Trần Thanh Thắng (SN 1958) được điều động từ vị trí phó phòng ở một Cty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về làm trưởng phòng của chi nhánh Cty được đóng trên địa bàn Hà Nội.
Hơn một tháng về Thủ đô, xa gia đình ông Thắng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nhưng trước khi chia tay, đám chiến hữu nơi phố huyện của ông nhấm nháy: “Nếu anh buồn thì có thể đáo qua mấy quán gội đầu. Thỉnh thoảng về Hà Nội em vẫn tạt qua”. Thậm chí họ còn ghi rõ cả địa chỉ trên một tờ giấy để đưa cho ông Thắng.
May mắn thế nào, ông Thắng phát hiện ra tiệm gội đầu lại nằm ngay trên trục đường hàng ngày ông đi làm qua. Sau bữa cơm trưa, ông Thắng quyết phải tìm hiểu xem có điều gì đằng sau tấm rèm buông hờ hững tại các cửa hiệu gội sấy thư giãn. Ngập ngừng bước vào, ông Thắng ngồi đại lên chiếc ghế xoay. Thấy vậy cô chủ hiệu chừng hai mươi tuổi mỉm cười bước tới: “Anh cắt hay gội ạ?”. Ông Thắng chỉ lí nhí được vài từ: “Cắt tóc… à gội đầu”.
Nhiều người hám của lạ đã phải nhận quả đắng bởi những nhân viên gội đầu không đứng đắn.
Theo hướng dẫn của cô chủ trẻ, ông nằm vào chiếc ghế gội đầu. Suốt mấy chục phút sau đó, ông cứ có cảm giác nao nao khi bàn tay của cô gái trẻ lùa vào tóc, vào cổ, vào gáy ông. Ông Thắng cố nhắm mắt để khỏi bị hút vào cái mảng trăng trắng, phập phồng nơi chiếc cổ áo khoét rộng mà cô chủ dường như cứ cố tình gí sát vào tận mặt ông. Chỉ đến khi cái giọng thỏ thẻ của cô chủ tính công mười phút gãi đầu cho ông bằng trị giá của gần một tạ thóc, ông Thắng mới tỉnh người và đành phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Những tưởng sau lần bị ăn phải “quả đắng” ấy, ông Thắng sẽ cạch đến già. Nhưng trong những giờ nghỉ trưa ở cơ quan, cái cảm giác nao nao khi bàn tay cô chủ trẻ chỉ bằng tuổi con gái mình lùa vào tóc, vào cổ, vào gáy cứ ám ảnh ông mãi.
Và rồi hai ngày sau, ông lại quay vào tiệm cắt tóc Minh Thúy. Sau câu chuyện hàn huyên, cô chủ trẻ cũng đã biết bác “nông phu” hôm trước chính là trưởng phòng nên thay đổi thái độ, ra sức chiều chuộng khách. Cũng từ đó ông Thắng chăm đi cắt tóc, gội đầu đến độ đầu chưa kịp bẩn, tóc chưa kịp mọc. Những lúc không đi cắt tóc, ông lại viện cớ đi từ Cầu Giấy sang Gia Lâm bụi vàng cả mi nên phải ghé tiệm gội đầu. Đồng nghiệp thậm chí còn đồn đại chuyện có lần đi công tác, ông còn mang cả cô chủ quán gội sấy để phục vụ ông.
Trước Tết 3 tháng, ông Thắng nhận lệnh của TCty phải đi công tác dài ngày ở Lạng Sơn. Cô “người tình bé nhỏ” quyết định sẽ cùng ông lên Lạng Sơn, nếu ông tạo điều kiện để cô mở tiệm làm ăn trên đó. Hai người đã mua vé tàu và hẹn ngày đón nhau đi.
Đúng ngày hẹn, ông Thắng đi xe máy tới trước cửa Bưu điện Gia Lâm để đón cô gái cùng đi chuyến tàu sẽ khởi hành vào lúc 22g. Nhưng khi gặp nhau, cô gái lại tỏ ý muốn thuê nhà nghỉ lại rồi sáng mai mới đi. Nghe vậy ông Thắng ngoài mặt thì tỏ ý phật lòng vì bị lỡ hẹn với địa phương, nhưng bên trong thì như mở cờ trong bụng. Tiếng là đã cặp kè đi lại với nhau gần 3 tháng, song tất cả những điều ông nhận được chỉ là những cái đụng chạm vu vơ . Cô gái từng tâm sự rằng từ bé đã lam lũ nên chẳng dám chơi bời gì. Dù đã đôi mươi nhưng chưa có người yêu, thậm chí còn chưa nắm tay người con trai nào. Nghe vậy, ông Thắng khấp khởi mừng thầm, bõ công mấy tháng chăn dắt…
Sau khi để lại bằng lái xe ở quầy lễ tân để nhận phòng, cô gái bảo ông Thắng vào tắm còn mình thì gọi lễ tân mang bia và bánh ngọt lên để hai người lót dạ. Khi ông Thắng từ phòng tắm bước ra, cô gái quàng tay âu yếm bê cốc bia tận miệng mời ông uống. Chiều lòng người đẹp, ông Thắng làm một hơi hết nửa cốc. Sau đó ông còn nghe giọng nói nũng nịu của cô gái trước khi lịm dần và đổ gục xuống giường.
Khi ông Thắng thức giấc đã là 10g sáng ngày hôm sau. Đầu đau như búa bổ, ông phải mất một lúc mới nhớ ra được mình đang ở đâu. Quờ tay sang bên cạnh không thấy người tình đâu cả, ông mới hoảng hồn vùng dậy. Tìm mãi ví tiền, chìa khóa xe máy đều “không cánh mà bay”, ông Thắng mới biết là đã bị lừa. Cô gái cùng toàn bộ số hành lý đã biến mất. Trên bàn chỉ còn găm lại một tờ giấy cùng dòng chữ nguệch ngoạc: “Thật đáng thương cho những kẻ dại gái!”.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Thắng không dám làm to chuyện mà âm thầm quay lại tiệm Minh Thúy hỏi thăm và được biết cô chủ đã nhượng lại để vào Nam làm ăn. Chuyện như vậy tưởng như sẽ chìm vào quên lãng….
Nhưng có một cô gái làm ở tiệm cắt tóc Minh Thúy tình cờ biết được sự việc. Hôm ông Thắng và bồ nhí đưa nhau đi Lạng Sơn, cô gái thấy bạn mình nửa đêm mò về thu vén đồ đạc, thỏa thuận nhượng lại cửa hiệu với giá rẻ rồi bỏ trốn bằng chiếc xe máy mới. Câu chuyện này được truyền cho một số gái làng chơi… Và rồi trong một lần truy quét các đối tượng mại dâm, những vụ cướp gây mê đã được các trinh sát phòng Cảnh sát điều tra ghi nhận.
Một ban chuyên án đã được thành lập, nhằm tìm ra thủ phạm của những vụ cướp gây mê gây. Khi các trinh sát đến nhà ông Thắng, ban đầu ông ta tỏ thái độ bất hợp tác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nắm bắt được cô chủ tiệm Minh Thúy là Hà Thị Thúy (SN 1979, quê xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hương). Tìm về quê của Thúy, các trinh sát được biết sau khi gây ra vụ cướp gây mê đối với ông Thắng, Thúy không vào Nam như đã nói mà trở về quê bán xe rồi quay lại thị trấn Đức Giang thuê địa điểm khác tiếp tục mở hiệu gội đầu. Không mất quá nhiều công sức, các trinh sát đã tìm ra cửa hiệu mới của Thúy. Ông Thắng được đề nghị tới nhận diện.
Ông Thắng khẳng định cô gái mới mở tiệm cắt tóc Kim Huyền ở thị trấn Đức Giang chính là người chủ quán Minh Thúy ngày trước. Tháng 3.2000, CQCA đã triệu tập Thúy lên để đấu tranh. Trước những chứng cứ mà trinh sát dày công thu thập, Thúy nhanh chóng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Theo lời khai của Thúy, cô ta chỉ học hết lớp 9 rồi bỏ nhà lên Hà Nội kiếm sống. Nghề gội đầu vốn tiếp xúc với nhiều loại tiếp viên và họ trao đổi nhau những mưu mẹo để chăn tiền của khách. Đặc biệt là có một cô đột nhiên trở nên giàu có đã chia sẻ “mánh nghề” này với Thúy.
Từ kinh nghiệm của những cô tiếp viên, Thúy nảy sinh ý định cướp gây mê đối với ông Thắng. Những lần ông Thắng đến cửa hàng, thị giở đủ mánh chiều chuộng nhưng lại làm ra vẻ con nhà lành, tuyệt đối không cho ông gần gũi. Lần đầu cùng ông đi công tác, khi ông Thắng đòi thuê nhà nghỉ qua đêm. Thúy kiên quyết từ chối để lấy lòng tin của “con mồi”.
Trước hôm hẹn ông Thắng đi Lạng Sơn, Thúy đã ra hiệu thuốc mua sẵn hai vỉ thuốc ngủ tán thành bột. Lợi dụng lúc ông Thắng trong nhà tắm, Thúy đem gói thuốc đó hòa tan trong cốc bia. Khi ông Thắng ngấm thuốc, Thúy dễ dàng lục túi lấy đi toàn bộ giấy tờ, chìa khóa xe, tiền, chỉ bớt lại 200 nghìn đồng để ông thanh toán tiền phòng cùng lá thư rồi trốn thoát. Đúng như dự tính của Thúy, ông Thắng đã không dám trình báo CQCA nên Thúy yên tâm thuê một cửa hiệu khác ngay tại thị trấn Đức Giang tiếp tục hành nghề. Vì vậy mà cho đến tận khi bị triệu tập tới trụ sở CQCA, thị vẫn không thể hiểu nổi tại sao các trinh sát hình sự lại nắm được thông tin về vụ cướp gây mê và nhanh chóng bắt giữ, vạch rõ hành vi phạm tội của mình.
PV (PL&XH)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.