|
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái |
Người dân được gì?
Thưa bà, Đại lễ đã kết thúc và được đánh giá là thành công tốt đẹp. Nhưng có lẽ bất cứ sự kiện nào cũng vậy, khi chúng ta có “khoảng lùi” để nhìn lại, chắc chắn vẫn còn nhiều điều để rút kinh nghiệm. Vậy cảm xúc của riêng bà về Đại lễ nghìn năm Hà Nội ra sao?
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đúng vào năm 2010 thật ý nghĩa đối với cả nước. Năm nay cũng đúng tròn 2 hoa giáp năm sinh Bác Hồ (1890). Tôi biết, để chuẩn bị cho 10 ngày Đại lễ, đã có một quy trình chuẩn bị chu đáo nhằm hướng tới, tôn vinh, ngay từ đầu năm 2010 và cả từ năm 2000.
Nhưng trong những ngày Đại lễ vừa qua, dù đã được cho là chuẩn bị kỹ lưỡng, vẫn có những điều khiến chúng ta có cảm giác thất vọng…
Xin bà cho vài ví dụ?
- Đơn cử như việc làm phim về Vua Lý Công Uẩn đã lình xình từ lâu nay. Chính tôi cũng đã phải lên tiếng trên báo chí để góp ý, phản biện, thậm chí tôi còn cho rằng số phận các phim rồi cũng theo nhau cất vào kho.
Kết quả là, sau việc nhiều đơn vị triển khai làm phim về Vua Lý Công Uẩn vốn được thông tin rất rầm rộ nhưng không thành, nhiều phim ra đời về sau hướng tới Đại lễ cũng không đạt được chất lượng hay sự hưởng ứng của công chúng. Tôi cho rằng đó chính là căn bệnh lễ hội bị sức ép của kỷ niệm.
Ngoài lĩnh vực điện ảnh ra, bà nhìn nhận như thế nào về các chương trình, sự kiện văn hoá, lễ hội khác?
- Chương trình kỷ niệm 1000 năm tuổi của một thủ đô là việc hệ trọng, cần được xây dựng công phu, chu đáo. Ở đó phải làm sao thể hiện được niềm tự hào, sung sướng của đông đảo dân chúng. Các tác phẩm, chương trình phải khơi dậy được niềm hân hoan, cảm hứng xây dựng đất nước của nhân dân. Việc tổ chức là đương nhiên, nhưng nội dung, hiệu quả tổ chức như thế nào mới là vấn đề.
|
“Phiên chợ làng” bên Hồ Gươm trong những ngày Đại lễ |
Và thực tế là, nhìn lại Đại lễ, tôi nghĩ chúng ta cần có một chút xấu hổ với các quốc gia khác trong những chương trình lớn nhân một dịp nào đó.
Ví dụ như lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng ở sân vận động Tổ chim, thì văn hoá Trung Quốc, những đặc trưng, những tiêu biểu bật hẳn lên.
Còn Đại lễ của chúng ta, nhìn lại, người dân được hưởng thụ những gì, và khách nước ngoài được xem, được cảm nhận những gì? Đây là một câu hỏi mà hình như không ai muốn tìm hiểu, đánh giá và trả lời.
Bãi rác khổng lồ
Bên cạnh sự chuẩn bị có thể nói là chưa xứng tầm của nhiều sự kiện, văn hoá “hưởng thụ lễ hội” của người dân trong những ngày Đại lễ cũng thật sự có vấn đề, bà nghĩ sao về ý kiến này?
- Đó là một thực tế, sau các chương trình lớn, nhiều nơi trở thành những bãi rác, và Hà Nội là một bãi rác khổng lồ. Ngay như việc đến Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhiều người bạn tôi cho hay không có cách gì chen chân, đến nỗi mà chỉ có ước ao rằng muốn có thể ra về, muốn có một chỗ ngủ.
Tôi là một người Hà Nội, đã tự bảo mình chỉ đi xem các chương trình duyệt, chứ đừng ra đường vào ngày diễn chính vì sức khoẻ có hạn, không thể chen được.
Chúng ta đã làm những 10 ngày Đại lễ, dài quá! Giờ đã là thành phố nghìn năm, những năm sau ta có thể làm tiếp các kỳ liên hoan, lễ hội, Festival, như Huế chẳng hạn, nhưng hãy ít ngày thôi và rải ra chứ đừng dồn kín vào như vậy. Hà Nội phải có ban nghiên cứu giải pháp, công nghệ tổ chức lễ hội của mình. Phải tìm ra Hà Nội trong truyền thống đã kỷ niệm, lễ hội ra sao, Hà Nội trong thời hiện đại sẽ tổ chức thế nào…
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái
Nhưng rồi tôi hãi hùng khi đưa đoàn cựu chiến binh Mỹ đi xem diễn vở "Dời đô" ở Rạp Công Nhân. Xe thả người ở dốc Bác Cổ, chúng tôi mất gần 1 giờ để vào đến nơi. Rồi ra được khỏi đó, tôi ngồi mệt lả ở thềm Nhà hát Lớn, may có nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tình cờ đi xe máy qua, đã chở tôi về.
Nhìn lại không khí khu vực trung tâm trong những ngày Đại lễ, tôi tự hỏi, có gì ngoài sự huyên náo và va chạm? Tôi đã dặn sinh viên báo chí của tôi,
Đại lễ là dịp quan trọng, các em cần theo dõi, tham gia để ghi nhận, viết bài, nhưng phải cẩn thận việc mất tiền, mất điện thoại, chuẩn bị 50- 70 nghìn đồng cho mỗi lần gửi xe máy… Và rồi tất cả những chuyện đó đã là sự thật vì người ta đã không kiểm soát nổi những “cỗ máy chặt chém” mọc lên như nấm.
Nói cách khác thì khâu quản lý các hoạt động phục vụ lễ hội đã không được quan tâm đúng mức?
- Chủ trương, đường lối là đúng đắn, nhưng thực hiện thì sơ suất, và thực tế diễn ra thì không lường trước, không tưởng tượng nổi, không quản lý nổi. Ai lại không vui khi kỷ niệm Thăng Long nghìn năm, ai lại không muốn tham dự, không muốn mặc đẹp đi chơi hội, nhưng đến rồi về trong mệt mỏi, thất vọng...
Bà nghĩ đến lúc này việc cần làm là gì sau các hoạt động tưng bừng kỷ niệm?
Sau lưng thành phố là 1000 năm lịch sử, trước mặt còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta hãy rút kinh nghiệm ngay lập tức, tìm những giải pháp tích cực để giải quyết, nghiên cứu cách thức tổ chức các hoạt động lễ hội, kỷ niệm trong tương lai, sao cho thủ đô nghìn năm phải là thành phố xứng đáng với vị trí của nó và người dân phải được hưởng thụ đời sống nghệ thuật, khách quốc tế được chiêm ngưỡng và ghi nhớ những ấn tượng.
Dựa trên những cơ sở đó để có sự điều hành trong những năm tới, và từ năm thứ 1001 trở đi, Hà Nội tổ chức gì cần phải khác trước! Tôi sẵn sàng tham gia vào ban nghiên cứu đó với tư cách một người Hà Nội, một nhà nghiên cứu sân khấu.
Xin cảm ơn bà!
Chưa thấy thay đổi về chiều sâu văn hóa
Nói một cách công bằng, qua dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, bộ mặt Thủ đô có khang trang hơn nhưng những thay đổi về chiều sâu văn hóa thì vẫn chưa thấy rõ.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã phát động hơn 10 năm trời nhưng việc tổ chức thực hiện thì chưa đạt được mong muốn của dân. Vậy cuối cùng đọng lại những gì ngoài những phong trào bề nổi chẳng khác gì như các dịp lễ hội khác?
Phải làm sao các sự kiện, hoạt động thấm sâu vào tâm hồn người dân để người dân ấn tượng mãi, suy nghĩ mãi thì đó mới là cái đọng lại lâu bền nhất. Nếu chương trình huy động được nhiều người tài, giỏi tham gia thì sẽ thành công tốt đẹp hơn.
GS Hoàng Chương
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc
Không hội tụ được tài năng
Tôi thấy rằng không có sự tương xứng giữa các yếu tố tổ nội dung, tổ chức với thời gian, không gian 10 ngày Đại lễ.
Nếu làm thời gian dài thì phải có sự chuẩn bị kỹ càng về kinh phí, hoạt động, sự kiện trên các không gian như thế nào... Bên cạnh đó, các lễ hội, sự kiện mới cần phải gắn liền với lễ hội truyền thống hay tiếp thu được mạch chảy, ý nghĩa của nó, mang đến hiệu quả tinh thần cao cho công chúng.
Nhưng những gì chúng ta đã thấy, quả thực chưa làm thoả mãn mong đợi công chúng, chưa hội tụ được tài năng, trí tuệ của các thành phần tham gia Đại lễ, chưa khai thác và phát huy được những khả năng sáng tạo của quần chúng để Đại lễ thực sự ngày hội chung của tất cả mọi người…
Đạo diễn Lương Tử Đức
Phòng Sân khấu, Đài Truyền hình VN
Quang Hưng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.