Chủ tịch Hội Cựu chiến binh “cáo quan” về vườn cùng nông dân làm giàu

Minh Tâm Thứ tư, ngày 20/06/2018 06:06 AM (GMT+7)
Ngày bà con nông dân cả huyện khóc ròng dưới gốc bưởi vì tin đồn thất thiệt “ăn bưởi bị ung thư”, ông “trốn” gia đình đi học để cởi tiếng oan cho cây bưởi. Bây giờ, không chỉ làm giàu nhờ các sản phẩm do chính mình chiết xuất, chế biến từ cây bưởi; ông Khanh còn bao tiêu đầu ra cho bà con khắp huyện và các vùng lân cận.
Bình luận 0

Khi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận (Châu Thành, Tiền Giang), lão nông Đoàn Văn Khanh đã có những quyết sách không giống ai để giúp các hội viên thoát nghèo, tiến tới làm giàu. Nhưng khi tôi nhắc đến biệt danh “vua bưởi” Tiền Giang, ông gạt phắt đi: “Tui giúp bà con bán hoa trái với mức giá ổn định, cao hơn bán cho thương lái. Với tui đó là điều ý nghĩa nhất. Chớ mấy danh xưng kia, tui thấy kỳ lắm”.

“Cáo quan” về vườn cùng nông dân làm giàu

Nhà ông Khanh nằm giữa mênh mông vườn tược xanh um. “8 công (8.000m2) đất trồng bưởi, xen kẽ dừa sáp, mật gấu, sâm đất… Một nhà máy chế xuất tinh dầu khép kín, mỗi năm Tư Khanh thu lời hơn 7 tỷ đồng, là nông dân làm giàu giỏi nhất xứ này đó” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Thuận, ông Nguyễn Ngọc Ẩn giọng rổn rảng, đầy tự hào và khâm phục.

img

 Với ông Khanh, việc giúp bà con bán hoa trái với mức giá ổn định, cao hơn bán cho thương lái là điều ý nghĩa nhất. Ảnh: T.L

"Lúc đó tui nghĩ: Xứ này trồng bưởi từ đời này qua đời khác, mình lớn lên với hương bưởi trên tóc mẹ, với trái bưởi trong vườn nhà, không lẽ mình ngồi yên để người ta đổ oan cho trái bưởi (!?). Thế là tui bỏ việc nhà lẫn việc đoàn thể lên Sài Gòn học 2 năm trung cấp Đông y. Năm đó tui đã ngoài 50 tuổi, nhưng tui quyết tâm bằng mọi giá phải cởi tiếng oan cho trái bưởi bằng kiến thức khoa học”.

Ông Đoàn Văn Khanh

Ông Khanh thấp thểnh dép lê, quần dài, áo dài rộng thùng thình. Vừa rót ly trà bưởi do chính tay mình chế biến, ông Khanh vừa hóm hỉnh đáp lời ông Ẩn: “Chớ không phải mấy ông kêu tui khùng như hồi tui xin “hưu non” về làm nông dân?”.

Chẳng là năm 1994, ông Khanh đang làm Tổng Giám đốc Công ty khai thác gỗ của Tỉnh đội Tiền Giang thì đột ngột “cáo quan”. Tuổi 40, bỏ lại chức tước và đường quan lộ còn dài phía trước, ông Khanh về quê làm nông dân. Bấy giờ ai cũng kêu ông khùng...

Nụ cười và nét mặt hài hước vốn có của ông bỗng chuyển sang trầm lắng: “Đi qua chiến tranh, đến tánh mạng mình còn không tiếc thì sá gì chức tước, hư danh. 16 tuổi tui làm Xã đội phó, 18 tuổi làm Bí thư xã ủy, 23 tuổi là Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành...”.

Ông Khanh là thương binh hạng 2/4, cánh tay phải của ông bị thương hai lần, ngắn rụt lại so với tay trái, những ngón tay thì gù gập, cong queo. Rời ghế Tổng Giám đốc, về quê ông được anh em địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Ngày đó vừa lo vườn tược của gia đình, ông Khanh vừa nghĩ cách làm sao giúp anh em trong hội thoát nghèo.

Ông Ẩn kể: Thường các hội đoàn đều giúp các hộ nghèo vay cây, con giống. Riêng Tư Khanh quyết ngược lại, ổng giao dê giống, thỏ giống cho các hộ khá giả nuôi. Thành viên trong hội phản đối dữ lắm, mà ổng chắc nịch: “Nếu thất bại, tui sẽ bỏ tiền túi ra đền”. Không ai tính đến chuyện các hộ khá giả có điều kiện chăn nuôi tốt hơn các hộ nghèo, trừ Tư Khanh. Sau một năm, hội thu về gấp đôi số dê và gấp mười số thỏ để trao miễn phí cho các hộ khó khăn. Xong việc giúp các hội viên thoát nghèo, ổng tính chuyện để anh em làm giàu. Ổng mang 6 công đất của mình thế chấp vay ngân hàng 600 triệu đồng, tiền đó giúp anh em vay vốn nuôi heo. Nhiều hộ không có tiền mua cám, ổng còn đưa cả sổ đỏ ngôi nhà mình đang ở tới nhà máy thức ăn gia súc để thế chấp, lấy cám về cho anh em. Vợ con, xóm giềng phản đối rần rần, ổng nói: “Những năm tháng chiến tranh, anh em vào sinh ra tử còn không tính toán. Bây giờ yên ấm, anh em không nỡ để vợ con Tư Khanh phải mất nhà đâu”. Nhờ tánh liều lĩnh và quyết liệt khác người của ổng mà anh em trong hội thêm quyết tâm làm giàu cho gia đình, và để không phụ lòng Tư Khanh.

Tập trung vào bưởi...

Đã hơn 10 năm ông Khanh mày mò nghiên cứu, thử nghiệm để cho ra đời gần 30 sản phẩm từ cây bưởi, dừa sáp và thuốc nam trong vườn nhà. Ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, mở rộng sản xuất rồi bao tiêu toàn bộ đầu ra cho bà con. Mùa cây bưởi ra bông, ông thu mua về chiết xuất tinh dầu hoa bưởi trị hói đầu, rụng tóc. Khi cây bưởi cho thu hoạch trái, ông mua ép lấy nước, kết hợp với một số loại thảo dược để cho ra đời loại nước ép bưởi theo công thức riêng của Tư Khanh. Vỏ bưởi ông tận dụng để chưng cất tinh dầu, làm mứt; bã quay trở lại gốc bưởi làm phân bón hữu cơ.

Tinh dầu hoa bưởi và nước ép bưởi của ông đã đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 (2008). Cùng năm đó, giải pháp “Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc” của ông được Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam cấp chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam”.

Ông Khanh bảo con đường nghiên cứu chế xuất các sản phẩm từ cây bưởi của ông liên quan đến một cú sốc lớn đối với bà con nông dân tỉnh nhà. Năm 2005, nhiều tờ báo lớn đăng tải bài dịch từ báo chí nước ngoài với nội dung: Ăn bưởi làm tăng nguy cơ ung thư. Người dịch đánh đồng các giống bưởi chứ không nói rõ đó là loại bưởi chùm bên Mỹ; khiến người tiêu dùng quay lưng với trái bưởi. Bà con ngồi khóc dưới gốc bưởi bất lực nhìn trái chín rụng vàng mặt đất. “Lúc đó tui nghĩ:  Xứ này trồng bưởi từ đời này qua đời khác, mình lớn lên với hương bưởi trên tóc mẹ, với trái bưởi trong vườn nhà, không lẽ mình ngồi yên để người ta đổ oan cho trái bưởi (!?). Thế là tui bỏ việc nhà lẫn việc đoàn thể lên Sài Gòn học 2 năm trung cấp Đông y. Năm đó tui đã ngoài 50 tuổi, nhưng tui quyết tâm bằng mọi giá phải cởi tiếng oan cho trái bưởi bằng kiến thức khoa học” – ông Khanh kể.

Mục tiêu của ông là giải oan cho trái bưởi và giải quyết vấn đề tiêu thụ giúp bà con, nên sau 2 năm đèn sách, ông không bốc thuốc chữa bệnh theo những gì học được ở nhà trường mà chỉ tập trung nghiên cứu cây bưởi.

Ông Khanh cười lớn khi kể về lần thử nghiệm đầu tiên thất bại: “Chưng cất tinh dầu hoa bưởi xong, tui mang đến để bà Tám Phẩm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã xài thử. Sau chừng nửa tháng thấy Tám Phẩm đội khăn xăm xăm bước vô nhà, tui háo hức hỏi: “Sao rồi chị?”. Bả mếu máo tháo khăn, chỉ thấy trơ da đầu”...

 “Cả đêm đó tui suy nghĩ và nhận ra vì tham công dụng mà mình cô tinh dầu đặc quá, gây ra tác dụng ngược. Tui mất rất nhiều ngày để tính lại công thức, phá lò chưng cất cũ, xây lò mới hiện đại rồi lấy chính mái tóc của mình thử nghiệm. Ngày tóc mọc dày hơn, tui mang cả… cái đầu tui sang kèm tinh dầu mới để “đền”, Tám Phẩm mới dám xài lại” - ông Khanh kể tiếp.

Phải làm điều khác biệt

Ông Khanh tâm niệm: “Mình đuối về vốn liếng và công nghệ, thì mình phải làm những cái khác biệt”. Nên sản phẩm ông làm ra không giống ai: Từ nước bưởi yến, trà bột bưởi thay thế rau xanh, đến kẹo dừa sáp hương bưởi, trà hoa bưởi thảo dược... Ngồi giữa vườn, ông Khanh tính: “Nước ép bưởi để giảm cân đã nhiều người làm, nhưng chỉ riêng trái bưởi thì hiệu quả không cao, chưa kể phải có chất bảo quản khi đóng hộp đưa ra thị trường”. Thế là ông “mổ xẻ” công dụng của một số cây thuốc nam, đưa vào cùng nước ép bưởi để tăng hiệu quả giảm mỡ bụng, tăng công dụng chữa bệnh (giải độc cơ thể, hạ men gan, hạ huyết áp). Đúng tính cách người miền Tây, ông Khanh hồn nhiên kể: “Đang vò đầu tính làm sao để không sử dụng chất bảo quản mà vẫn kéo dài được thời gian sử dụng cho nước ép bưởi thì tui thấy đám ong bay vù vù trước mặt. Tui vỗ đùi cái đét rồi reo lên: Thấy rồi! Con ong đâu biết chất bảo quản mà mật ong để mấy năm không hư!”.

Ông đi tìm hiểu cách phân chia công việc của đàn ong thì biết trong đám ong thợ, những con 8-16 ngày tuổi phụ trách chế biến mật. Ông lại tìm những người nuôi ong để họ chỉ cho đâu là con ong 8-16 ngày tuổi. “Tui theo dõi tổ ong ngày này qua tháng khác, mặt bị chúng đốt lỗ chỗ. Mất cả năm ròng, cuối cùng cũng “học lỏm” được bí quyết bảo quản mật của chúng – đó chỉ là một loại lá cây vô cùng quen thuộc” - ông Khanh nhớ lại.

12 năm vừa làm nông dân, vừa làm công nhân sản xuất chính, vừa điều hành doanh nghiệp với gần năm mươi đại lý trên cả nước, Tư Khanh vẫn mộc mạc, giản dị. Ông bảo làm nông dân mà không áp dụng khoa học, không chọn lối đi khác biệt thì rất khó để làm giàu. Vừa châm nhang bưởi do chính tay mình sáng tạo, Tư Khanh vừa rủ rỉ: “Trái non, trái rụng tui cũng thu mua cho bà con. Làm kinh tế là một chuyện. Với tui, quan trọng hơn là mình đã giúp bà con lo được toàn bộ đầu ra cho sản phẩm, cùng bà con đưa đặc sản sông Tiền đến mọi miền đất nước”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem