Bao nhiêu năm qua, dân làng Dương Sơn, xã Liên Sơn (Tân Yên, Bắc Giang) phải chịu tiếng oan là làng nói phét. Chuyện "chém gió" của các cụ ngày xưa chỉ là quá vãng nhưng giờ đây, con cháu phải chịu điều tiếng không hay từ xã hội và việc dựng vợ gả chồng cũng trở nên khó khăn vì nhỡ đâu "nó nói phét".
"Dương Sơn hội quán"
Trong chuyến công tác tại Bắc Giang, chúng tôi được nghe người dân tỉnh này truyền khẩu nhiều câu chuyện hư hư thực thực về làng nói phét Dương Sơn thuộc xã Liên Sơn. Những câu chuyện ấy đã thuộc về quá khứ và trở thành giai thoại khiến ai cũng phải tò mò.
Qua vài con đường ngoằn nghèo rợp bóng tre mát rượi, chúng tôi hỏi thăm một cô gái trẻ về làng nói phét. Bỗng cô gái trợn mắt, giọng cứng đanh nói thẳng: "Các anh về làng Dương Sơn thì về chứ đừng hỏi làng nói phét. Ở đây chẳng có làng nói phét nào cả. Người ta cứ đồn thế chứ làng em có nói phét gì đâu".
|
Dương Sơn hội quán. |
Nói rồi cô gái dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà màu vàng cũ kỹ, bên trong sân đầy rơm rạ và vắng tanh không một bóng người. Chưa kịp hỏi, cô gái đã chỉ tay: "Đấy, các anh thích nghe nói phét thì vào đấy mà thăm". Tôi đánh bạo đi vào, nhà không một bóng người, phía mái trên hiên vỏn vẹn bốn chữ "Dương Sơn hội quán".
Gặng hỏi mãi, sau một hồi suy nghĩ cô gái mới kể: "Ngày xưa, các cụ làng em nói phét lắm. Không đâu địch được tài "chém gió" của các cụ. Thế nên ở Bắc Giang người ta mới hay đọc câu thơ "Hòa Làng nói phét có ca/Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng".
Một trong những câu chuyện "chém gió" của dân Dương Sơn đều liên quan đến "Dương Sơn hội quán", bởi đó là nơi để các cụ uống trà bình văn và kể chuyện phiếm, đồng thời cũng là chốn trổ tài nói phét. Nổi tiếng nhất là cụ Cả Tam, bởi nhân vật này có khuôn mặt khác lạ, cách kể chuyện hóm hỉnh và nhất là bộ ria mép đưa đẩy mỗi khi kể chuyện.
Một buổi trưa hè ngồi cùng mấy cụ trong thôn Dương Sơn, cụ Cả Tam muốn khoe tài mình thính mới kể rằng: "Thời đánh nhau với giặc Mỹ, phi công của chúng muốn ném bom nên bay thấp lắm. Tôi ở dưới còn nghe chúng nó nói chuyện với nhau". Chưa hết, cụ còn khoe tài săn bắn: "Tôi vác cung nỏ đi săn. Bắn có một phát mà trúng bụng con hươu cái, trúng dái con hươu đực, trúng ức con hươu con, ba con chết co tròn một đống".
Phân tài cao thấp bằng thi nói phét
Cô gái mỉm cười giải thích: "Nếu nghe qua thì ai cũng bảo cụ Cả Tam nói phét nhưng thực ra cụ chỉ nói chữ thôi. Cụ đi săn nhưng bắn phải con hươu mang thai. Thai của loài hươu thường là một đực và một cái. Cụ bắn tên xuyên bụng con mẹ và trúng hai con hươu trong cái bào thai kia. Con hươu mẹ ngã vật xuống chết cùng cái bào thai vo tròn một đống".
Chính tài nói phét của cụ Cả Tam và những người cùng trang lứa đã tạo cho làng một phong trào "chém gió" chưa từng có. Nhưng oái oăm thay, ở gần Dương Sơn cũng có một làng nói phét có tiếng. Đó là Hòa Làng, chỉ cách Dương Sơn một quả đồi và cùng huyện Tân Yên.
Hai ngôi làng này đã từng nhiều lần phân tài cao thấp bằng cuộc thi nói phét. Và tất nhiên, lần nào các cụ bên Dương Sơn cũng giành phần thắng đậm. Thời gian trôi đi, các cụ cao tuổi dần về với tổ tiên nên đã từ lâu, những cuộc thi nói phét không còn và thay vào đó là nỗi oan cho những hậu duệ không biết... nói phét.
Cách biến tấu ngôn ngữ cho hoa mỹ
Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Giang, Ban Văn hóa của xã Liên Sơn và được khẳng định người làng Dương Sơn không nói phét. Chuyện nói phét chỉ có thời xưa khi cuộc sống nông nhàn, còn bây giờ người làng ấy lo làm giàu còn chưa đủ thời gian thì nói phét lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Thắng, phó chủ tịch UBND xã cho hay: "Dương Sơn nói phét chỉ là câu chuyện của quá khứ. Đó cũng là một nét văn hóa chơi chữ mà thôi. Nếu xét kỹ ra thì đó không phải là nói phét mà là cách biến tấu ngôn ngữ cho hoa mỹ".
|
Bà Hà khoe tấm băng rôn khẩu hiệu về sự trung thực |
Để xác thực thông tin, chúng tôi tìm đến bà Nguyễn Thị Hà, trưởng thôn Dương Sơn. Bà Hà cười vui nói: "Gớm! Làm gì mà nhà báo bảo chúng tôi nói phét. Ngày xưa các cụ hay tụ tập ở "Dương Sơn hội quán" uống trà chuyện phiếm với nhau rồi mở cuộc thi nói phét. Còn bây giờ cả làng có ai nói phét gì đâu. Họ nói thật và sống thật với nhau nữa là đằng khác ấy chứ".
Nói rồi bà Hà đi lấy tấm băng rôn khẩu hiệu về sự trung thực để minh oan cho cả làng. Đó là tấm băng rôn chữ vàng trên nền màu đỏ rất ngắn gọn: "Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người, mọi nhà".
Nói thật vẫn "nhận giải" nói phét
Đó là chuyện có thật 100% ở Dương Sơn. Người phải "nhận giải" nói phét là ông Vũ Văn Lập sinh năm 1939. Ngồi nói chuyện với ông Lập trong căn nhà cấp bốn, vợ ông Lập xuề xòa: "Nói phét gì đâu chú, ông ấy đi đọc thơ rồi được giải nhưng người ta cứ bảo ông ấy được giải nói phét, khổ thế đấy!".
Sau một hồi gãi đầu gãi tai, ông Lập thanh minh: "Năm 2009, tôi sang Đình Vồng thuộc xã Song Vân thi cùng hội Hòa Làng. Đọc mấy bài thơ, nghe hay hay thì họ cho mình cái giải nhất. Nói là giải chứ có cái giấy tờ gì đâu. Được ít tiền tôi đem về liên hoan với anh em trong thôn cho vui thôi".
Ông Lập từ nhỏ đã được nghe các cụ nói phét trong các cuộc trà dư tửu hậu nên cũng học được đôi ba thuật chơi chữ. Thỉnh thoảng nhàn rỗi, ông đem bút ra làm thơ. Thơ về con gà, cây ổi, thơ về con ong, cái kiến rồi đọc cho vợ con và hàng xóm thưởng thức. Trong những bài thơ ấy cũng có đôi chút hư cấu, lại nghe xuôi tai nên vô tình được giải của một số cuộc thi thơ ở địa phương.
Tiếng oan khó... rửa
"Nhiều người Dương Sơn buồn phiền cho nỗi oan của làng nhưng cũng nhiều người vui vẻ chấp nhận vì dù sao, đó cũng là một nét văn hóa xa xưa của cha ông để lại", bà Hà chia sẻ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đám thanh niên làng khác vẫn thường lấy chuyện nói phét để đả kích thanh niên làng Dương Sơn. Tuy nhiên, người Dương Sơn hiền lành, nhẫn lại, hòa hiếu nên ít khi xảy ra mâu thuẫn từ những câu chuyện bên lề.
Nhưng việc dựng vợ gả chồng là chuyện lớn. Ở Dương Sơn cũng có không ít trường hợp kết hôn bất bất thành vì người nơi khác thường hay định kiến "đó là làng nói phét". Ngay trong đám thanh niên có tán tỉnh nhau cũng khó, các chàng trai cô gái làng khác thường bán tín bán nghi về câu chuyện của người đang tán tỉnh mình. Họ sợ, người ấy đang "chém gió" để lấy lòng hoặc sợ về làm dâu rể Dương Sơn là phải gia nhập làng nói phét.
Theo Bee
Vui lòng nhập nội dung bình luận.