Tại hai công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam là SSI và HSC (Công ty CP Chứng khoán TP.HCM), cả hai đơn vị này đều cho biết, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể mà vẫn chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ, Bộ Y tế.
Khách hàng giao dịch tại Công ty Chứng khoán SSI (Ảnh: SSI)
Chờ chỉ đạo từ Chính phủ
Chẳng hạn, đại diện Công ty Chứng khoán SSI cho biết: “SSI đã đón khách đến giao dịch trực tiếp tại chi nhánh Hà Nội và Hội sở tại TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế chỉ là mở cửa đón khách giao dịch, còn hiện tại nhân viên vẫn chia ca làm việc (luân phiên làm việc tại nhà và công ty), khách hàng vẫn được khuyến cáo sử dụng các kênh giao dịch trực tuyến khi không cần phải lên sàn. Còn nếu đến sàn thì vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt…”.
Cũng theo đại diện SSI, công ty vẫn đang chờ quyết định chính thức từ Bộ Y tế, Chính phủ về việc giãn cách thế nào thì sẽ có phương án phù hợp. Còn tất nhiên, trên tinh thần thận trọng, lúc nào công ty cũng áp dụng những biện pháp phòng dịch được triển khai từ đầu và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Y tế.
Tương tự, tại HSC đến chiều ngày 22/4, đại diện công ty chứng khoán này vẫn cho biết "chưa nhận được thông báo chính thức gì". Theo đại diện này, hiện HSC hoạt động sôi nổi nhất là ở phòng giao dịch Lê Lai với lượng khách hàng mở tài khoản hàng ngày khá tấp nập. Riêng các chi nhánh thì đóng cửa để cho nhân viên làm việc tại nhà.
“Khách hàng đến giao dịch tại Hội sở sẽ phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như lấy số thứ tự lần lượt, rửa tay trước khi vào, giữ khoảng cách giãn cách 2m theo quy định, đeo khẩu trang suốt trong qua trình giao dịch…”, đại diện này cho biết và nói thêm, kế hoạch sắp tới sau ngày bỏ cách ly thì vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ để có kịch bản phù hợp.
Ngân hàng chuẩn bị nhiều kịch bản
Ở khối ngân hàng, do bối cảnh là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân có nhu cầu thiết yếu về tiền mặt, thanh toán… nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở và chi nhánh. Các ngân hàng đều chuẩn bị các kịch bản đảm bảo an toàn cho khách hàng, nhân viên và duy trì hoạt động thông suốt trong suốt mùa dịch. Tuy nhiên, đa số các nhà băng đều áp dụng biện pháp chia ca hoặc nghỉ ngày thứ 7, cho nhân viên nghỉ làm để học các lớp đào tạo về nghiệp vụ bảo hiểm…
Tại Nam A Bank, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Tâm thông tin, nhà băng này đã thành lập tiểu ban ứng phó Covid-19 nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời các khuyến nghị của Chính phủ, Bộ Y tế đối với hoạt động của ngân hàng. Cán bộ nhân viên của nhà băng này cũng được chia 2 nhóm luân phiên làm việc tại nhà và ngân hàng để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường.
Tương tự tại Sacombank, ngân hàng này thực hiện phương án 50/50. Tức cho một nửa nhân viên làm việc ở nhà và số còn lại làm ở cơ quan (ngoại trừ một số bộ phận như ngân quỹ, bảo vệ thì phải túc trực đầy đủ).
Phó Giám đốc một NHTM tại TP.HCM, cho biết, hiện vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ, còn về phương án hoạt động sau ngày bỏ cách ly thì ngân hàng đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó. Chẳng hạn như trước đây phân công làm việc hai ca nhưng sau khi có quyết định gỡ bỏ cách ly thì sẽ cho nhân viên đi làm đầy đủ trở lại.
“Thực ra việc cắt giảm nhân viên mới khó chứ việc cho nhân viên đi làm trở lại thì đơn giản rồi, tất nhiên là vẫn phải theo lộ trình chứ chưa thể trở lại như ban đầu được”, vị này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.