Cá nhân tôi tin rằng khi lên kế hoạch học K.League, những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đã quên hoặc không hề biết Việt Nam từng học K.League vào năm 1995 nhưng không thể ứng dụng được.
Đó là thời điểm nhiệm kỳ II VFF và thành phần “học” không phải là cả đoàn đông đi du khảo mà chỉ có vài thành viên muốn thay đổi thực sự nền bóng đá nước nhà để nâng cấp từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp. Người đứng đầu thành phần đi tìm hiểu và học bóng đá Hàn Quốc khi ấy là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Nguyễn Tấn Minh. Ông Minh khi ấy là người nắm hầu bao về tài chính và là người chơi rất thân với Strata lẫn AFC nên mục đích đi học hỏi là tìm hiểu về cơ chế vận hành của bóng đá nhà nghề Hàn Quốc. Và chuyến thu hoạch đấy của ông Minh khi tìm hiểu kỹ đã được chép thành tài liệu nhưng phần kết luận thì mỗi đội bóng phải là một công ty con của một tập đoàn.
Bóng đá Việt nam sẽ nghiên cứu và học hỏi K.League.
Với kiểu kết luận trên nhiều người làm bóng đá ngạc nhiên nhưng sau đó ông Minh đã giải thích từ việc học tập nền bóng đá bạn của mình. Chẳng hạn khi đến thăm đội nhà nghề Hyundai thì ông Minh mới vỡ lẽ ra là Hàn Quốc chỉ bắt đầu với 6 CLB nhà nghề nhưng làm cực chất và cực mạnh trong mặt bằng 6 CLB đấy. 6 CLB đó là con của 6 tập đoàn lớn mà Hyundai là một trong 6 CLB. Và Hàn Quốc xuất phát điểm với nền tảng CLB nhà nghề từ tập đoàn đấy không phải là dựa hơi doanh nghiệp mà là chỉ có doanh nghiệp mới đủ sức hình thành và phát triển CLB nhà nghề. Và tất nhiên việc làm này không phải là ý tưởng của LĐBĐ Hàn Quốc nhưng là một chính sách từ Chính phủ trong việc phát triển bóng đá.
Với 6 CLB đấy, Hàn Quốc không chỉ thi đấu hai lượt (mỗi đội 10 trận đấu) mỗi mùa giải mà được nhân lên thành 4 lượt và thậm chí là cao hơn. Ở đây, các ông chủ (tập đoàn) không chỉ chi cho đội bóng mà không có thu nhưng ngược lại là phát triển CLB nhà nghề đấy theo kiểu một công ty con và có lãi chứ không “bao cấp” như ta lấy các khoản lãi ở công ty để nuôi đội bóng.
Trong khi đó thì hệ thống trẻ và nền tảng của Hàn Quốc lại phát triển chính từ môi trường học đường. Thế nên không lạ khi những đội như Đại học Chung Ang hay đội Sinh viên Hàn Quốc toàn những cầu thủ là sinh viên nhưng lại thắng đội tuyển quốc gia của ta. Điều ta chưa thể làm được vì trường học không có sân bãi và chỉ lo văn hóa nhiều hơn thể chất thì Hàn Quốc lại đưa vào chính khóa và phát triển chuyên sâu từ môi trường giáo dục.
Hồi đấy khi học bóng đá Hàn Quốc về và ông Minh cùng các thành viên nghiên cứu phát triển bóng đá chuyên nghiệp đang tiến hành với từng bước thí điểm bắt đầu từ TP HCM thì gặp hàng loạt trở ngại. Bắt đầu từ hệ thống trường học “không nhận” phát triển bóng đá từ trường rồi đến các tập đoàn có đội bóng và phát triển thành đội chuyên nghiệp thì lại không qua được ải địa phương…
Bây giờ thì Hàn Quốc vẫn ứng dụng theo khung đấy còn ta thì quên hết những bài học của 20 năm trước và cử phái đoàn đi học lại. Và cũng có thể là sẽ giống đi học J.League mà không có “hành”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.