Tại ASIAD 2010 và 2014, TTVN chỉ giành được 1 HCV. Vậy ông nghĩ sao về mục tiêu giành 3-5 HCV ASIAD 21018?
- Theo tôi, tại ASIAD 2018, đoàn TTVN có 10 môn, trong đó có khoảng 12 vận động viên (VĐV) có thể tranh chấp HCV. Lực lượng dự ASIAD lần này mạnh hơn ASIAD 2010 và 2014, có khả năng và độ tin cậy cao hơn. Đây là thành quả của việc chuyển hướng sang đầu tư trọng điểm các môn thi đấu trong chương trình Olympic từ năm 2015.
Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn là những “niềm hy vọng Vàng” ASIAD. Ảnh: I.T
Nói về cơ hội của “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên tại ASIAD 2018, ông Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: “Ở nội dung 200m, 400m hỗn hợp nữ, Ánh Viên vẫn còn thua VĐV Trung Quốc, Nhật Bản từng vô địch Olympic, vô địch thế giới nên để cạnh tranh HCV là rất khó. Nhưng hơn hết, sự tiến bộ của Ánh Viên suốt những năm qua đã là rất phi thường. Thời tôi làm, chỉ ước có VĐV bơi lội vươn tới tầm châu lục, lọt vào tốp 3-5 mà thôi”.
|
Thành công tại 2 kỳ SEA Games 2015, 2017 và đặc biệt là tấm HCV Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với đoàn TTVN. Tất cả nói lên chúng ta đã và đang đi đúng hướng, trình độ VĐV tiến bộ nhanh, giành được nhiều tấm huy chương châu lục và thế giới những năm qua. Nghĩa là căn cứ vào tình hình thực tế, có cơ sở để đặt chỉ tiêu 3-5 HCV.
Theo ông, đâu là những nhân tố có nhiều khả năng mang vinh quang về cho Tổ quốc?
- Có thể kể đến niềm hy vọng số 1 là Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh, HCB ASIAD 2014). Ở nội dung nhảy xa nữ, Thảo đã đạt tới thông số 6,68m, giành HCV SEA Games 2017. Thành tích này của cô khá an toàn so với thông số dao động từ 6,47m đến 6,55m của đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Maria Londa (Indonesia).
Tiếp theo là nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh. Nhưng cũng phải lưu ý rằng sau kỳ tích Thế vận hội cách đây 2 năm, Xuân Vinh đã có một kỳ SEA Games 2017 không như ý và hy vọng anh sẽ thể hiện được bản lĩnh, sự ổn định ở Á vận hội.
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn cũng là một gương mặt sáng giá. Có một điều bất lợi cho Tuấn là mới đây, Liên đoàn Cử tạ thế giới đã xóa án doping sớm 2 tháng đối với các lực sĩ Trung Quốc. Sự có mặt của họ tại ASIAD cùng với đối thủ mạnh của CHDCND Triều Tiên ở hạng 56kg nam sẽ khiến con đường chinh phục đỉnh cao của Tuấn khó khăn hơn.
Ngoài 3 trường hợp kể trên, có thể nhắc tới đương kim vô địch ASIAD Dương Thúy Vi (wushu), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ngoan (karatedo), Nguyễn Duy Tuyến (pencak silat)…
Năm nay, Indonesia đã đưa pencak silat vào thi đấu. Ông đánh giá ra sao về cơ hội của các võ sĩ Việt Nam?
- Pencak silat của ta mạnh, từng thắng Indonesia ở nhiều giải đấu nhưng lần này chỉ đăng ký 1 HCV cũng có lý do của nó. Mỗi nội dung thi đấu chỉ có 1 HCV và anh phải là người giỏi nhất, hơn hẳn đối thủ. Đây là cái khó khi nước chủ nhà thường nhận được sự ưu ái từ các trọng tài, đặc biệt ở các nội dung biểu diễn quyền.
Ông có thể dự đoán về những bất ngờ mà TTVN có thể làm được tại ASIAD 2018?
- Tôi muốn nhắc lại câu chuyện của võ sĩ karatedo Lê Bích Phương tại ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc). Tại Á vận hội cách đây 8 năm, giới chuyên môn đã tính tới phương án “trắng tay” nhưng Lê Bích Phương đã bất ngờ tỏa sáng giành tấm HCV nằm ngoài dự kiến.
Xa hơn, tại ASIAD 2006 (Doha-Qatar) khi tôi là Trưởng đoàn TTVN, chúng ta đặt mục tiêu giành 5 HCV. Chúng tôi tin tưởng vào “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, cơ thủ Dương Anh Vũ, lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách nhưng tất cả những niềm hy vọng ấy đều chỉ giành HCB. Tuy nhiên, bất ngờ có thể đến bất kỳ lúc nào và không thể nói chắc chắn điều gì trong thể thao.
Căn cứ vào thành tích so với các đối thủ, đặc biệt ở những môn, nội dung có những nhà vô địch châu Á hoặc vô địch thế giới, phần ta vượt trội họ là không có. Còn phần chúng ta tương đương hoặc thấp hơn họ một chút thì có nhiều.
Tóm lại, tôi nghĩ với lực lượng của đoàn TTVN dự ASIAD 2018, việc hoàn thành chỉ tiêu giành 3-5 HCV là hoàn toàn khả thi. Nhưng cũng có thể chúng ta “trắng tay” nếu thiếu may mắn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.