William Wilmer là một trong những bác sĩ mắt nổi tiếng nhất ở thủ đô Washington, Mỹ vào đầu những năm 1900. Trong số các bệnh nhân của ông có 8 vị Tổng thống Mỹ, từ William McKinley cho đến Franklin Roosevelt. Ông cũng từng chữa mắt cho nhà hàng không nổi tiếng Charles Lindberg, trùm báo chí New York Joseph Pulitzer và vô số những nhân vật danh tiếng khác. Nhưng có lẽ điều khiến ông nổi tiếng hơn cả là câu chuyện mà ông tiết lộ với tạp chí Nhãn khoa Hoa Kỳ vào năm 1921, sau này được in thành một cuốn truyện ma.
Đó là câu chuyện có thật của một bệnh nhân mà bác sĩ Wilmer đã điều trị. Khi kể lại câu chuyện này, ông chỉ nhắc tới nhân vật chính với cái tên “Mrs. H” (Bà H) để bảo vệ quyền riêng tư của người đó.
Chuyện xảy ra vào năm 1912 rất nhanh sau khi “bà H” và gia đình bắt đầu chuyển tới một ngôi nhà cổ rộng lớn chưa có người ở trong suốt 10 năm. Ngôi nhà không có điện, chỉ được thắp sáng bằng đèn đốt và sưởi ấm bằng một lò sưởi cũ kỹ đặt dưới hầm.
Ngôi nhà cổ và những người không... tồn tại
Bác sĩ nhãn khoa William Wilmer.
Ngôi nhà cổ u sầu đã nhanh chóng phát tỏa ảnh hưởng kỳ lạ lên các cư dân mới của nó.
Ban đầu, bà H. nhận thấy sự yên tĩnh chế ngự hoàn toàn nơi này. Phần lớn sàn nhà được phủ một lớp thảm dày, gần như hút mọi âm thanh của những người phục vụ trong gia đình. Nhưng không được bao lâu, bà bắt đầu bị làm phiền bởi tiếng chân ầm ĩ của những người… không có mặt tại đó, hoặc ít nhất là những người đang tàng hình trước con mắt bà.
“Một buổi sáng, tôi nghe thấy tiếng bước chân trong căn phòng ngay trên đầu”, bà H. kể lại. “Tôi chạy vội lên gác, nhưng thật kinh ngạc, căn phòng trống không. Tôi đi sang phòng kế bên rồi tất cả các phòng trên tầng đó, rồi lên cả tầng trên nữa, nhưng tuyệt nhiên không có ai cả”.
Quyền năng kỳ lạ đó của ngôi nhà dường như lớn dần theo thời gian. Chẳng bao lâu cả gia đình bắt đầu cảm nhận những cơn đau đầu và kiệt sức. Mỗi khi họ ngả lưng xuống giường mong nghỉ ngơi lấy lại sức lực thì những cơn đau đầu và tình trạng mệt mỏi càng nặng nề hơn. Tất cả bọn trẻ cũng đều bị ảnh hưởng. Trông chúng nhợt nhạt, thường ốm mệt, ăn gì cũng không ngon.
Ngôi nhà cổ được xây từ thế kỷ 18. Ảnh minh họa
Không nơi nào trong ngôi nhà cho các chủ nhân mới của nó một chỗ ẩn náu khỏi những thứ vô hình đang xiết lấy họ: Khi ngồi trong phòng ăn, ông H. cảm giác có sự hiện diện vô hình của ai đó đứng ngay sau, ông xoay ghế nhìn ra sảnh để xem có ai đang lén đùa giỡn, nhưng không một bóng người. Bọn trẻ thì không còn thích thú với phòng chơi đùa của chúng trên tầng thượng của ngôi nhà. Thay vì chơi cưỡi ngựa hay các món đồ chơi khác ở phòng đó, chúng xin được chơi ngay trong phòng ngủ.
Đến tháng 12, bà H. và các con thấy khó chịu đến mức bà quyết định đưa cả nhà đi nghỉ ít ngày, ông H. ở lại nhà.
Kỳ nghỉ thật hữu ích với bà và bọn trẻ, nhưng ông H. tội nghiệp ở nhà thì khổ sở hơn bao giờ hết. Những âm thanh lạ lùng và không thể lý giải nổi liên tục quấy phá giấc ngủ đêm, khiến ông hầu như không nghỉ ngơi được phút nào.
Mỗi đêm vài lần ông ấy bị đánh thức bởi tiếng chuông cửa, nhưng khi ra cả cửa trước lẫn cửa sau, thì chẳng thấy ai cả. Có đêm ông bật tỉnh khi nghe thấy tiếng xe cứu hỏa hụ còi trên phố và dừng gần nhà. Ông ấy lao đến cửa sổ nhưng nhìn ra thì đường phố vẫn hoàn toàn yên ắng, không bóng người”, bà H kể.
Đầu tháng 1 năm sau đó, bà H và các con trở về, nhưng họ lại đối diện với những phiền toái kỳ lạ trong nhà mình. Bọn trẻ thường xuyên bị lạnh dù cửa đóng và lò sưởi bật. Các triệu chứng mà chúng gánh chịu dường như chỉ giảm bớt khi bọn trẻ tới trường, rồi lại bị quấy rầy khi chúng về nhà. Giống như chồng, bà H. cũng thường bị đánh thức giữa đêm bởi những âm thanh lạ - tiếng cửa cót két, tiếng nồi chảo quăng loảng xoảng trong bếp, tiếng bước chân nặng chịch lên cầu thang ngay sau bức tường phòng ngủ của bà, trong khi chẳng có cầu thang nào ở đó.
Những người giúp việc gia đình cũng không thoát khỏi bầu không khí ma quái của ngôi nhà. Ban ngày họ thường cảm thấy có ai đó, hay thứ gì đó theo ngay sau, như đang cố với hoặc tóm lấy họ; buổi đêm thì bị đánh thức bởi tiếng đồ sứ va đập, tiếng chân lên cầu thang, tiếng đồ gỗ bị kéo kin kít trên sàn hay tiếng sập cửa.
(còn tiếp)
Phan Long (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.