Những năm đầu giữa thế kỷ 20, thủy thủ đoàn trên con tàu SS Ourang Medan của Hà Lan đã trở nên nổi tiếng theo cách không ai muốn. Họ đã chết trong tình huống kinh hoàng, bí ẩn trên một con tàu giữa đại dương. Nỗi kinh hãi khiến thi thể các thủy thủ vẫn mở to mồm, mắt không nhắm được.
Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với con tàu này không lâu sau khi tàu cứu hộ phát hiện ra, nó đã nổ tung.
Chuyện bắt đầu năm 1947 hoặc 1948, khi đó, Ourang Medan là tàu hơi nước chở hàng trọng tải 5.000 tấn, hoạt động đã 40 năm. Tàu đi qua Eo biển Malacca với 23 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có một thuyền trưởng và một số người lao động Indonesia.
Đột nhiên, tàu hàng Hà Lan Ourang Medan gửi tín hiệu cấp cứu SOS trong nỗi tuyệt vọng. Tín hiệu vô tuyến được các tàu gần đó bắt được. Trong số đó có tàu Silver Star của Mỹ đang ở Eo biển Malacca, khu vực nằm giữa Indonesia, Malaysia và Singapore.
Tin nhắn có nội dung: “Chúng tôi đang trôi. Tất cả sĩ quan, kể cả thuyền trưởng, đã chết, nằm trong phòng hải đồ và trên đài chỉ huy của thuyền trường, có lẽ toàn bộ thủy thủ đoàn đã chết… Tôi chết”.
Khi tàu Silver Star tới nơi vào ngày hôm sau, tàu Ourang Medan đứng im một cách kỳ lạ. Không có hơi nước bốc lên từ động cơ, không có tiếng kêu cứu. Một người dùng loa gọi để gây sự chú ý, nhưng đáp lại họ chỉ là sự im lặng.
Nhóm tìm kiếm lên tàu và phát hiện thi thể của thủy thủ đoàn. Mặt họ nhăn nhúm vì sợ hãi, miệng há to hết cỡ vì tiếng thét kinh hoàng, mắt họ cũng mở to như thể bị hóa đá. Ngay cả con chó trên tàu cũng chết trong tình trạng mồm há dở. Điều khiến thủy thủ đoàn kinh hoàng tới chết đã biến mất, không còn một dấu vết.
Người đánh tín hiệu vô tuyến để gửi tin nhắn cầu cứu vẫn còn ở cạnh thiết bị. Không ai có dấu vết bị thương bạo lực, nhưng họ lại trải qua cái chết đau đớn, cơ thể dị dạng.
Không có thời gian để điều tra về cái chết của thành viên tàu, cũng không có thời gian để thu gom thi thể vì không lâu sau khi thủy thủ đoàn tàu Silver Star lên tàu Ourang Medan, người ta nhìn thấy khói bốc lên từ hàng hóa trên tàu Ourang Medan. Thời gian chạy thoát chỉ còn tính bằng giây, thủy thủ đoàn cứu hộ vội quay về tàu Silver Star trước khi Ourang Medan nổ tung, để lại đằng sau câu chuyện bí ẩn suốt 80 năm.
Suốt nhiều năm, có vô số câu chuyện xuất hiện về số phận của tàu Ourang Medan và giống những bí ẩn khác trên đại dương, không rõ ranh giới sự thật và tin đồn.
Vấn đề đầu tiên với câu chuyện là không có bằng chứng cho thấy có một con tàu tên là Ourang Medan từng tồn tại. Tác giả viết sách lịch sử Michael East cho biết: “Không có hồ sơ tàu thuyền nào về con tàu có cái tên đó. Không ai từng nói họ biết con tàu hoặc phục vụ trên con tàu đó. Tương tự, ngày tháng và địa điểm xảy ra sự cố cũng không thống nhất”.
Một số câu chuyện nói rằng con tàu ở gần quần đảo Solomon, số khác lại nói xảy ra ở quần đảo Marshall. Nhà nghiên cứu Estelle Hargraves đã tìm ra lần đầu tiên vụ chìm tàu Ourang Medan được đề cập tới. Bà phát hiện ra một số lời trích dẫn của các sĩ quan hải quân Anh năm 1940 được đăng trên báo chí Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các bài báo này mô tả cuộc gọi khẩn cấp từ tàu Ourang Medan xin cứu trợ từ một bác sĩ và một tàu chiến.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này, tàu tới hỗ trợ thủy thủ đoàn Ourang Medan là một tàu buôn Anh, không phải là tàu Mỹ như kể trên và họ chỉ tìm thấy các thủy thủ đoàn thiệt mạng, không có con chó nào. Thông tin nhất quán duy nhất trong phiên bản này so với các phiên bản có sau là con tàu đã phát nổ và không thu hồi được gì.
Theo ông Michael East, nhân vật chính khiến câu chuyện về tàu Ourang Medan bị đồn thổi bí ẩn chính là một phóng viên tên là Silvio Scherli. Ông East nói: “Thông tin ban đầu bị những người khác, chủ yếu là Silvio Scherli, thêm mắm thêm muối để kiếm tiền từ sự việc”.
Năm 1948, tờ báo Hà Lan-Indonesia có tên là De Locomotief đã mô tả rằng tàu Ourang Medan nhổ neo từ cảng Trung Quốc tới Costa Rica để giữ bí mật lô hàng bất hợp pháp. Hành trình bí mật này do một người sống sót duy nhất trên tàu tiết lộ. Người còn sống là một người Đức, được một nhà truyền giáo tìm thấy khi dạt lên đảo san hô vòng Taongi trên quần đảo Marshall.
Theo một số thông tin, người này còn sống là vì đã bất chấp cảnh báo mà vẫn rời khỏi con tàu và cuối cùng tới được nơi an toàn. Người Đức này cuối cùng cũng chết vì vết thương nhưng trước khi chết, người này đã tiết lộ rằng con tàu chở theo axit sunphuric. Lô hàng bị xử lý không đúng cách và hơi thoát ra từ các thùng chứa đã thầm lặng giết chết thủy thủ đoàn và cuối cùng làm cho con tàu nổ tung. Người truyền giáo Italy phát hiện ra thủy thủ còn sống sót nói trên đã kể sự việc cho phóng viên Silvio Scherli.
Điều thú vị là năm 1940, Scherli làm việc ở Trieste – nơi bài báo ban đầu về sự việc được xuất bản năm 1940. Không ai có thể biết chắc rằng chính Scherli là người đưa tin về Ourang Medan năm 1940 và lại đưa tin tiếp về con tàu năm 1948.
Dần dần, chuyện về Ourang Medan được kể đi kể lại và mỗi lần lại được thêu dệt thêm một vài thông tin khác. Ngày tháng, địa điểm, thậm chí số phận của thủy thủ đoàn cũng thay đổi. Có phải hóa chất nguy hiểm đã giết chết thủy thủ đoàn? Có còn ai sống sót không? Liệu Ourang Medan có thực sự tồn tại hay chỉ có trong trí tưởng tượng của người kể chuyện và độc giả tò mò?
Ông East nói: “Tôi cho rằng con tàu đã chìm trong tình huống bí ẩn, nhưng có thể xảy ra thời Chiến tranh Thế giới thứ hai theo các tin tức năm 1940. Tuy nhiên, con tàu có thể không bao giờ được đặt tên là Ourang Medan và phóng viên Silvio Scherli nghe ngóng được tin tức, thêm thắt phần còn thiếu rồi tạo ra một câu chuyện mang tính giải trí”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.