Chuyên gia hiến kế bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt sau vụ “khoai tây mạo danh”
Chuyên gia hiến kế bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt sau vụ “khoai tây mạo danh”
Văn Long
Thứ năm, ngày 26/09/2024 13:03 PM (GMT+7)
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt trước thực trạng nhiều loại nông sản bị mạo danh, gắn mác “nông sản Đà Lạt” để “qua mặt” cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Sáng 26/9, tại TP. Đà Lạt, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND TP. Đà Lạt tổ chức Tọa đàm Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Buổi tọa đàm đã đưa ra nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như của cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Quang cảnh buổi Tọa đàm Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" là thương hiệu chung cho nông sản và nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận có chung khí hậu, thổ nhưỡng sản xuất nông sản công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn nông sản sạch, an toàn. Thương hiệu này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vào năm 2017.
Đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh được cấp quyền sử dụng thương hiệu. Trong quá trình phát triển và bảo vệ thương hiệu này, cơ quan quản lý nhà nước đã gặp không ít khó khăn trước nhiều thủ đoạn tinh vi của các cá nhân, tiểu thương.
Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra 8 điểm kinh doanh rau củ trên địa bàn hai huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương. Tại các cơ sở kinh doanh này, nhiều tấn khoai tây không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã được trộn đất đỏ Đà Lạt, đóng gói nhằm giả danh thương hiệu "nông sản Đà Lạt".
Hành vi trên không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân sản xuất chân chính mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt nói chung. Ngoài ra, chất lượng của các nông sản nhập khẩu không đảm bảo là yếu tố làm mất uy tín của thương hiệu rau, củ, quả của tỉnh Lâm Đồng khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến quay lưng với nông sản Đà Lạt, khiến sản phẩm mất tính cạnh tranh, suy giảm doanh thu.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Tuy nhiên, trên thực tế, những có những "hạt sạn" không đáng có. Nếu tất cả các ngành chức năng vào cuộc để quản lý, bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt thì thương hiệu ngày càng khẳng định được trên thị trường.
Chính vì vậy, việc bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt sẽ giúp chống gian lận thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế".
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thiện – Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt cho biết, thành phố Đà Lạt đang phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia có nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.
Mục tiêu của chiến lược này là quảng bá thương hiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín và chất lượng các sản phẩm nông sản Lâm Đồng, khẳng định vị thế của thương hiệu "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" trên thị trường quốc tế.
Đến nay, sản lượng và giá trị của nông sản Đà Lạt đã và đang đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy đạt 5.600 tỷ đồng (trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 3.694 tỷ đồng).
Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt đạt hơn 7.200 ha, chiếm 67,3% tổng diện tích canh tác. Nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất và chất lượng của các sản phẩm như rau, hoa, cây đặc sản đã được nâng cao đáng kể, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) khuyến nghị, các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sản, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.
Song song với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra và phòng chống các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái...trên địa bàn các tỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Việc mạo danh nông sản Đà Lạt làm ảnh hưởng đến trải nghiệm không tốt khi sản phẩm đó không đảm bảo chất lượng như các sản phẩm được sản xuất tại Đà Lạt cũng như có thể sẽ gặp rủi ro về an toàn thực phẩm khi sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Tiếp theo người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chân chính có nguy cơ bị giảm sản lượng tiêu thụ, đối mặt với tình trạng giảm doanh thu do sự cạnh tranh không công bằng từ sản phẩm giả mạo hoặc kém chất lượng.
Mặt khác, giá trị sản phẩm thật có thể bị giảm xuống do sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, đồng thời có thể phải chịu thêm chi phí để chứng minh tính chính hãng của sản phẩm, từ việc tạo nhãn mác chất lượng đến việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng.
Từ đó, người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể sẽ có những nhìn nhận tiêu cực khi mà sản phẩm được tạo ra với nhiều tâm huyết, công sức lại không được công nhận với giá trị thật, dẫn đến giảm sự quyết tâm sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.