Chuyện một người Pháp lên ngôi hoàng đế ở Tây Nguyên

Trần Hưng Thứ tư, ngày 04/03/2020 19:31 PM (GMT+7)
Trong khoảng thời gian từ năm 1888 đến 1890, một người Pháp nhờ thuyết phục được các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà lên ngôi vua, lấy vương hiệu là Marie đệ nhất, đặt tên nước là vương quốc Sedang. Chuyện này không chỉ làm ngỡ ngàng chính quyền Pháp thuộc địa ở Đông Dương mà còn gây náo nhiệt ở châu Âu.
Bình luận 0

Xuất thân

David Auguste Jean Baptiste Marie Charles sinh năm 1842 ở Toulon, Var, thuộc vùng Provence Alpes Côte d’Azur nước Pháp. Cha ông là một sĩ quan hải quân, và mẹ là con gái của một đại tá chỉ huy lực lượng phòng vệ quốc gia.

Năm 1859, Charles gia nhập kỵ binh, đến năm 1863 ông làm đội trưởng một đội thiết giáp ở Versailles. Vốn là người có bản tính phiêu lưu và thích cưỡi ngựa, Charles đến Đại Nam tham gia đội kỵ kinh ở Nam bộ.

Năm 1868, Charles trở về nước và kết hôn. Lúc này chiến tranh Pháp – Đức bùng nổ, Charles được thăng làm đại úy chỉ huy một trung đoàn cơ động, sau đó được điều về bộ tham mưu quân đoàn và lập được chiến công. Năm 1871 chiến tranh kết thúc, Charles được trao huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh – đây là huy chương cao nhất của Pháp.

Tuy nhiên sau đó, dù rất muốn ở lại quân đội, Charles vẫn bị bắt buộc phải giải ngũ.

img

David Auguste-Jean-Baptiste-Marie-Charles. (Ảnh từ wikipedia.org).

Lợi dụng nhu cầu khai thác cao su

Không có chuyên môn, Charles phải vất vả mưu sinh. Năm 1874, ông mở ngân hàng nhỏ, nhưng sau đó bị kiện, ngân hàng bị phá sản. Charles quyết định đến Java (Indonesia), nhưng do dính líu đến việc lừa đảo, ông bị chính quyền Hà Lan ở Java trục xuất về Pháp.

Vào giai đoạn này, châu Âu đang có cách mạng kỹ nghệ, cần tìm kiếm cao su để khai thác. Charles nói rằng mình đã từng nhìn thấy những cánh rừng cao su ở Indonesia, nên ông được Bộ trưởng Bộ Công cộng Pháp ủy thác cho việc nghiên cứu khoa học tại vương quốc Hồi Atchem trên đảo Sumatra, hòn đảo lớn nhất của Indonesia. Để thực hiện công việc, Nam tước Sellière cũng chuyển cho ông ngân khoản 2.000 franc.

Thế nhưng trên đường đi Indonesia, mọi người bắt đầu nghe được những điều không tốt về Charles nên lần lượt rời khỏi đoàn. Cuối cùng Charles chỉ còn lại một mình. Ông dừng lại ở Sài Gòn vào năm 1885, tự xưng là Nam Tước David de Mayréna. Cái tên Mayréna được sinh ra từ đây.

Sau khi tiêu xài hết số tiền được cấp, Mayréna nghe tin Hội đồng Thuộc địa Đông Dương sẽ có thưởng cho những ai khai thác mủ cao su. Mayréna bịa chuyện từng thấy mủ cao su ở người Thượng vùng Bà Rịa và nhận có thể khai thác mủ cao su. Thế là ông được cử hướng dẫn đoàn khảo sát 15 người đến Bà Rịa. Dù chuyến đi thất bại nhưng Mayréna có tiền để mua đất ở Thuận Biên, Bà Rịa làm đồn điền.

Tháng 1/1888, Mayréna nhờ được Phó Toàn quyền Đông Dương chuyển lá đơn của mình cho tân Toàn quyền Đông Dương Constans, xin được khảo sát vùng người thượng ở phía bắc tỉnh Bình Định, lại nhờ có phó Toàn quyền nói thêm nên lá đơn của ông được chấp nhận.

Mayréna được cấp mấy trăm đồng Frans cùng một đoàn người lên tàu đi đến vịnh Quy Nhơn. Rất may cho Mayréna là trên tàu có cà Toàn quyền Đông Dương Constans và Klobukowski (sau này cũng trở thành một vị toàn quyền). Trước khi xuống tàu, Mayréna được ông Klobukowski trao cho bức thư gửi gắm và giới thiệu.

Vua của vương quốc Sedang

Nhờ bức thư giới thiệu này mà Mayréna dễ dàng nhận được sự giúp đỡ. Tháng 4/1888, Mayréna được chính phủ thuộc địa cấp 400 đồng franc, đoàn thám hiểm khoảng 100 người lên đường.

Khi gặp được các bản làng người Thượng, Mayréna đã tìm hiểu thông tin, tổ chức chữa bệnh cho người dân và lấy lòng được người Thượng nơi đây. Sau đó ông ký với các tù trưởng người Thượng Hiệp ước liên minh, ghi rõ người Thượng được sống tự do theo phong tục tập quán của họ, chỉ vâng lệnh người Pháp chứ không theo người An Nam, cũng không phải nộp bất kỳ khoản thuế gì cho người An Nam. Ngược lại phía người Pháp sẽ bảo vệ người Thượng nếu họ bị tấn công.

Các nhà truyền giáo đi theo đoàn hết sức kinh ngạc. Mayréna giải thích rằng đó là để giữ danh dự cho nước Pháp. Ông nói rằng sẽ tập hợp các dân tộc thiểu số ở tận sông Mê Kông, sau này sẽ trao quyền lại cho nước Pháp, bản thân ông chỉ muốn thừa hưởng quyền được khai thác các mỏ vàng. Để làm yên lòng các giáo sĩ, Mayréna kể lại chuyến đi cùng tàu với toàn quyền Đông Dương, về bức thư giới thiệu của Klobukowski, cũng như việc Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ đề cử ông đi tìm cây cao su.

Tháng 5/1888, đoàn người đến các giáo xứ ở Kontum (thuộc Tây Nguyên) thám hiểm các bản làng tây nguyên. Tại đây các chức sắc trong hội đồng bản tộc đồng ý bầu Mayréna làm trưởng, đồng thời ký bản thỏa ước có ký nhận của cha xứ. Mayréna đi các nơi và đều được người dân cho làm trưởng bản.

img

Bản đồ Đông Dương do ông E Stanford vẽ năm 1889. “Vương quốc Sédang” nằm trên cao nguyên Việt Nam và lấn sang Lào đến tận sông Mê Kông. (Ảnh từ thantrinhomhue.com).

img

Vua Marie de Mayréna oai vệ trong bộ triều phục do ông tự vẽ lấy. (Ảnh từ thantrinhomhue.com).

Được người dân các bản làng ủng hộ, Mayréna nảy sinh ý định lập vương quốc Sedang. Ngày 3/6/1888, Mayréna lập bản “Hiến pháp của vương quốc Sedang”, thuyết phục được tù trưởng các làng ký tên vào đây, và công nhận ông ta là vua của họ. Mayréna lấy vương hiệu là Marie Đệ Nhất của xứ Thượng Sedang.

Cũng trong tháng 6/1888, Mayréna lập triều đình của người Thượng và ký một loạt các sắc lệnh, phong cho bà vợ người Việt theo mình là Lê Thị Bền làm Hoàng hậu (bà qua đời 3 tháng sau đó vì sốt rét rừng), một người Pháp theo mình Mercurol làm Bá tước và được quyền khai thác các mỏ vàng. Ông cử hai chúa người Thượng làm thủ hiến hai nơi, chia nước làm 5 tỉnh, mỗi tỉnh có tỉnh trưởng. Thủ đô được lập tại làng Kon Gung, hiện nay thuộc xã Dak Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Mayréna tạo ra quốc kỳ, huân chương danh dự cũng được ông cho đúc ở Hồng Kông. Đồng thời ông lập ra hiến pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương và Bộ trưởng thuộc địa.

Dù Marie Đệ Nhất đã có thông báo và gửi bản hiến pháp đi các nơi, nhưng Chính phủ thuộc địa Đông Dương không công nhận vương quốc Sedang.

Lúc này bà vợ của Mayréna (Marie Đệ Nhất) ở bên Pháp gửi thư xin chu cấp. Mayréna liền ký đạo dụ ly dị vợ, đồng thời cho con trai và con gái làm hoàng tử và công chúa, nhưng phải ở bên Pháp chứ không được sang Sedang.

img

Quốc huy vương quốc Sedang. (Ảnh từ wikipedia.org).

Khi Mayréna cạn túi, ông trở về vùng đồng bằng, đi đâu ông cũng xưng mình là vua. Từ đó một số báo ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng nhắc đến ông và vương quốc Sedang.

Gây áp lực yêu cầu Pháp công nhận vương quốc Sedang

Lúc này Anh, Đức, Hà Lan đang mong muốn vào Đông Dương như Pháp. Không được nước Pháp nhìn nhận, Mayréna liền nhân đó tính chuyện gây áp lực, định bán vương quốc Sedang cho người Anh, hoặc để người Anh bỏ tiền đầu tư vào vương quốc Sedang. Vậy là Mayréna quyết định đến Hồng Kông.

Mayréna mượn tiền từ một thợ may người Trung Quốc. Sau đó ông lên con tàu của Đan Mạch đến Hồng Kông, với y phục nhà vua, ngực đầy huy chương.

Tàu cập bến, ông được Thống đốc Anh tiếp kiến, cánh báo chí chụp hình rồi phỏng vấn đăng bài. Nhiều nhân vật ở Hồng Kông tổ chức các buổi tiếp kiến để nghe vua Marie Đệ Nhất nói chuyện về cơ hội đầu tư vào vương quốc Sedang.

Sự việc khiến lãnh sự Pháp là H.Verleye hối hả điện cho Toàn quyền Đông Dương, kể rằng nếu Pháp không công nhận vương quốc Sedang thì người Anh sẽ giúp Sedang bỏ vốn đầu tư, khác thác mỏ vàng, trồng cao su.

Lãnh sự Pháp cũng mở tiệc mời vua Marie Đệ Nhất và năn nỉ ông ta đừng để người Anh mua chuộc. Vua Marie Đệ Nhất còn nói rằng nước Pháp cần phải công nhận vương quốc Sedang, nếu không ông ta sẽ dẫn 10.000 quân tiến đánh vào Bình Định.

img

Các loại huy chương được Vua Marie Đệ Nhất tặng cho những ai giúp đỡ mình. (Ảnh từ thantrinhomhue.com).

Tuy vậy sự việc không kéo dài được lâu. Toàn quyền Đông Dương đánh điện báo cho Lãnh sự Pháp và thống đốc Anh ở Hồng Kông biết rõ lai lịch của Mayréna và nói rõ xứ Sedang chỉ là vùng đất cao nguyên của An Nam được người Pháp bảo hộ chứ không hề có quốc gia nào.

Thống đốc Anh nhận được bức điện thì hoài nghi và không còn mặn mà với vương quốc Sedang. Mayréna liền chuyển sang gặp Lãnh sự Đức, nhưng cũng không được tiếp đón.

Trong khi đó, tờ Le Courrier d’Haiphong đăng nhiều kỳ viết về Mayréna, nên dần dần ở Hồng Kông không còn ai tin Mayréna nữa.

Khi Mayréna đang ở Hồng Kông, thì công sứ Quy Nhơn là Charles Lemire vốn là người ủng hộ Mayréna bị cách chức và thuyên chuyển về Vinh, còn vị công sứ mới quyết liệt phản đối sự hình thành vương quốc Sedang.

Khâm sứ Pháp là Paul Rheinart cũng gửi bức thư nói Mayréna đã lừa gạt người Thượng, và không cho Mayréna trở lại cao nguyên nữa.

Tháng 4/1889, công sứ Guiomar lên Kontum ra lệnh giải tán vương quốc Sedang.

Những cố gắng cuối cùng

Trong lúc Mayréna khó khăn và túng thiếu thì gặp được một lái buôn người Pháp, ông ta vận động người này giúp đỡ mình tiền bạc vì đang tạm trong giai đoạn khó khăn, đồng thời phong cho lái buôn này làm Thủ tướng. Nhờ đó Mayréna có tiền mua vé quay về Pháp.

Tại Paris, Mayréna được một số người giúp đỡ tiền bạc và đều được ông cất nhắc cho chức tước và ban tặng huy chương. Đồng thời ông tổ chức cưới vợ là Marie Julie Rose Lyeuté và phong bà này làm hoàng hậu.

Mayréna muốn chính quyền Pháp công nhận ngôi vua của mình, tuy nhiên cả Tổng thống và Bộ trường Bộ Ngoại giao đều không muốn gặp ông ta. Mayréna nỗ lực xin thuyết trình tại Hàn lâm viện Thuộc địa về vương quốc Sedang nhưng cũng bị từ chối.

Tháng 7/1889, vua Marie Đệ Nhất cùng hoàng hậu và đoàn tùy tùng sang Bỉ. Mayréna ban bố thành lập Triều đình, ký sắc lệnh cho Hoàng hậu được hưởng các quyền hạn như những Hoàng hậu khác ở châu Âu.

Mayréna dùng tiền vay mượn được để thành lập Văn phòng Lãnh sự, trụ sở Bưu chính và phát hành tem thư. Tuy nhiên không lâu sau, Mayréna bỏ rơi hoàng hậu.

img

Bộ tem của vương quốc Sedang. (Ảnh từ wikipedia.org).

Giữa lúc đang nguy khốn thì Mayréna gặp được triệu phú tên Somsy ở Brussels, người này đồng ý giúp ông ta về Sedang để đầu tư và mở mang bờ cõi. Somsy cung cấp vũ khí và tiền cho Mayréna, đổi lại ông ta sẽ được phép khai thác khoáng sản ở Sedang. Mayréna lập tức ký sắc lệnh phong cho triệu phú Somsy làm Quận công.

Triệu phú Somsy chiêu mộ được thêm 5 sĩ quan cùng theo mình đến Sedang. Tháng 2/1890, đoàn người đến Singapore. Mayréna yêu cầu toàn quyền Anh ở đây phải cho nổ 21 phát súng đón tiếp ông ta theo nghi lễ quốc vương nhưng bị từ chối.

Lãnh sự Pháp ở Singapore báo tin cho Toàn quyền Đông Dương biết Mayréna đang trên đường đến Quy Nhơn. Toàn quyền Đông Dương liền cho tàu chiến chặn không cho tàu của Mayréna vào bến Quy Nhơn.

Không về được Sedang, Mayréna ở lại Singapore. Ông tiếp tục cưới một phụ nữ bản xứ và phong làm hoàng hậu. Sau 3 tháng, Mayréna hết tiền, hoàng hậu bỏ trốn, đoàn tùy tùng cũng lần lượt rời đi, chỉ còn một người tên Harold Scott chịu ở lại theo hầu và được phong làm Bộ trưởng hải quân.

Mayréna cùng Harold Scott xuống tàu đến Pulau Tioman, một hòn đảo nhỏ của ngư dân Mã Lai. Tháng 11/1890, Mayréna vào rừng bắn chim thì bị rắn độc cắn và qua đời. Harold Scott liền gửi thư đến Singapore báo tin.

Tờ báo Daily Press ở Singapore có đăng tin rằng: “Một người Pháp tên Marie de Mayréna cư ngụ ở cù lao Tioman vừa bị rắn cắn chết trong Tháng Mười Một”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem