Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Sẽ loại bỏ cột điện trên các tuyến phố

Vinh Hải Thứ tư, ngày 13/07/2016 10:19 AM (GMT+7)
Trong Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2025, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu thiết kế ngầm hóa đường điện hạ áp đồng bộ với các tuyến đường dây khác để đảm bảo mỹ quan đô thị, không thiết kế cột điện trên các tuyến phố.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký tờ trình đề nghị HĐND TP thông qua Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035.

Quy hoạch này hướng đến việc cung cấp điện ổn định và an toàn cho phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội.

img

Điện lực Hà Nội hướng đến mục tiêu giảm thời gian mất điện trung bình xuống dưới 200 phút/năm

Đồng thời, việc thực hiện quy hoạch cũng hướng đến mục tiêu giảm thời gian mất điện trung bình xuống dưới 200 phút/năm, phù hợp với tình hình thực tiễn, năng lực tài chính và yêu cầu phát triển của Thủ đô. Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, hiện độ tin cậy cấp điện chưa cao, thời gian mất điện trung bình năm 2015 là 1.360 phút.

UBND TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu thiết kế ngầm hóa đường điện hạ áp đồng bộ với các tuyến đường dây khác để đảm bảo mỹ quan đô thị, không thiết kế cột điện trên các tuyến phố.

Bên cạnh đó, công tơ đo đếm lắp đặt mới sử dụng công tơ điện tử, thay thế dần công tơ cơ khí. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 đảm bảo 100% hộ dân được lắp đặt sử dụng công tơ điện tử đo đếm từ xa. Chiều dài dây dẫn từ công tơ vào hộ sử dụng điện không quá 20m.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực của Hà Nội đến năm 2025 là 60,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lưới 220kV là 9.435 tỷ đồng, lưới 110kV là 14.908 tỷ động và lưới điện phân phối là 36.095 tỷ đồng.

Tờ trình của UBND TP Hà Nội do ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP cho biết cơ chế huy động vốn đầu tư như sau: ngành điện và các nguồn vốn khác sẽ đầu tư lưới điện từ 220kV trở lên, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đầu tư lưới điện 100kV, đầu tư lưới trung áp, hạ áp và công tơ. Đường dây ra sau công tơ cấp điện đến từ hộ sử dụng điện sẽ do người dân đóng góp.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết Chính phủ có cơ chế giá điện phù hợp để bù đắp kinh phí đầu tư hạng mục điện của các nhà đầu tư không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

UBND TP Hà Nội cũng giao trách nhiệm cho các cơ quan trực thuộc cập nhật vào Quy hoạch ngành quỹ đất dành cho đầu tư công trình điện. Được biết, nhu cầu sử dụng đất để xây mới các công trình điện trong thời gian tới là 2.920ha.

Hiện nay Thủ đô Hà Nội được cấp điện từ hệ thống điện Miền Bắc với nguồn điện chủ yếu từ hệ thống điện 500kV Thường Tín và Hiệp Hòa. Bên cạnh đó, Hà Nội được cung cấp điện từ 9 trạm 220kV và hệ thống lưới điện 100kV với 43 trạm biến áp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem