Sau khi chạm đáy ở vùng 911 điểm trong phiên giao dịch cuối của tháng 10, chỉ số VN Index trong tuần đầu tháng 11 đã phục hồi và lấy lại được phần nào điêm số đã mất. Dù vậy, triển vọng thị trường trong ngắn hạn vẫn khó lường. Liệu giai đoạn cuối năm có là cơ hội tốt để gom hàng?
Từ khối lượng giao dịch bình quân thường xuyên duy trì ở mức cao 350 triệu đến hơn 400 triệu cổ phiếu/phiên ở sàn HOSE, thậm chí có những phiên xấp xỉ 500 triệu cổ phiếu trong tháng 10, thanh khoản thị trường trong tuần đầu tháng 11 đã sụt giảm khá mạnh, khi phần lớn các phiên chứng kiến khối lượng giao dịch đã rớt về dưới 300 triệu cổ phiếu/phiên.
Góc nhìn thận trọng
Thống kê cho thấy khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 284 triệu cổ phiếu/phiên, giảm mạnh 25,3% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX cũng giảm 25,7%, chỉ đạt trung bình hơn 35 triệu cổ phiếu/phiên. Với diễn biến điểm số tăng chỉ ở mức khiêm tốn đi kèm thanh khoản sụt giảm, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang nghi ngờ về đợt phục hồi lần này cũng như triển vọng sắp tới của thị trường.
Thực tế giới phân tích cũng không quá lạc quan về xu hướng của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, khi dự báo thị trường cần phải có thêm thời gian để thiết lập đà tăng trở lại. CTCK Rồng Việt (VDS) trong báo cáo chiến lược mới nhất nhận định thị trường có thể tích lũy trong tháng 11 khi thiếu thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh doanh nghiệp và vĩ mô, với VN Index dao động trong khoảng từ 910-960 điểm.
Trong khi đó, theo báo cáo triển vọng thị trường vừa công bố, CTCK Mirae Asset không đánh giá cao khả năng thị trường sẽ phá vỡ xu thế tăng trung hạn. Mốc 900 điểm được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index trong tháng 11.
Với xu hướng điều chỉnh chiếm chủ đạo của tuần đầu tháng 11, rõ ràng nhà đầu tư thận trọng trong quyết định giao dịch cổ phiếu là điều cần thiết.
Tuy nhiên, đối với chiến lược trong phần thời gian còn lại của năm nay, giới phân tích tin rằng nếu có những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh quanh 900 - 905 điểm, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để "gom hàng".
Nhiều yếu tố nâng đỡ thị trường
Việc Kuwait sẽ được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong tháng 11, giúp Việt Nam là thị trường hưởng lợi lớn nhất do là nước có tỷ trọng lớn thứ hai tại các nhóm quốc gia cận biên, có thể xem là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Dù dòng tiền sẽ không tập trung trong kỳ cơ cấu diễn ra vào tháng 11, mà sẽ kéo dài trong vòng 1 năm, nhưng đó rõ ràng vẫn là chất xúc tác quan trọng cho chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo đó, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ sớm đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng trở lại. Cụ thể, sau khi khối ngoại vẫn bán ròng mạnh trong tháng 10 với giá trị bán ròng đạt mức cao nhất trong 6 tháng, trong phiên ngày 5/11 đã có động thái mua ròng hiếm hoi trở lại trong nhiều tháng qua, dù giá trị mua ròng vẫn khá khiêm tốn chỉ hơn 25 tỷ đồng, nhưng đó cũng được xem là tín hiệu tích cực hơn.
Hiện vẫn có dòng vốn lớn đang chực chờ tham gia trở lại khi thị trường điều chỉnh, bao gồm cả dòng tiền gửi ngân hàng đang dịch chuyển dần sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán do lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay quá thấp. Ngoài ra, khả năng từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm thêm lãi suất điều hành một lần nữa, do đó kênh tiền gửi ngân hàng càng trở nên kém hấp dẫn.
Trong khi đó, giới phân tích cũng dự báo việc ông Biden thắng cử tổng thống Mỹ tuy có thể gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng những thị trường còn lại có thể được lợi, do chính sách thuế của ông Biden sẽ nhắm đến người giàu những người có thu nhập trên 200.000 USD/năm. Đây cũng là những người hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường chứng khoán, vì vậy khi nhà đầu tư rót tiền vào chứng khoán Mỹ và biết rằng sẽ bị đánh thuế cao hơn, họ sẽ tìm kiếm các thị trường khác và theo đó sẽ có đợt rút tiền khỏi chứng khoán Mỹ để chạy vào các thị trường khác.
Trước triển vọng này, dự báo thị trường có thể bật lại khi điều chỉnh và chạm các mức hỗ trợ mạnh. Những ngành được khuyến nghị cho nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân vẫn là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công, chuyển dịch đầu tư quốc tế (bất động sản khu công nghiệp), các doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của Nhà nước, những ngành hưởng lợi từ các chính sách điều chỉnh thuế như phân bón. Ngoài ra, những ngành có thể hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và khi thương mại toàn cầu hồi phục như dệt may, thủy sản, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng có thể là tâm điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.