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam có quyền tài phán, các lực lượng chấp pháp Việt Nam trên biển có quyền xuất hiện tại đó và nếu những tàu thuyền dân sự nước khác xâm hại quyền lợi của công dân Việt Nam thì lực lượng chấp pháp có quyền xử lý, ngăn chặn, thậm chí bắt giữ và khởi tố hình sự về các hành vi vi phạm...

Việc khởi kiện để đòi bồi thường sẽ có những khó khăn, thưa ông?

- Vấn đề liên quan đến việc chấp pháp, nếu như tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam, lực lượng chấp pháp của Việt Nam có ở đó phải bắt giữ. Còn việc muốn khởi kiện dân sự phải biết bị đơn là ai. Có thể nói Việt Nam có quyền tài phán, tòa án Việt Nam có quyền xét xử những trường hợp mà công dân Việt Nam bị xâm hại trên vùng biển, vùng lãnh thổ Việt Nam, hoặc tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật tại vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thưa ông, trong tình hình hiện nay ở Biển Đông, có việc chúng ta phải đưa ra Tòa án quốc tế nhưng có vấn đề pháp luật chúng ta xử lý được?

- Tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều tranh chấp, những vi phạm mang tính chất khác nhau, lâu nay thì chúng ta nói nhiều về quan hệ giữa các nhà nước với nhau, nhưng hiện nay đã xuất hiện những quan hệ giữa các pháp nhân, tư nhân với tư nhân, như tàu đánh cá của ngư dân là tư nhân. Các cơ quan chấp pháp của Việt Nam có thể làm những việc để bảo vệ công dân. Ở một số nước khi tàu cá nước khác xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế là họ bắt giữ, đưa ra tòa xét xử.

Việt Nam đã bao giờ bắt giữ và xét xử tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế?

- Đến nay chưa nghe đến việc Việt Nam bắt giữ tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của mình ra xét xử. Về việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá của ngư dân và tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam tại vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Có thể nó gây hại về mặt dân sự, có thể là hình sự nếu như cố tình đâm vào tàu có thể gây nguy hiểm chết người. Đúng theo luật pháp các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền truy bắt hoặc bên bị hại khởi kiện dân sự.

Vụ tàu cá của Việt Nam bị đâm chìm nhưng lực lượng chấp pháp chưa bắt được tàu vi phạm của Trung Quốc, các chứng cứ khác có đảm bảo cho cá nhân khởi kiện?

- Chứng cứ chúng ta có đầy đủ thì đó là cơ sở để cá nhân bị thiệt hại có thể khởi kiện và cơ quan chức năng tiến hành khởi tố nếu có dấu hiệu hình sự.

Xin cảm ơn ông.

Lương Kết (ghi) (Lương Kết (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem