Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc.
Tên lửa dài 30 mét và nặng 22 tấn bắt đầu gây ra lo ngại khi đạt vận tốc quỹ đạo, nghĩa là nó quay quanh Trái đất sau mỗi 90 phút, quá nhanh để bất cứ cơ quan vũ trụ nào có thể dự đoán chính xác điểm rơi.
Các chuyên gia dự đoán một phần tên lửa Trường Chinh 5B sẽ không cháy hết trong bầu khí quyển, vẫn còn mảnh vỡ nặng tới 4 tấn rơi xuống Trái đất.
Việc Trung Quốc không kiểm soát được điểm rơi của tên lửa dẫn đến những mối lo ngại về kịch bản tồi tệ nhất. Nếu tên lửa rơi xuống khu đông dân cư, kết quả sẽ giống như máy bay đâm xuống đất với các mảnh vỡ rải rác ở phạm vi 160km, Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard, nói.
Tuy vậy, nhiều khả năng mảnh vỡ tên lửa sẽ không gây ra thiệt hại đáng kể cho người và của. Đó không phải là nhờ các biện pháp đối phó hay phòng vệ, chỉ đơn giản là tính toán của các nhà khoa học.
Đối với sự kiện tên lửa rơi xuống Trái đất mất kiểm soát như trên, không thể dự đoán chính xác vị trí hoặc nơi các mảnh vỡ của vật thể đó rơi xuống, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) nói.
Đó là do mật độ khí quyển sẽ làm thay đổi đáng kể điểm rơi của tên lửa kể từ độ cao 300km.
Ở thời điểm tính toán, tên lửa Trường Chinh 5B hiện đang rơi ở độ cao 170-370km, giảm 160km so với ngày hôm trước. Trên thực tế, 75% bề mặt Trái đất là nước và có những khu vực không có người sinh sống. Khả năng để tên lửa Trung Quốc rơi xuống khu dân cư còn thấp hơn nguy cơ tai nạn khi lái xe ô tô.
“Trường hợp tồi tệ nhất là một trong những mảnh vỡ rơi trúng ai đó, có khả năng sẽ gây tử vong, nhưng con số thương vong sẽ không quá lớn”, ông McDowell nói. Các mảnh vỡ tên lửa cũng có thể gây thiệt hại tài sản.
Vấn đề rác thải vũ trụ đang ngày càng trầm trọng hơn khi các quốc gia trên thế giới chạy đua khám phá không gian. Các chuyên gia cảnh báo đến một ngày, các vụ phóng tên lửa từ Trái đất sẽ không thể thực hiện được vì các mảnh vỡ tạo thành một lớp không thể xuyên thủng ở tầng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.