Chuyện chưa kể 46 năm đi tìm tài liệu đề nghị phong tặng Anh hùng LLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng
Chuyện chưa kể 46 năm đi tìm tài liệu đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 07:30 AM (GMT+7)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng.
"Đại tá Bùi Văn Tùng xứng đáng nhận được sự công bằng"
Ngày 1/7, trao đổi với PV Dân Việt, NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng - đồng đạo diễn phim tài liệu lịch sử "Chuyện thật trưa 30/4/1975" cho biết, ông vừa nhận được văn bản của Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng.
Theo văn bản của Văn phòng Chủ tịch nước gửi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Thi đua - khen thưởng trung ương và đạo diễn Phạm Việt Tùng thay trả lời kiến nghị của ông, Chủ tịch nước có ý kiến: Chuyển thư và toàn bộ tài liệu của ông Phạm Việt Tùng đến Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để nghiên cứu, xem xét cụ thể.
Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban Thi đua - khen thưởng trung ương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề nghị xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng.
Trước đó, trong thư gửi Chủ tịch nước, đạo diễn Phạm Việt Tùng nêu căn cứ kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo "xét thành tích cống hiến qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của đại tá - chính ủy Bùi Văn Tùng, xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Bùi Văn Tùng".
"Tôi đã làm sự kiện xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 (Binh chủng tăng thiết giáp) húc đổ cánh cổng chính cổng dinh Độc Lập – làm nên giây phút lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lịch sử là tấm gương phản chiếu, tôi muốn thế hệ sau có sự kế tụng những bằng chứng lịch sử.
Tôi rất vui khi nhận được tin Chủ tịch nước đã yêu cầu xem xét đề nghị phong tặng đại tá Bùi Văn Tùng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vì ông rất xứng đáng. Tôi đeo đuổi ý nguyện này đến nay đã 46 năm. Tôi chưa biết để đến với danh hiệu Anh hùng chính thức còn phải đi trên những đường dài nào và bao lâu nhưng tôi kiên quyết theo đuổi đến cùng", đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.
Chuyện chưa kể về 46 năm đi tìm tài liệu đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng
Theo đạo diễn Phạm Việt Tùng, ông quen đại tá Bùi Văn Tùng ở Sài Gòn. Ở vị đại tá này, ông thấy đây là con người từ làng quê, hiền lành, đáng quý trọng. "Ở tuổi 92, sức khoẻ ông Tùng hiện đã rất yếu, không nói được, nằm một chỗ từ nhiều năm nay. Tôi thường gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ của ông qua người con trai. Tôi hỏi 'Anh biết tôi là ai không?' nhưng không nhận được lời đáp. Tuy nhiên tôi biết ông vẫn nhận ra mình.
Để chăm sóc bố cậu ấy cũng đã phải nghỉ việc kinh doanh dành thời gian chăm cho cha nhiều hơn. Khoảng vài năm nay ông cũng chỉ ăn qua đường xông, tôi rất thương. Cách đây không lâu tôi trực tiếp về gặp ông. Bây giờ sức khoẻ ông đã yếu, việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ông cũng không biết gì nhưng ông còn sống, sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Đại tá Bùi Văn Tùng xứng đáng. Người anh hùng thật sự không thể bị che lấp, danh hiệu Anh hùng đối với ông sẽ là một ghi nhận công bằng. Nếu ông mất đi mới nhận được thì đó là điều tôi trăn trở nhất", đạo diễn Phạm Việt Tùng trải lòng.
Vị đạo diễn này cũng chia sẻ tiếp, nhiều năm trời ông đã tìm kiếm những hình ảnh, phim, tài liệu, chứng cứ, tư liệu, nhân chứng... để câu chuyện được kể đúng như những gì đã diễn ra buổi trưa 30/4/1975 ấy.
"Tài liệu đều đã tìm thấy, nhân chứng đã kể chuyện, tôi đã làm phim… Để làm được những thước phim công chiếu 70 phút tôi phải đi đêm về hôm, làm nhiều lần suýt chết, lần mò chất liệu cho đúng. Tôi yêu nước, tôi chỉ muốn dân tộc có lịch sử đúng.
Lịch sử của dân tộc chứ không phải cá nhân nào, từ đó tôi tìm cốt lõi, tìm được sự thật. Đại tá Bùi Văn Tùng là anh hùng trong lòng dân, không chỉ trong nước mà thế giới, đó là sự thật. Ông là người có học, được nhiều người kính trọng", vị đạo diễn bày tỏ.
Ngoài ra, theo đạo diễn Phạm Việt Tùng, khi làm sự kiện xe tăng 390, tinh thần yêu nước cùng với việc đã được sống trong những ngày đi phục vụ Bác Hồ, ông nhận thức đúng mọi vấn đề.
"Trong cuộc đời tác nghiệp của tôi, tôi có một người thầy suốt đời đó là Bác Hồ, vì tôi đã được đi theo trong đội ngũ phục vụ Bác từ khi còn rất trẻ. Chúng tôi có nhiều sai sót, vấp váp, Bác bảo: "Có ai mà không sai đâu, vấn đề là có biết sửa sai hay không". Người anh hùng thật sự không thể bị che lấp, danh hiệu Anh hùng đối với ông sẽ là một ghi nhận công bằng", đạo diễn Phạm Việt Tùng nói thêm.
Trước đó, ngày 4/4/2022, đạo diễn Phạm Việt Tùng cùng một nữ đồng nghiệp biên kịch phim "Chuyện thật trưa 30/4/1975" đến Văn phòng Chủ tịch nước để gửi thư kiến nghị kể trên đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thư, đạo diễn Phạm Việt Tùng nêu căn cứ để ông kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo "xét thành tích cống hiến qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của đại tá - chính ủy Bùi Văn Tùng, xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Bùi Văn Tùng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.