Chuyên gia: Mỹ chơi trò "hai mặt" với Nga ở Crimea

Thứ ba, ngày 17/03/2015 21:00 PM (GMT+7)
Các chuyên gia phân tích lý giải thái độ thù địch của Mỹ và châu Âu đối với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Bình luận 0

Ngày 16/3, hãng tin Sputnik của Nga đã phỏng vấn nhiều chuyên gia quốc tế và đi đến kết luận rằng Mỹ cùng các quốc gia châu Âu đang chơi trò “hai mặt” với Nga sau khi kế hoạch bố trí một căn cứ quân sự ở bán đảo Crimea sụp đổ.

Bán đảo Crimea đã được sáp nhập vào lãnh thổ Nga đúng một năm trước đây, và sau động thái này của Moscow, Mỹ và phương Tây đã lập tức áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế nặng nề để trừng phạt Nga vì đã “xâm phạm lãnh thổ Ukraine”.

Chơi trò "hai mặt"

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế lại nhận định rằng động cơ thực sự của phương Tây đằng sau các lệnh cấm vận trên là sự tức tối khi kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của họ trên bán đảo Crimea sụp đổ bởi hành động sáp nhập của Nga.

img
Một người Nga vẫy cờ ở cảng Sevastopol kỷ niệm 1 năm Crimea được sáp nhập vào Nga

Ông Marcus Papadopoulos, chuyên gia chính trị Anh và là tổng biên tập tờ Politics First nhận định: “NATO rất muốn có một căn cứ quân sự ở Crimea hoặc ở Sevastopol, bởi điều đó đồng nghĩa với việc vị thế của Nga ở Biển Đen sẽ bị xóa bỏ đáng kể. Người Mỹ từ lâu đã nuôi tham vọng đối với Crimea, và giờ đây giấc mơ đó đã sụp đổ vĩnh viễn”.

Còn chuyên gia phân tích quốc tế Srdja Trifkovic, cựu cố vấn của 2 tổng thống Serbia thì cho rằng Mỹ luôn coi toàn bộ không gian hậu Xô Viết là một sân chơi địa chính trị với kình địch Nga, và mục tiêu cuối cùng của trò chơi này là thay đổi chế độ ở Moscow.

Theo ông Trifkovic, các tham vọng quân sự và trò chơi hai mặt luôn là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông nhắc lại rằng vào năm 1990, cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã thay mặt Tổng thống  George H.W. Bush đảm bảo với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không tiến về phía đông nếu Liên Xô chấp nhận sự thống nhất của nước Đức.

Thế nhưng sau đó, NATO đã dần dần thực hiện chiến dịch “Đông tiến”, và giờ đây các quốc gia vùng Baltic đều trở thành thành viên của khối quân sự này, nơi Mỹ có thể triển khai các loại vũ khí hạng nặng ngay sát nách Nga.

“Bởi vậy những ai nghĩ rằng NATO không muốn biến Sevastopol thành một căn cứ hải quân Mỹ cần phải xem lại điều này. Và nếu họ vẫn khăng khăng rằng NATO không hề có ý đó, thì họ chỉ là những kẻ mơ hão”, vị giám đốc Trung tâm Sự kiện Quốc tế thuộc Viện Rockford chia sẻ.

img
Hạm đội Biển Đen của Nga đóng ở quân cảng Sevastopol

 

Ông Papadopoulos thì cho rằng căn cứ hải quân Sevastopol ở Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược rất lớn và đã lọt vào tầm ngắm của Mỹ trong suốt 20 năm qua. Ông nói: “Sevastopol là căn cứ hải quân tuyệt vời nhất trên thế giới. Tham vọng của NATO nuốt trọn căn cứ này đã không thể thành hiện thực khi Crimea về với Nga”.

Crimea trở thành công cụ gây sức ép

Theo các chuyên gia phân tích, sức ép mà phương Tây tạo ra đối với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea là một minh chứng cho thấy tính hai mặt của chính trị, nếu so với những gì đã diễn ra với khu vực Kosovo ở Serbia.

Các chuyên gia này chỉ ra rằng tiền lệ về việc thay đổi đường biên giới ở châu Âu được quốc tế thừa nhận sau Thế Chiến II đã được NATO thực hiện ở Kosovo vào năm 1999. Theo ông Trifkovic, quyền của Nga sáp nhập bán đảo Crimea từng là lãnh thổ của họ từ thời Catherine Đại đế còn chính đáng hơn việc người Albania ở Kosovo tách tỉnh này thành một nước cộng hòa tự trị.

Chuyên gia Papadopoulos cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và hủy hoại các cơ chế của Liên Hợp Quốc “khi họ tách Kosovo ra khỏi Serbia và biến nó thành một quốc gia độc lập”.

img
Các quân nhân Nga duyệt binh tại quân cảng Sevastopol, Crimea

 

Theo các chuyên gia này, mặc dù 96% người dân Crimea quyết định tách khỏi Ukraine để trở về với Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng phương Tây vẫn không thừa nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu này, và họ sẽ không chịu từ bỏ “công cụ gây sức ép với Nga” này ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine đã được giải quyết.

Ông Trifkovic giải thích: “Crimea là một công cụ quá tiện lợi cho họ để đánh vào Nga, để tiếp tục cấm vận Nga, ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine đã được giải quyết hòa bình. Tôi cho rằng phương Tây sẽ không bao giờ thừa nhận Crimea là của Nga vì đơn giản họ muốn giữ một vũ khí để có thể tiếp tục trừng phạt, chỉ trích Nga và ‘quỷ hóa’ ông Putin bất cứ khi nào họ muốn”.

Trong bộ phim tài liệu “Crime: Đường về nhà” được đài Rossiya-1 phát trên truyền hình hôm Chủ nhật vừa rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lý giải động cơ của Nga đằng sau chính sách sáp nhập Crimea. Ông Putin nói rõ rằng hành động của Nga ở Crimea chỉ là tự vệ và chủ yếu nhằm bảo vệ những người nói tiếng Nga ở bán đảo này.

Các chuyên gia kết luận: “Đối với người Mỹ và châu Âu, họ nhiều khả năng sẽ không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, nhưng thực tế nó là một phần của Nga, và không có gì có thể thay đổi được điều đó”.

Trí Dũng (Theo Sputnik)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem