Chuyên gia tâm lý đọc vị kẻ đánh bom vào rạp chiếu phim

Thứ hai, ngày 27/01/2020 12:33 PM (GMT+7)
Khi 1.500 khán giả đang chú ý lên màn ảnh, quả bom phát nổ khiến cả rạp chiếu phim chìm trong cột khói và tiếng la hét.
Bình luận 0

Cuộc đánh bom vào rạp chiếu phim tại quận Brooklyn, thành phố New York xảy ra vào tối tháng 12/1956. Nghi phạm đã rạch vải bọc ghế ngồi và nhét quả bom xuống dưới.

Đây không phải là lần ra tay đầu tiên của kẻ đánh bom bí ẩn tại New York. Từ năm 1940, kẻ này đã đặt 32 quả bom tự chế tại các khu vực công cộng như rạp chiếu phim, ga tàu điện ngầm, trạm trung chuyển xe bus và thư viện, làm bị thương 15 người. Hắn còn gửi thư tới báo chí để bày tỏ sự thù ghét với công ty điện Consolidated Edison, dưới mỗi bức chỉ được ký tên "F.P.". Theo New York Journal-American, F.P. là "mối đe dọa lớn nhất mà thành phố New York phải đối diện từ trước tới nay".

Tuy nhiên, Sở cảnh sát New York, lực lượng cảnh sát lớn nhất, đáng gờm nhất tại nước Mỹ không thể tìm ra bất cứ manh mối đáng kể nào. Ban đầu, các quả bom của F.P. còn thô sơ, nhưng từ năm 1956 trở đi, kỹ thuật chế bom của F.P. cho thấy tay nghề hắn đã được nâng cao tới mức chết người. Cuộc chạy đua với thời gian khiến nhà chức trách phải tìm tới biện pháp chưa từng được cân nhắc trong lịch sử của Sở Cảnh sát New York.

Năm 1956, đội trưởng Howard Finney, người được giao phụ trách truy tìm F.P., đã tìm gặp James Brussel, chuyên gia tâm thần học có chuyên môn về tư duy tội phạm. Howard cho rằng nếu chứng cứ pháp y không thể dẫn tới F.P, có lẽ James có thể phác họa chân dung tâm lý của kẻ đánh bom, từ đó làm sáng tỏ cuộc đời của kẻ đánh bom.

img

Chuyên gia tâm thầm học James Russel. Ảnh: The New Yorker.

Sau chút do dự ban đầu, James đồng ý ứng dụng lý thuyết tâm thần học để giúp cảnh sát trong cuộc tầm nã tội phạm lớn nhất trong lịch sử New York. Theo James, chuyên gia tâm thần học thông thường sẽ đánh giá bệnh nhân cụ thể, từ đó suy đoán phản ứng của họ khi phải mâu thuẫn cuộc sống. Nhưng trong vụ án này, James thử làm ngược lại, cố suy luận con người của F.P. thông qua hành vi đã biết, từ đó xác định giới tính, chủng tộc, ngoại hình, tính cách, và mâu thuẫn nội tâm của kẻ đánh bom.

Trước mặt James là tất cả vật chứng mà cảnh sát có về tên đánh bom: những bức thư với câu văn khác thường, ảnh chụp các quả bom xịt, và biên bản ghi chép sự việc được tập hợp trong vòng 16 năm.

Sau hai tiếng xem xét vật chứng, James bắt đầu đưa ra bức phác họa chân dung đại khái về kẻ đánh bom. Theo James, F.P. mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng vì hắn có vẻ tràn đầy sự hận thù với công ty điện Consolidate Edison, đồng thời cho rằng có kẻ cấu kết hại mình. James nói người hoang tưởng thường ôm mối hận thù rất lâu với những chủ thể bị cho là có ý đồ xấu, trong khi người bình thường sẽ hết giận sau một thời gian.

Theo James, chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng sẽ dần phát triển theo chiều hướng xấu và ngày càng làm người bệnh mất minh mẫn. Hầu hết người bị hoang tưởng không thể hiện đầy đủ các triệu chứng cho tới sau tuổi 35. James vì thế lập luận, nếu F.P. ở tầm tuổi 35 khi đặt quả bom đầu tiên vào năm 1940, hiện tại hắn ít nhất sẽ khoảng 45 tuổi hoặc hơn.

James đoán kẻ đánh bom có thân hình cân đối, không quá gầy, không quá béo vì dựa vào một nghiên cứu về mối tương quan giữa hình dạng cơ thể và tình trạng bệnh lý, được thực hiện trên 10.000 bệnh nhân. Nghiên cứu của Ernst Kretschmer, nhà tâm thần học người Đức, cho thấy đại đa số người bị hoang tưởng (tỉ lệ là 17/20) có cơ thể như vận động viên với dáng người tầm thước hoặc cao ráo, khung xương cân đối.

F.P. có nhu cầu khẳng định sự siêu việt bằng cách chú trọng tới trật tự của mọi vật vì trong những lá thư gửi tới báo chí, hắn dùng chữ in hoa rõ nét, không có bất cứ vết nhòe mờ hay tẩy xóa. Chữ viết tay của F.P. có hai đặc trưng nổi bật: Chữ G có hai nét gạch ngang song song, chữ Y có nét dọc uốn cong.

img

Chữ G và chữ Y có kiểu viết lạ thường. Ảnh: The New Yorker.

Trong công việc, James nhận định F.P. gương mẫu, luôn đến đúng giờ, hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất, không đánh nhau hoặc say xỉn. F.P. đã sống cuộc đời kiểu mẫu cho tới khi gặp phải "sự bất công" nào đó. Nét tính cách này cũng thể hiện ra bên ngoài. F.P. là có bề ngoài trau chuốt, sạch sẽ, râu ria cạo sạch, không đeo trang sức hoặc mặc đồ quá lòe loẹt. F.P. là người lịch sự, trầm tính, xa lánh xã hội vì người hoang tưởng khó tin người.

Tuy nhiên, James để ý thấy, một người kỹ tính như F.P. lại có hành động thừa thãi như rạch ghế, nhét bom và cắm dao vào trong lỗ thủng. Từ đây, James cho rằng F.P. dường như có vấn đề về tình dục, có thể bị phức cảm Oedipus – giả thuyết của Sigmund Freud cho rằng con trai yêu mẹ, ghét bố và những chủ thể có quyền lực như bố. Từ đó, James suy đoán kẻ đánh bom ít quan tâm tới phụ nữ, chưa kết hôn, có thể sống với người thân thích là nữ giới lớn tuổi.

Ngoài ra, trong thư, F.P. thường dùng những cụm từ cổ xưa, rườm rà, thiếu vắng các từ lóng trong tiếng Anh, cho thấy hắn có vẻ là người ngoại quốc nhập cư hoặc có gốc ngoại quốc. Theo James, F.P. có khả năng là người Slav (nhóm chủng tộc tại khu vực Ấn Âu) vì bom là loại vũ khí thường được dùng tại khu vực Trung Âu. Ngoài ra, vì phần lớn các thư được gửi từ quận Westchester, nằm giữa thành phố New York và bang Connecticut, nhiều khả năng F.P. sống tại bang Connecticut, nơi đông đảo người Slav định cư.

Cuối cùng, James còn đoán rằng nếu bị bắt, F.P. sẽ mặc áo khoác có hai hàng khuy được cài ngay ngắn.

Bốn tiếng gặp mặt với James trôi qua, thanh tra Howard dần mường tượng ra được đặc điểm của kẻ đánh bom: một kẻ cô độc tầm tuổi trung niên, tính cách cầu kỳ, xuất thân người Slav, từng bất hòa với hàng xóm và đồng nghiệp. Nhiều khả năng hắn sống với người thân thích lớn tuổi là nữ giới tại bang Connecticut, tỏ ra ghét bỏ công ty Consolidated Edison và các thể chế quyền lực.

img

Những quả bom do F.P. chế tạo ngày càng phức tạp và chết người. Ảnh: The New Yorker.

Dù nguyên tắc điều tra về F.P. là giữ bí mật, James vẫn đề nghị cảnh sát đăng tải toàn bộ giả thuyết trên lên báo chí. Theo James, những suy đoán sai trong giả thuyết sẽ bắt F.P. phải hồi đáp vì hắn muốn được người khác công nhận.

Song song với việc làm theo lời James, thanh tra Howard còn cùng báo chí ra lời kêu gọi F.P. đầu thú vào tháng 1/1957. Cảnh sát nói sẽ cho F.P. được lên tiếng về nỗi bất bình với công ty Consolidated Edison và hứa hẹn "phiên xét xử công bằng".

Đúng như suy đoán của James, F.P. viết thư hồi âm. Trong thư, F.P. để lộ một số tình tiết như hắn bị thương tích khi làm việc tại nhà máy Consolidated Edison vào ngày 5/9/1931 và bị tổn thương vĩnh viễn. Theo F.P., hắn phải tự trả chi phí điều trị, trong khi yêu cầu đòi bồi thường tai nạn lao động bị Consolidated Edison từ chối.

Dựa trên chi tiết này, cảnh sát cùng nhân viên công ty Consolidated Edison rà soát lại những trường hợp công nhân bị thương tích và đe dọa sẽ gây thiệt hại. Cuối cùng, họ tìm thấy hồ sơ của George Metesky, thợ điện máy từng làm tại đây trong năm 1929-1931. Yêu cầu đòi bồi thường của George cũng có chứa những cụm từ rườm rà, cổ xưa như trong thư F.P. gửi tới báo chí.

Với lệnh bắt giữ, cảnh sát tới nơi cư trú của nghi phạm tại thành phố Waterbury, bang Connecticut vào ngày 21/1/1957. Trước mặt cảnh sát là George, người đàn ông trung niên với dáng người trung bình, có giọng nói của người gốc Lithuaniana, quốc gia thuộc khu vực Ấn Âu. Ông ta sống chung nhà với chị gái không chồng, chưa bao giờ có bạn gái. Theo hàng xóm, George là người kỹ tính và thường hay chấp vặt.

img

George chọn mặc áo vét cài hai hàng cúc khi bị bắt giữ, đúng như James dự đoán. Ảnh: AP.

Gặp George, cảnh sát yêu cầu ông ta tự viết tên ra giấy. Chữ cái George và Y hiện ra giống những gì James đã chỉ ra. Khi được hỏi "F.P" nghĩa là gì, George trả lời là "chơi đẹp" ("fair play"). Cảnh sát cuối cùng có thể bắt giữ được George, chấm dứt 16 năm khủng bố của "kẻ đánh bom điên".

Khi bị thẩm vấn, George có thể khai đúng địa điểm và thời gian đặt 32 quả bom. Về động cơ gây án, George nói vì mắc bệnh lao phổi sau khi gặp tai nạn lao động nhưng không được công ty Consolidated Edison hỗ trợ. Do việc đặt bom phá hoại công ty cũ không được báo chí nhắc tới, George mới bắt đầu đánh bom tại nơi công cộng để thu hút chú ý. George cũng cho biết không đánh bom trong lúc Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ II vì lý do "ái quốc", bản thân từng là lính thủy đánh bộ.

Dù đánh bom làm bị thương 15 người, George không bị đưa ra xét xử vì được đánh giá là mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, không đủ năng lực trách nhiệm hành vi hình sự. Cuối cùng, tòa án tuyên phạt George phải trị bệnh bắt buộc trong bệnh viện tâm thần vào ngày 18/4/1957.

Trong thời gian bị bắt buộc chữa bệnh, George là phạm nhân kiểu mẫu. Ông ta thường được chị gái và đôi khi cả James tới thăm. Nói chuyện với James, George cho biết đã chủ đích chế tạo bom sao cho không gây thương vong.

img

George cười tươi sau song sắt trại giam thành phố Waterbury, bang Connecticut. Ảnh: AP.

Tới tháng 12/1973, George được tòa án nhận định không còn nguy hiểm cho xã hội nên được trả tự do với điều kiện đi khám thường xuyên tại bệnh viện được tòa chỉ định. Trong lần phỏng vấn sau đó, George nói đã từ bỏ bạo lực nhưng vẫn thù oán công ty Consolidated Edison. Sau khi được tự do, George trở về nhà tại thành phố Waterbury, bang Connecticut và chết ở tuổi 90.

Thành công của James trong vụ án của George đã giúp mở ra hướng đi mới trong khoa học tội phạm hình sự. Dựa trên lý thuyết của James, FBI đã nghiên cứu, xây dựng phương pháp lập hồ sơ kẻ phạm tội ("criminal profiling"), giúp bắt giữ tội phạm nguy hiểm, bao gồm kẻ giết người hàng loạt.

Quốc Đạt (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem