Chủ tịch nước: Sẽ xây dựng lực lượng tinh nhuệ bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ

Hứa Phương Thứ hai, ngày 09/05/2016 11:30 AM (GMT+7)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc...
Bình luận 0

Sáng 9.5, tại TP.HCM, các ứng viên đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 (gồm quận 1, quận 3 và quận 4) đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1.

img

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đơn vị số 1 tại TP.HCM

Đơn vị bầu cử số 1 gồm 5 ứng viên Đại biểu Quốc hội: Ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh; Giáo sư, tiến sĩ Trần Đông A, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Thúy Dung, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV dệt may Gia Định; Đại tá Ngô Tuấn Nghĩa, phó Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng, phó Bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, ông vinh dự được Hội đồng bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại TP.HCM, một trong những đô thị lớn nhất, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đối ngoại an ninh quốc phòng.

Nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm thấy đó là vinh dự và cam kết: tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Hiếp pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức, cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước sẽ chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước; nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Quốc phòng An ninh.

Chủ tịch nước cam kết phối hợp chỉ đạo thực hiện nhất quán đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực và hội nhập quốc tế, phục vụ mục tiêu bảo đảm quyền lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và đưa tiếng nói của cử tri đến Quốc hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cam kết cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm cầu nối giữa Thành phố với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra; tập trung chỉ đạo giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực.

Xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, để phát huy hết tiềm năng của thành phố đang có và xây dựng thành phố đạt được mục tiêu như đã đề ra cần có nhiều giải pháp, trong những giải pháp đó thì quan trọng nhất là xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá để tận dụng cơ hội, nhằm đưa thành phố phát triển bền vững. 

“Có ý kiến trao đổi với tôi và tôi cũng đồng tình rằng nên chăng cần có luật về TP.HCM với những cơ chế chính sách đặc thù như luật Thủ đô mới có thể đưa TP.HCM có những bước phát triển đột phá?”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Xử lý tham nhũng là không có vùng cấm
Về vấn đề phòng chống tham nhũng mà cử tri quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng các văn bản của nhà nước nêu rõ tham nhũng là quốc nạn. Bước đầu công tác dấu tranh chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa được như mong muốn của cử tri. Do đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Bên cạnh khám phá xử lý các vụ án lớn, cũng phòng chống tham nhũng vặt đang rất nhức nhối.

“Phát hiện tham nhũng là khâu khó nên chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, các cấp các ngành và trong đó có thông tin báo chí. Khi phát hiện tham nhũng phải tập trung điều tra khẩn trương đưa ra xử lý kịp thời, xử lý tham nhũng là không có vùng cấm”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cho rằng phải coi trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng. Đây cũng là một khâu khó mà thời gian qua chưa đạt được hiệu quả. “Muốn chống tham nhũng đạt hiệu quả thì việc bảo vệ người tố cáo là hết sức quan trọng, phải có chính sách khen thưởng những người dũng cảm tố cáo tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng là rất khó khăn và gây go quyết liệt, không hề dễ dàng để lôi ra ánh sáng. Ở đây, chúng tôi kiến nghị phải xử lý những người gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng. Chỉ như thế mới phát huy hiệu quả”, Chủ tịch nước nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem