Chuyện sư cô từng là bạn ông trùm Năm Cam (Kỳ 2): Cô bé bán báo "đầu gấu"

Thứ hai, ngày 27/05/2019 06:30 AM (GMT+7)
Sau khi trở thành đứa trẻ mồ cồi, 2 anh em sư cô Diệu Thiện (tục danh Nguyễn Thị Sự, 75 tuổi) lang bạt kiếm sống trên những con đường sầm uất nhất của Sài Gòn.
Bình luận 0

Mới tròn 11 tuổi nhưng vì phải lăn lộn mưu sinh nên cô bé Sự ngày đó đã rèn cho mình một ý chí vững vàng, nếu không muốn nói là chai lỳ để vượt qua những chông gai của cuộc sống. Cũng trong thời gian này, sư cô Thiện đã gặp và chạm trán với nhiều đại ca giang hồ, thậm chí từng chơi “tay đôi” với Năm Cam.

11 tuổi bước vào chốn giang hồ

Sau những tiếng kinh kệ của các Phật tử trong chùa, sư cô Thiện lại trầm ngâm về chuỗi ngày tháng cùng người anh trai phiêu bạc trong chốn giang hồ năm xưa.

Sài Gòn những năm 60 hỗn loạn, giang hồ cấu kết với chính trị nên tội phạm “làm ăn” rất phát đạt. Anh em sư cô Diệu Thiện (Nguyễn Thị Sự) làm nghề bán báo dạo nhưng cũng cạnh tranh khá khốc liệt, chuyện đụng độ với những nhóm trẻ khác tranh trành giành lãnh địa diễn ra như cơm bữa.

Việc tranh giành lẫn nhau khiến những đưa trẻ bụi đời như anh em sư cô Diệu Thiện trở nên gan lỳ và liều lĩnh. Dù là con gái và chỉ mới 11 tuổi nhưng cô bé Sự lúc đó có thể quật ngã 2 thằng con trai hơn tuổi mình.

img

Một góc chợ của khu Chợ Lớn thời bấy giờ, nơi sư cô Thiện từng chạm trán Năm Cam.

“Lúc đó, tôi bợm lắm, tuy là con gái nhưng đối thủ đều phải dè chừng. Nhớ lúc ở cầu Khánh Hội (nối quận 4 và quận 1, TP. HCM), tôi được một vị khách Tây mua tới 10 tờ báo, thấy vậy đồng nghiệp của tôi cũng tới giành khách. Lúc đó, một mình tôi nhảy vào đánh túi bụi mấy thằng con trai giành khách với tôi. Sau mỗi lần đánh, toàn thân tôi như bầm tím, nhiều lúc, thấy nản lòng cảnh đấm đá khiến tôi chùn bước nhưng vì con chữ tôi cố gắng bon chen bán từng tờ báo dạo để nuôi con chữ theo di nguyện của người mẹ trước lúc lâm chung. Nghĩ tới nó, lòng tôi lại càng cố gắng và quyết tâm phấn đấu nhiều hơn và không từ bỏ mơ ước con chữ”, sư cô Thiện kể.

Có lần đi bán báo, sư cô Thiện tình cờ thấy 2 tên đánh giày đang giở trò “hai ngón” trộm hộp quẹt Zippo của khách tại một nhà hàng nên bà đã hô hoán khiến bọn chúng bỏ chạy thục mạng. Hai tên đạo chích không ăn được hàng thành công nên tỏ ra cay cú, chúng nhớ mặt và nhân một lần sư cô Thiện đi bán báo về đã chặn đường hỏi tội vì dám xía vào chuyện “làm ăn” của chúng.

“Lúc đó tôi không những không sợ mà còn cho 2 kẻ trộm một trận te tua, mặc dù trên người tôi cũng thâm tím. Sau trận đánh đó, tên tôi nổi lên như cồn trong đám trẻ bụi đời Sài Gòn lúc bấy giờ. Không một đứa nào ở khu vực dám đụng tới tôi nữa. Cũng nhờ đó, tôi được ưu tiên bán báo ở khu vực nhà hàng đó”, sư cô Thiện nhớ lại kỷ niệm trong tuổi thơ dữ dội của mình.

Theo hồi ức của sư cô Diệu Thiện, “tứ đại thiên vương” là Đại-Tỳ-Cái-Thế trong chốn giang hồ Sài Gòn sau này chỉ là những thằng nhóc lóc cóc như anh em sư cô. Bọn chúng thường tụ tập ở rạp hát Cathay ăn chơi. Sau này, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng nhờ tính liều lĩnh và tố chất của tên giang hồ khét tiếng nên Đại Cathay đã thâu tóm rất nhiều đàn em và nổi lên là một thế lực trùm giang hồ Sài Gòn. Nhờ danh tiếng của Đại Cathay nên rất nhiều đứa trẻ bụi đời như anh em sư cô Thiện được “thơm lây”, nhờ quy phục dưới chiếu của đại ca.

Sư cô đụng độ với Năm Cam

Trong thế giới ngầm của Sài Gòn khi đó, Đại Cathay được xếp “chiếu trên” gọi là đại ca của những đại ca. Không những là thủ lĩnh của những tay du côn, du đãng, đâm thuê chém mướn, Đại Cathay còn thu phục đám tri thức, công tử con nhà gia thế. Từ khi anh trai sa chân vào chốn giang hồ, đồng nghĩa cuộc sống của hai anh em sư cô Thiện bắt đầu có những chiều hướng trái chiều.

Hằng ngay, sư cô vẫn đi bán báo dạo, đánh giày, còn anh trai theo Đại Cathay đi hết sòng bạc này tới sòng bạc khác, vũ trường đòi tiền bảo kê. Lúc đó, dù mới chỉ 14 tuổi nhưng Năm Cam sớm bộc lộ được tố chất của một tên giang hồ số má của mình. Từ còn lúc nhỏ, hắn đã có trên dưới 20 đàn em phải phục vụ dưới trướng.

Không loại trừ ai, sư cô Diệu Thiện cũng bị đàn em Năm Cam chặn đường đòi “nộp thuế” vì lấn sang địa bàn của chúng. Do từng trải qua cả chục trận đánh đấm, bản chất gan lỳ có sẵn nên sư cô Thiện không dễ gì để cho bọn chúng bắt nạt. Một mình sư cô đã đánh đấm cho bọn chúng chạy thục mạng không đứa nào dám ngoảnh mặt lại nhìn.

Được tin đàn em bị đánh, Năm Cam tìm đến và hẹn thách đấu với sư cô tại cầu Bông. “Lúc đó, tôi nhận lời và đánh cho Năm Cam một trận no đòn. Sau đó, Năm Cam chủ động giảng hòa với tôi, hắn còn mời tôi vào chỗ sang trọng mời uống nước mía, ăn bò bía… Từ đó, tôi và Năm Cam kết nghĩa anh em”, sư cô Thiện nói.

Sư cô Thiện cho biết thêm, đầu nằm 1965, anh trai sư cô bị bắt đi quân dịch. Sư cô Thiện lúc này đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp được nhiều chàng trai theo đuổi. Nhận thấy việc bán báo không còn phù hợp nữa nên bà xin vào làm pha chế trong một nhà hàng ở đường Lê Lai. Kể từ thời gian đó, bà không còn giao du với nhóm trẻ bụi đời ngày nào. Tuy vậy, bà vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về người anh kết nghĩa với mình.

Năm đó, Năm Cam nhận tội thay Bảy Si nên bị kết án 3 năm tù. Sau khi đi được 2 năm, gã được ân xá. Lúc này, Năm Cam đã không còn là một thằng nhóc khù khờ hay đánh lộn bằng tay, ném đá vui đùa với bà hôm nào mà thay vào đó chính là một gã giang hồ thực sự với hàng chục đàn em đi theo bảo vệ.

Những gì xảy ra, sư cô Thiện nhận ra rằng, Năm Cam bây giờ đã bước chân vào con đường đầy tội lỗi, không thể quay đầu. Chính điều đó, nhiều lần bà tìm cách khuyên ngăn người anh kết nghĩa của mình “rửa tay gác kiếm”, làm ăn lương thiện nhưng với bản tính “cục cằn” của Năm Cam gã không chấp nhận lời đề nghị của người em như bà.

Từ đó, bà đành phải tìm cách tránh mặt Năm Cam cùng đàn em của gã, nhiều lần hắn đến tận nhà hàng nơi sư cô Thiện làm để thăm. “Năm Cam lúc xưa chỉ là một đứa trẻ nghèo. Lúc kết nghĩa anh em với ông ta, tôi chỉ thấy được hình ảnh thằng bé gày gò, đen nhẻm rất trọng nghĩa khí. Thời gian thấm thoát đã khiến đứa trẻ ấy biến đổi để rồi làm những việc tội lỗi không thể quay đầu”, sư cô Diệu Thiện thở dài.

Năm Cam âm thầm bảo vệ người em kết nghĩa

Sư cô Thiện cho biết, dù sư cô luôn lánh mặt người anh kết nghĩa. Tuy nhiên, Năm Cam vẫn âm thầm cho người theo dõi để bảo vệ anh em sư cô. “Lúc đó, giới giang hồ ai cũng biết tôi và Năm Cam là anh em kết nghĩa nên chẳng ai dám làm gì anh em tôi”, sư cô khẳng định.

(Còn nữa)

Võ Đoàn (Công Lý)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem