Những người sáng lập NutiFood nói rằng "sữa đã chọn họ" và để họ gắn bó một cách tự nhiên bằng trách nhiệm với cộng đồng của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng từ gần 20 năm trước.
Thầy thuốc kể chuyện khởi nghiệp
Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood, thời đó còn làm ở Trung tâm dinh dưỡng TP HCM kể rằng vào những năm bao cấp bị cấm vận, ngành y tế vô cùng thiếu thốn, bệnh nhân sau mổ khó bảo đảm được dinh dưỡng vì không có sản phẩm dinh dưỡng truyền được qua ống thông thực quản.
Chiếc máy xay sinh tố- Biểu tượng của NutiFood.
Trước bế tắc này, các thầy thuốc dinh dưỡng đã dùng chính chiếc máy xay sinh tố làm máy nghiền, sử dụng mầm bắp làm men phân giải tinh bột, tạo ra một sản phẩm có thể đưa qua ống thông thực quản, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh. Giải pháp tình thế đó như một cứu cánh cho cả ngàn người bệnh, gần như ngay lập tức, sản phẩm được cung ứng cho các bệnh viện với tình trạng cung không bao giờ đủ cầu.
Thời kỳ đó, để đáp ứng nguồn nguyên liệu, các thầy thuốc mỗi người vận động gia đình bán vàng góp đều nhau để lập nên một cơ sở sản xuất sản phẩm dinh dưỡng. Giá bán được xác định đơn giản, bằng giá thành “cộng thêm một số phần trăm lời”. Sản phẩm cũng không tổ chức phân phối.
Việc tạo ra sản phẩm dinh dưỡng truyền qua ống thông thực quản đã tạo ra động lực chính phát triển các sản phẩm sữa đặc trị, khi các thầy thuốc thực sự bước vào thị trường, bằng cách từ bỏ công việc Nhà nước, góp vốn lập Công ty NutiFood.
Vì là những thầy thuốc, chuyên gia dinh dưỡng, có thời gian tham gia điều trị, tiếp cận thực tế, lại có trải nghiệm của quá trình nghiên cứu và sản xuất nên họ am tường các yêu cầu, từ dinh dưỡng đến khẩu vị của người Việt Nam. Sản phẩm vì vậy phù hợp với thể trạng, khẩu vị người Việt Nam, khắc phục được nhược điểm biếng ăn của bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Chia sẻ bí quyết khiến sản phẩm được thị trường đánh giá cao, ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch HĐQT NutiFood cho rằng các thành phần dinh dưỡng cân đối một cách hợp lý nhất trong sữa là điều mà các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hiểu hơn ai hết để tạo ra một sản phẩm.
"Chính các bác sĩ của công ty chúng tôi là những người từng ngồi phòng khám, hàng ngày tiếp xúc với trẻ suy dinh dưỡng nên ai cũng trăn trở. Thời đó cứ ra đường là thấy trẻ suy dinh dưỡng, ai cũng muốn góp phần tạo ra một sản phẩm sữa đặc trị để giúp người Việt mình có thể trạng tốt hơn”, ông Hoà nhớ lại.
Theo ông Hoà, thực tế bằng thăm khám điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng nên các bác sĩ của công ty hiểu sâu sắc họ phải làm gì, cần làm như thế nào để điều trị cho bệnh nhân.“Mình không phải kinh doanh thuần túy nhưng thấy thị trường cần thì mình đáp ứng, có thể bán giá thấp, lời ít hơn cũng được", ông Hòa nói.
Đội ngũ tiếp thị sữa về nông thôn của NutiFood những ngày mới khởi nghiệp chưa lâu.
Cạnh tranh và vòng xoáy mới
Từ đồng vốn thuở sơ khai “đầu tuần góp vốn mua nguyên liệu, cuối tuần cùng tổng kết doanh thu” đi lên một công ty cổ phần, việc sản xuất kinh doanh mở rộng, có những lúc đội ngũ thầy thuốc- doanh nhân gần như sạch vốn vì chỉ tập trung vào nghiên cứu, sản xuất mà thiếu kinh nghiệm kinh doanh.Bà Lệ kể thời kỳ đó đa số là bác sĩ, dược sĩ, không ai có chuyên môn kinh doanh, họ vừa học vừa làm, ban ngày đi làm, tối về học.
"Chúng tôi phải học nhiều lắm để bổ sung cho chuyên môn mới, nào là quản trị nhân sự, quản trị bán hàng, rồi marketing, tài chính kế toán… Tất cả đều phải tập trung học vào buổi tối hết.Với riêng tôi, nói thật, thời gian rất dài, mười mấy năm, mỗi đêm tôi ngủ không quá 5 tiếng", bà Lệ kể.
Bên cạnh học, việc quản trị tài chính là phần chính yếu mà các nhà quản lý ở NutiFood đã sử dụng nhuần nhuyễn.Sự thận trọng của những thầy thuốc khi cọ xát với kiến thức và thực tiễn thị trường giúp doanh nghiệp luôn được đánh giá tín dụng tốt.Có thể nói, trong số các công ty cổ phần ở Việt Nam, NutiFood tự hào là một công ty thuần Việt.Những nhà quản lý ở đây gần như kiên định mục tiêu này, họ vẫn lặng lẽ từ chối các cơ hội hợp tác dù hấp dẫn.
Để giải quyết việc phát triển thị trường, các nhà quản lý NutiFood cũng đã sớm hình thành chủ trương xây dựng hệ thống tiếp thị chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm một cách căn cơ.
Giây chuyền sản xuất của NutiFood.
Qua nhiều thăng trầm và phát triển, NutiFood đã trở thành một thương hiệu mạnh trong nhìn nhận của người tiêu dùng đặc biệt các sản phẩm đặc trị của NutiFood được người tiêu dùng ưa chuộng và trở thành thế mạnh của NutiFood sơ với các đối thủ cạnh tranh.
Quy trình để một sản phẩm sữa đặc trị ra thị trường hết sức gian nan. Ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch HĐQT NutiFood cho biết, để cho ra đời được sản phẩm dành cho người bệnh tiểu đường, công ty phải mất nhiều năm mới nghiên cứu thành công. Do người tiểu đường ăn uống hạn chế sẽ thiếu 1 số chất, các vị bác sĩ của NutiFood đã nghiên cứu ra sản phẩm giúp cân bằng và ổn định chỉ số đường huyết.
Lúc đó, theo ông Hoà, chính lãnh đạo công ty phải phải đi thuyết phục từng nhân viên cùng với lãnh đạo tình nguyện tham gia thử nghiệm sản phẩm. Người thử nghiệm ngày nào cũng phải uống sữa rồi lấy máu thử chỉ số đường huyết GI. Mất cả năm trời khi thật sự hài lòng rồi sản phẩm mới được làm hồ sơ xin cấp phép và được đưa ra thị trường…
Thành công của startup đời đầu này là giải quyết được nhu cầu bức thiết của cộng đồng.Từ những chuyên gia dinh dưỡng không biết làm thị trường, nhưng nhờ cung cấp ra thị trường sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đáp ứng điều thị trường đang chờ đợi, họ đã làm nên kỳ tích.
Từ một công ty có quy mô vài chục tỷ đồng, kết thúc năm tài chính 2016, công ty có doanh thu gần 8000 tỷ, cùng với hệ thống phân phối rộng khắp, nhiều sản phẩm của NutiFood đang ở vị trí dẫn dầu thị trường.Doanh nghiệp đang từng bước thực hiện mục tiêu kinh doanh đạt 1 tỷ USD vào năm 2020. Hướng đi tập trung vẫn là giữ vững thị trường sữa đặc trị và mở rộng sản phẩm dinh dưỡng hàng ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.