Chuyên gia lý giải tại sao Indonesia bất ngờ bởi sóng thần

Tiểu Đào Thứ bảy, ngày 29/09/2018 10:50 AM (GMT+7)
Cơn sóng thần vào hôm qua (28.9) tại Indonesia có diễn biến phức tạp, khiến cho các nhà chức trách nước này bị nhầm lẫn, dẫn tới việc gỡ cảnh báo sớm trước khi sóng ập tới. Theo các chuyên gia, địa chất đặc biệt của khu vực là nguyên nhân chính của sai lầm tai hại này.
Bình luận 0

img

Người dân đi ngang qua các thi thể (được che bằng bạt xanh) vào hôm 29.9.2018 - một ngày sau khi thành phố Palu thuộc đảo Sulawesi (Indonesia) bị sóng thần tấn công. Ảnh: Ola Gondronk.

Trước khi sóng thần xảy ra, Cơ quan Khí tượng, Thời tiết và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đã đưa ra cảnh báo sớm cho người dân. Sau đó, lời cảnh báo này đã được rút lại dựa trên các phân tích về mức nước vào lúc ấy. Tuy nhiên, cảnh báo rút được chưa lâu thì các cơn sóng lớn đã ập tới, tàn phá các khu vực ven biển.

Được biết, sóng thần thường được tạo ra bởi sự chuyển động đột ngột của các cơn động đất ngầm lớn tại đường ranh giới của các mảng kiến tạo. Ở Indonesia, động đất không phải là cái gì lạ lẫm. Lý do là quốc gia này nằm trên Vành đai Lửa – nơi diễn ra 90% trận động đất trên thế giới.

Thế nhưng, theo National Geographic, những con sóng của ngày hôm qua (28.9) lại có diễn biến bất thường, khác với dự đoán của các cơ quan khí tượng, thời tiết.

Cụ thể, trận động đất mạnh 7,5 độ magnitude dường như là kết quả của hiện tượng “lỗi trượt” (strike-slip fault) – xảy ra khi hai mảng kiến tạo trượt qua nhau theo bề ngang. Trong khi đó, sóng thần được tạo ra khi các mảng kiến tạo “cọ sát” theo chiều dọc, khiến cho dòng nước bên trên bị tác động và kết quả là những cơn sóng siêu lớn hình thành, đổ ập vào bờ.

“Đây chắc chắn là một điều bất ngờ”, ông Baptiste Gombert – nhà địa vật lý học tại trường Đại học Oxford cho biết.

img

Vị trí đảo Sulawesi, thành phố Palu và vịnh Tomini trên bản đồ. Ảnh: Google Maps.

Bên cạnh đó, ông Gombert cũng lưu ý rằng địa chất của Indonesia cực kỳ phức tạp. Theo đó, quốc gia này nằm trên một mạng lưới chằng chịt các rãnh nứt gãy khác nhau nên việc tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây nên trận động đất và sóng thần vừa rồi là một thử thách.

Tuy nhiên, dựa trên các kết quả phân tích sơ bộ của hiện tại, cơn sóng thần đánh vào đảo Sulawesi có thể đã được tạo ra bởi một số chuyển động dọc tại vết nứt gãy. Bên cạnh đó, lở đất – dù ở mặt ngầm hay ở bờ biển – cũng là một nhân tố khiến vùng nước ở vịnh Tomini bị tác động, gây ra những cơn sóng lớn tới 3m.

Còn theo bà Janine Krippner – một chuyên gia núi lửa thuộc trường Đại học Concord, địa lý giới hạn của vịnh Tomini cũng là một phần nguyên nhân của sóng thần.

“Khi nước từ 1 khu vực rộng đẩy vào khu vực hẹp, độ cao của cơn sóng cũng được đẩy lên”, bà Krippner viết trên Twitter.

Tuy nhiên, bà Krippner cũng nhấn mạnh rằng cho tới thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều thông tin, dữ liệu chưa rõ ràng nên phải cần thêm thời gian mới có kết luận chính xác về nguyên nhân gây sóng thần tại đảo Sulawesi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem