Chuyện sáu thợ lặn tình nguyện vớt xe bị lũ cuốn

Chủ nhật, ngày 24/10/2010 08:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc cho lũ dữ nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn, 6 thợ lặn ở Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đã gác việc nhà, xin tình nguyện tìm kiếm chiếc ô tô khách cùng những nạn nhân bị lũ cuốn trôi mất tích.
Bình luận 0

Hơn 40 giờ ngâm mình dưới sông Lam

Ngày 18 - 10, ông Nguyễn Văn Bình ở xóm 9, Hưng Lợi đang chèo thuyền quanh nhà để thu dọn đồ đạc bị trôi thì nhận được tin dữ về chiếc xe khách gặp nạn bên kia bờ sông Lam, thuộc xã Xuân Lam huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

img
Chị Trần Thị Mai (vợ thợ lặn Nguyễn Văn Bình) trong ngôi nhà vẫn còn ngập nước lũ (ngày 22-10).

Ông thẫn thờ nhìn về bên kia sông mịt mờ, nước đục ngầu cuộn sóng. Sau ít phút định thần, ông Bình rút từ thắt lưng lấy chiếc điện thoại gọi gấp 5 anh em, gồm: Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Văn Viết, Nguyễn Văn Thảnh, Nguyễn Văn Bằng, Nguyên Văn Sơn cùng ở xóm 9, xã Hưng Lợi chuyên làm nghề sông nước bên bờ sông Lam đến để bàn chuyện đi cứu người. Vừa dứt điện thoại, 5 anh em đã chèo đến gặp ông và cùng lao ra sông Lam.

Ông Bình kể lại: “Thuyền anh em vừa mới ra giữa sông đã bị ngăn lại vì lực lượng chức năng đang khoanh vùng tìm kiếm. May nhờ quen biết, tôi gặp ngay được đội Cảnh sát giao thông đường sông trình bày nguyện vọng.

img
Các anh Bằng, Sơn,Thảnh, Bình (từ trái qua) trong số 6 thợ lặn trong vườn nhà anh Bình vẫn còn ngập nước (chụp chiều 22-10).

Họ đồng ý cho chúng tôi tiếp cận hiện trường và sau khi nghe đề đạt nguyện vọng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã nhất trí cho chúng tôi tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, khi tiếp cận hiện trường chúng tôi mới thấy nguy hiểm vô cùng bởi lúc này nước sông dâng cao và chảy rất mạnh”.

Cũng theo ông Bình, sau khi chèo thuyền kiểm tra, 6 anh em đã nhận định chiếc xe khách chưa thể trôi xa vì đoạn sông này đất bùn và cát nhiều, nên xe sẽ bị cản lại. “Chúng tôi đã găm thuyền, rồi cả 6 cùng lặn xuống dòng nước để rà tìm.

Qua nhiều lần lặn sâu vẫn không có kết quả bởi nước sông chảy quá xiết, tai như ù đặc. Đến khoảng 17 giờ ngày 20-10, nghĩa là sau hơn một ngày lặn dưới đáy sông, anh Hoàn và anh Sơn là 2 người đầu tiên tiếp cận được chiếc xe” - ông Bình nói.

“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Qua màn nước đỏ ngầu, tôi không thể nhìn thấy được vật gì cả. Tiến lại gần, tôi dùng hai tay dò, sờ được vào gương và cọng gương của xe. Tai như ù đặc nhưng nghĩ đến những nạn nhân tội nghiệp, tôi lấy hơi lặn sâu và sờ tay qua chỗ kính vỡ nắm được một cách tay của nạn nhân lạnh ngắt. Tôi mừng rơn vì biết đây là chiếc xe gặp nạn”.

Sau đó, anh ngoi lên mặt nước rồi lao thẳng lên báo cơ quan chức năng. “Lúc này 6 anh em mới kết thúc công việc tìm kiếm sau một ngày rưỡi rong ruổi trên sông Lam chỉ kịp ăn vội gói mì tôm”- anh Sơn hồ hởi.

Bỏ nhà ngập lũ đi cứu người

Sáng 22-10, chúng tôi tìm về địa chỉ nhà 6 thợ lặn dũng cảm đã tìm được chiếc xe khách 48K-5868 dưới đáy sông Lam. Hơn một tuần nay ngôi làng Hưng Lợi vẫn còn bị bị nước lũ nhấn chìm, con đường vào làng bị ngập sâu. Hỏi mãi, chúng tôi mới đến được nhà của 6 thợ lặn trên, tuy nhiên muốn vào nhà phải đi thuyền.

Nghe tiếng gọi của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bình chèo chiếc thuyền ra ngõ trả lời: Các chú tìm đúng nhà rồi đó, nhưng đợi tui mò chiếc xe đạp của đứa con út bị lũ cuốn ra vườn mấy ngày nay chưa có người vớt lên. Sau khoảng 10 phút, chúng tôi được anh Bình ra đón vào nhà bằng con thuyền nhựa tự chế. Ngôi nhà của anh, nước ngập quá giường ngủ.

img Sau khi nhận được lời đề nghị từ Công ty Vận tải biển Trường Thành, tôi đã đồng ý tham gia và đi vào hiện trường, xem xét và phối hợp cùng đưa phương tiện, máy móc để trục vớt. Tất cả chi phí cho việc cứu nạn này do chúng tôi tự chủ động hoàn toàn chi phí, chứ không có bất cứ cơ quan nào mời. Trước vụ tai nạn thảm khốc này, công ty tôi cũng hoạt động chủ yếu trên sông nước, nên vì tình nghĩa và hoàn toàn tự nguyện chung tay chia sẽ nỗi đau. img

Mấy ngày qua vợ con anh phải tránh lũ trên gác xép không ra khỏi cửa. Vợ anh, chị Trần Thị Mai tâm sự: “Ở đây khổ lắm chú ạ. Mưa tí là nước ngập, mấy hôm vừa rồi anh Bình đi vắng, nhà 3 mẹ con có dám ra khỏi nhà đâu.

Mặc dù nhà bị nước ngập thế, nhưng biết tin chiếc ô tô và 20 người bị lũ cuốn trôi trên sông Lam chưa tìm thấy, thế là anh bỏ hết việc nhà rủ bạn bè tình nguyện đi tìm kiếm. Tôi có khuyên nhưng anh gạt phăng: Mình làm nghề sông nước lại biết bơi, biết lặn, thấy người bị nạn mà không cứu thì áy náy lắm”.

Cách nhà anh Bình không xa là ngôi nhà của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Thảnh thuê ở. Ngôi nhà cấp bốn nằm giữa biển nước mênh mông. Vào nhà thấy vợ anh bồng đứa con nhỏ ngồi trên giường nước còn ngập lút nền nhà, bàn ghế bị nước nhấn chìm tất cả sinh hoạt đều trên chiếc giường nhỏ này.

Anh Thảnh tâm sự: “Hôm nay nữa là bước sang ngày thứ 5 tui mới về nhà. Trước hôm đi vì mưa lũ tui đã ra mua 10 gói mì tôm về cho vợ con ăn. Tui đi thấy thương vợ con nhưng nhìn sang bên kia sông Lam hàng chục con người nằm dưới sông không nỡ bỏ họ. Bây giờ xong việc rồi về dọn dẹp nhà cửa trong lòng cảm thấy thanh thản”.

Khi chúng tôi đến nhà thợ lặn Nguyễn Văn Bằng (33 tuổi), thấy anh đang an ủi vợ con. Qua trò chuyện được biết đã 4 ngày nay, vợ anh là chị Trần Thị Hoa không đêm nào ngủ ngon giấc, chốc lại bồng con chèo thuyền ra ngõ ngóng về bên kia sông Lam nơi anh và đồng nghiệp đang tình nguyện lặn sông cứu người.

Chị Hoa chia sẻ: “Giữa dòng nước xiết nếu không may xảy ra chuyện gì thì hai mẹ con không biết bấu víu vào đâu. Các con còn nhỏ, đêm nghĩ quẩn lại ôm con khóc. Nhưng bây giờ anh về rồi tôi mới an tâm”.

Vượt qua lời nguyền làm việc thiện

Sau khi hoàn tất việc xác định vị trí và kéo được chiếc xe cùng với những thi thể bị lũ cuốn trôi, 6 thợ lặn về với gia đình trong sự ngưỡng mộ của người dân. Từ sáng qua, rất nhiều anh em, bạn bè đến chia vui vì đã làm được một việc phi thường.

img Tai như ù đặc nhưng nghĩ đến những nạn nhân tội nghiệp, tôi lấy hơi lặn sâu và sờ tay qua chỗ kính vỡ nắm được một cách tay của nạn nhân lạnh ngắt. Tôi mừng rơn vì biết đây là chiếc xe gặp nạn.img

Dù vậy, vẫn có người nghĩ các anh lặn tìm xe gặp nạn là vì tiền. Anh Thảnh tâm sự: “Đây không phải là lần đầu chúng tôi đi vớt xác. Hàng ngày, làm nghề vớt cát, đánh cá trên sông, chúng tôi đã cứu và tìm kiếm rất nhiều xác.

Nhưng chưa một lần chúng tôi ngã giá về chuyện vớt xác cho các gia đình nạn nhân, cũng chưa một lần từ chối việc cứu, vớt xác. Làm việc thiện giúp đời thì dù có gian khổ, khó khăn, chúng tôi đều sẵn sàng”.

Cũng theo lời anh Thảnh, trong lần cứu hộ này vẫn vậy: “Sau khi xong việc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến trao thưởng cho chúng tôi mỗi người một triệu đồng. Anh em vui vẻ nhận, chứ nếu thuê tiền tỷ để tìm kiếm chúng tôi cũng không làm”.

Khi chúng tôi đề cập đến những hủ tục của nghề sông nước: Cứu người phải đền mạng- anh Bình gạt tay cười: “Nếu thế chúng tôi đã chết chưa biết bao nhiêu lần rồi. Từ lúc 16 tuổi đến giờ tôi theo cha mẹ làm nghề đánh cá trên sông này và cũng không nhớ bao nhiêu lần tôi tình nguyện đi vớt xác. Tóm lại là rất nhiều lần vớt xác, không thể nhớ nổi”.

Chia sẻ thêm về nghề, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Bình nói: “Đối với anh em chúng tôi nhiều khi định kiến xã hội, sự xa lánh của người dân xung quanh vì đi vớt xác người chết đôi lúc cảm thấy se lòng. Nhưng rất may, vợ và con đều hiểu và cho rằng đó là việc nghĩa nên anh em chúng tôi đã không ngần ngại xông pha”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem