V.League dễ kiếm tiền
Không quá khi cho rằng chuyện Samson được Atletico Madrid để mắt đến khiến dư luận bất ngờ một, thì bản thân chân sút Nigeria còn bất ngờ… mười. Nói như rất nhiều HLV trong nước là chẳng có “ông Tây” nào đến V.League để hy vọng giải đấu này sẽ là “đòn bẩy” đưa họ vươn tới những tầm cao. V.League lúc này đơn thuần là một mảnh đất rất “dễ kiếm tiền”, thế thôi!
|
Samson là cái cớ để V.League quảng bá mình? |
Cứ nhìn cách cựu cầu thủ đắt giá nhất V.League Denilson với đôi chân tập tễnh tới XM.Hải Phòng là hiểu V.League dễ kiếm tiền thế nào. Ngay cả Leandro khi mới khởi nghiệp ở đội bóng đất Cảng năm 2007-2008 cũng chỉ đủ thể lực đá khoảng 50-60 phút là hết hơi.
Năm 2010, khi Leandro chuyển tới Bình Dương, cầu thủ này có ngay khoản lót tay khoảng 300 nghìn USD/năm, lương khoảng 20 nghìn USD/tháng. Số tiền đó, có nằm mơ tiền vệ này cũng không nghĩ tới nổi nếu tiếp tục chơi bóng và tìm kiếm vận may ở xứ sở Samba.
“Một cầu thủ có trình độ trung bình chơi bóng ở Mỹ không thể bỏ túi 10 nghìn USD/tháng. Tất nhiên, thu nhập của họ cao hơn các ngoại binh V.League, nhưng thuế và các khoản chi phí khác quá đắt khiến cầu thủ chỉ đủ sống” - Lee Nguyễn từng tâm sự.
Đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết, thế nên đừng ngạc nhiên khi trước lúc mãn hạn hợp đồng với CS.Đồng Tháp, Samson đã “lỡ” nhận tiền lót tay của một số đại gia V.League đang “chạy đua trong đêm” để có chữ ký của anh. Và khi Atletico Madrid bất ngờ tỏ ra mặn mà ký hợp đồng với mình và cho Sporting Braga (Bồ Đào Nha, đội bóng đã lọt tới chung kết Europa League 2010-2011) mượn trong 6 tháng Samson mới tá hỏa (?!). Làm sao mà “bùng” được.
Cứ có lợi là làm
Nhưng ngay cả khi Samson có thể chính thức khoác áo Braga hay Atletico Madrid liệu có thể khẳng định V.League đang phát triển? E rằng hơi vội. Với chất “màu mỡ” (dù chỉ là tạm thời) của mình, có thể khẳng định bóng đá Việt Nam không chỉ thu hút được những cầu thủ có năng lực, mà còn bắt đầu được các đội bóng cỡ… Europa League quan tâm “đào mỏ”.
Nhìn lại chuyện Công Vinh được Hà Nội T&T cho đi “du học” tại CLB Leixoes (Bồ Đào Nha) cách đây 2 năm có thể lý giải rõ những điều tưởng như khó hiểu. Ở đây, Leixoes cần tiền, mà đó lại là thứ Hà Nội T&T sẵn sàng chi để quảng bá thương hiệu qua phi vụ Công Vinh. Một “mối duyên” lành như thế thì chẳng có lý do gì một người quá hiểu bóng đá Việt Nam như HLV Calisto không tham gia làm “bà mối”. Sau chuyện đó, tất cả đều có lợi mà V.League cũng được thơm lây.
Sự thật là cái tên Atletico Madrid cũng từng được nhắc đến năm ngoái khi ngỏ lời với bầu Hiển về việc sang Việt Nam thi đấu giao hữu với Hà Nội T&T nhân dịp chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tiếc là cuối cùng ý định này đã không thành vì con số 1,5 triệu euro, tương đương khoảng 40 tỷ đồng (như tờ AS của Tây Ban Nha đã đưa tin) cho chuyến du đấu này là quá lớn.
Một mình bầu Hiển không kham nổi, đặc biệt là khi VFF đã tỏ rõ thái độ… không quan tâm! Vậy thì chuyện tờ báo thể thao nổi tiếng của Tây Ban Nha đưa tin Samson đến Atletico Madrid có gì là to tát (?!).
“Bom tấn” xịt
Vấn đề là không phải tới bây giờ, mà cách đây chục năm bóng đá Việt Nam đã được nước ngoài để ý tới. Năm 2001, Lê Huỳnh Đức từng được CA TP.HCM cho biệt phái sang Trung Quốc thi đấu tại C.League và đã có những bàn thắng trong màu áo Lifan Trùng Khánh.
Thời điểm đó, nhiều người đã nhận ra cái đích quan trọng nhất phía sau chuyến xuất ngoại của chân sút số 1 Việt Nam là việc quảng bá cho nhãn hiệu xe máy “Lifan - sức mạnh vượt trội” tràn ngập vào thị trường Việt Nam. Nhưng chuyến đi đó rất tốt cho Đức cũng như bóng đá Việt Nam. Vậy thì tại sao không?
Khi Atletico Madrid bất ngờ tỏ ra mặn mà ký hợp đồng với mình và cho Sporting Braga (Bồ Đào Nha, đội bóng đã lọt tới chung kết Europa League 2010-2011) mượn trong 6 tháng Samson mới tá hỏa (?!). Làm sao mà “bùng” được.
Cần nhớ, trước Huỳnh Đức, các danh thủ: Lư Đình Tuấn (CSG), Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công)… đã được một số CLB danh tiếng của Singapore, Indonesia mời nhưng họ đều không thể xuất ngoại. Năm 2003-2004, “thần đồng” Văn Quyến cũng đã được một CLB Malaysia mời. Năm 2005, tiền đạo Việt Thắng được ĐT.LA gửi sang Porto tập luyện vài tháng cho qua thời gian bị VFF kỷ luật. Mới nhất, cầu thủ nhập tịch Đinh Hoàng Max (V.Ninh Bình) cũng dự tính sang Iran khoác áo CLB Persepolis…
Nghĩa là V.League sau gần 11 năm lên chuyên, không thiếu những chuyến xuất ngoại. Nhưng trong số ấy, chẳng tìm đâu ra một “tấm thảm đỏ”. Đương nhiên khi đứng trong vòng xoáy thông tin cộng với cách dùng tiền vô tội vạ của các ông bầu “tay mơ”, giới cầu thủ Việt Nam càng dễ hoang tưởng về giá trị thực của mình. Tất cả những điều đó đã tạo nên một V.League “dở dở ương ương” mà không ít người lại coi đó là giải đấu số một Đông Nam Á cùng những cú “bom tấn” chỉ chờ dịp “nổ”!
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.