Ông Nguyễn Viết Quyết (Phú Thượng) đang nhanh tay cắt tỉa tán những cành đào cho thuê trong Tết. Theo ông Quyết, đến giờ này hầu hết những hộ thuê đào đã trả gốc về vườn để ông chăm sóc, tưới tắm chuẩn bị trồng vào luống cũ.
Không chỉ phá tán, các chủ vườn cũng thực hiện hàng loạt công đoạn như cuốc đất, bón phân, đánh gốc, đặt luống, chụp túi nilon vào các gốc cây đang đâm chồi xanh.
“Sau vụ đào Tết, để chuẩn bị cho vụ đào mới người nông dân cần thực hiện rất nhiều công đoạn. Tuy nhiên, để chăm sóc được một vườn đào đẹp, nở trúng Tết thì lại rất khó. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm và bí kíp và cách hãm đào dựa vào thời tiết của từng ông chủ vườn đào” – ông Quyết nói.
Năm vừa qua, do trúng vụ đào Tết, đào đắt các chủ vườn lớn đã bán buôn đào từ lâu nên có thời gian để cuốc đất, làm luống từ rất sớm.
Cách luống đào của nhà ông Quyết không xa, vườn đào của nhà ông Phạm Văn Tuấn cũng đang được đổ đất, bón phân. Để chuẩn bị chăm sóc cho hơn 2.000 gốc đào, ngay từ 25 Tết, lúc đang bán đào ông đã mua đất mới thuê người vận chuyển đổ vào luống.
Giá cho mỗi khối đất khoảng 900.000 đồng, để đổ được hết 2 sào đào ông phải mua tầm 30 khối đất, hết gần 30 triệu đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại hình ảnh những chủ vườn chăm sóc, chuẩn bị cho vụ đào Tết sang năm:
Ông Nguyễn Văn Quyết đang cắt tán một số cây đào cho thuê để chuẩn bị đặt cây vào luống chăm sóc.
Các cây đào được cắt tán đâm chồi, nảy lộc rất nhanh
Với những gốc đào cành, sau khi cắt cành bán chủ vườn sẽ lấy túi ni lon bọc gốc để tránh cho sâu ăn mất lộc, đồng thời cuốc đất, hoặc đổ đất mới ở luống và bón phân
Sau một vụ trồng đào, đất thường bị chua và mất hết chất dinh dưỡng nên các chủ vườn phải đào hố lấy hết đất cũ và thay lớp đất mới để đặt gốc đào
Với những gốc đào cắt cành, các chủ vườn chỉ cần cuốc đất, bón phân để tăng độ dinh dưỡng cho đất
Ông Nguyễn Văn Hồng (Phú Thượng) đang đánh gốc đào để vận chuyển tới một luống mới, đồng thời thay lớp đất mới cho cây. Theo ông Hồng, nếu đánh gốc không cẩn thận, không tơi gốc (tức cột chặt bầu đất ở gốc cây) thì khi bầu đất vỡ thì cây cũng sẽ chết
Sau khi hoàn thành công đoạn cắt tỉa, cuốc đất, bọc gốc bằng bao ni lông, bón phân... cho cây, ông Quyết bắt đầu tưới nước để cây nhanh đâm chồi
Một số hộ khác còn tự ủ phân vi sinh để bón cho đào. Bà Nguyễn Thị Phượng đang tận dụng những thân, lá cây rau bắp cải không dùng tới cho vào bể ủ phân. Theo bà Phượng, sau khoảng 2 tháng thì những cây rau này sẽ biến thành phân vi sinh và có thể bón cho đào được.
Sau những phút giây lao động mệt nhoài, người đàn ông này ngồi uống nước và hút thuốc lào, chờ đặt luống đào mới
Vui lòng nhập nội dung bình luận.