Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lúc sinh thời, người con gái xứ Thanh ấy vẫn giữ nguyên những kỷ niệm đẹp về mối tình đầu với chàng trai trẻ xứ Huế, nhà hoạt động cách mạng Tố Hữu. Họ đã là bạn đường, bạn đời của nhau cho đến khi nhà thơ “Tạm biệt cuộc đời yêu quý nhất”. Tố Hữu đã có lần tự nhận đó là một mối tình đẹp cả trong đời và trong thơ.
Chuyện rằng, vào năm nhà thơ Tố Hữu 16 tuổi đã có một tiếng guốc đi qua cuộc đời nhà thơ. Một cô gái xinh đẹp, mảnh mai đã yêu ông. Nhưng cô không chịu được cuộc chia ly khắc nghiệt. Hai tháng sau khi nhà thơ bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ, cô gái đi lấy chồng... Ngày tháng trôi, sau khi vượt ngục, anh Tố Hữu vẫn say sưa hoạt động cách mạng bí mật. Vào một ngày tháng Bảy mưa ngâu, anh bất ngờ bị chị Thái, Tỉnh ủy viên Thanh Hóa hỏi: “Đến tuổi lấy vợ rồi, sao không lấy vợ đi?”.
Lúc này, anh đang làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế. Anh Tố Hữu ngẩn người rồi cười:
- Chị xem có cô nào, giới thiệu giùm.
Chị Thái đáp:
- Giá anh ra được Thanh Hóa thì hay quá. Ngoài ấy có mấy cô chưa chồng. Tôi thấy cô Thanh, nữ sinh Đồng Khánh, Huế hợp với anh hơn cả. Cô ấy vừa xinh, vừa ngoan, lại rất say sưa hoạt động cách mạng.
Anh Tố Hữu tò mò muốn gặp Thanh. Khu nội trú trường Đồng Khánh, Huế, cách nhà lao Thừa Phủ một con đường nhỏ. Ngày bị địch bắt giam, anh Tố Hữu vẫn thường nhìn sang khu nội trú, một thế giới tự do ríu rít các cô áo dài dịu dàng, xinh đẹp. Khát khao tự do của người tù với tâm hồn lãng mạn của nhà thơ đã làm anh Tố Hữu nhớ mãi các cô nữ sinh Đồng Khánh. Anh nhận lời với chị Thái: "Khi nào có dịp ra Thanh Hóa, các chị giúp tôi với nhé!".
Câu chuyện tưởng như chuyện vui bị quên đi trong nhịp độ gấp gáp, khẩn trương của những ngày đầu khởi nghĩa. Anh Tố Hữu nghe thì biết vậy chứ có gặp hay có biết gì hơn đâu. Khởi nghĩa vừa thành công, anh sợ vướng vào vợ con sẽ ảnh hưởng đến công tác nên không nghĩ đến. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), anh Tố Hữu được cử làm chủ nhiệm lớp Việt Minh, Thanh Hóa. Anh phụ trách lớp học chính trị đào tạo cán bộ ở thị xã. Có một nữ sinh xinh xắn, dễ thương, ngày nào cũng ngồi bàn đầu say sưa nghe giảng. Khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng hồng với cặp mắt nâu ướt làm thầy giáo trẻ nhiều khi lúng túng phải nhìn đi chỗ khác. Đấy chính là cô Thanh ngày nào chị Thái định giới thiệu cho anh.
Bẵng đi một thời gian, anh được điều động về Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy lần thứ hai. Còn người con gái tên Thanh, sau khi ra trường ở lại thị xã làm cán bộ phụ nữ cứu quốc một năm thì được điều về huyện. Thời gian này, anh bắt đầu để ý đến chị. Chị gặp anh mỗi lần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xuống làm việc với cơ sở, anh gặp chị mỗi khi lên Phủ Thiệu họp hành. Từ đó anh mới biết rõ "cô Thanh" mà chị Thái đã giới thiệu cho mình hồi trước. Dù vậy, anh vẫn chưa bộc lộ ý định của mình. Anh nhờ chị Hào - một cán bộ, người chị đỡ đầu của cô Thanh làm bà mai cho. Anh cẩn thận nhờ chị Hào hỏi xem "vườn hồng đã có ai vào hay chưa" cho chắc chắn.
Một hôm, chị Hào gọi Thanh từ huyện lên nhà chị chơi ở thị xã. Cả ngày hôm đó chị chỉ dòm hình, dòm ý mà không nói gì. Đêm nằm ngủ, chị mới thủ thỉ nói: "Anh Tố Hữu thương em đấy, em thấy thế nào?". Nhờ bóng đêm mà chị Hào không thấy khuôn mặt ửng đỏ của cô Thanh. Khi đó cô Thanh còn ngần ngại vì biết có một chị cán bộ ở trong tỉnh rất yêu anh Tố Hữu. Người con gái này xinh đẹp nên cô Thanh không muốn mình làm kẻ thứ ba xen vào, cô Thanh chỉ trả lời chị Hào rằng: "Chị để em suy nghĩ đã". Một thời gian sau, anh Tố Hữu hỏi chị Hào: "Chị đã hỏi Thanh chưa? Ý Thanh thế nào?". Chị Hào sắp xếp cho hai người một cuộc hẹn trong một căn nhà đổ đang phá hoại ở phố Ga.
Lúc bấy giờ hai người đã biết nhau rồi, anh cũng đã thăm dò các anh chị cán bộ trong tỉnh về Thanh nên khi gặp Thanh, anh hỏi luôn: "Tôi thương Thanh, ý Thanh thế nào?" - Cô Thanh đặt vấn đề: "Trong tỉnh đã có người thương anh, sao anh còn hỏi tôi?". Anh liền thanh minh: "Chị ấy thương tôi nhưng chỉ là một phía thôi". Nghe "Bí thư Tỉnh ủy" nói thế là Thanh tin ngay, nhưng cũng chỉ trả lời một câu "Vâng". Sau đó anh đã nắm lấy tay chị một lúc lâu. Chị để yên, không rút tay lại.
- Ai cũng bảo tôi với Thanh đẹp đôi đấy. Em có đồng ý không?
Thanh thấy má mình nóng bừng. Chị lí nhí:
- Anh liều thật, lỡ Thanh không đồng ý thì sao?
Rồi Thanh lấy hết can đảm nói một mạch:
- Đứng trên lập trường Mácxít, anh phải nói thật anh đã có ai chưa?
Anh Tố Hữu thật thà thanh minh:
- Anh có ai đâu. Sao em lại không tin?
Và chuyện tình của hai người chính thức bắt đầu từ đó. Bài thơ "Anh cùng em" được Tố Hữu viết chính là mô tả lại hoàn cảnh lúc đó. Ngày ấy, chị không cho anh gọi chị bằng "em" mà chỉ xưng hô bằng tên vì chị cho rằng như vậy mới bình đẳng.
Sau này, bà Thanh vẫn nhắc lại chuyện đó rằng: “Cách mạng đã đưa tôi đến với anh. Tôi gặp anh qua các lớp chính trị mà anh là giảng viên hay qua các hội nghị mà anh tới dự với tư cách Bí thư Tỉnh ủy. Nghe thầy giáo Lành (bí danh của Tố Hữu) giảng bài với tràn đầy nhiệt huyết như vậy làm sao khỏi xúc động cho được. Những lần tiếp xúc gặp gỡ này, càng làm tăng thêm lòng cảm mến của tôi với nhà thơ. Lắm khi tôi như người mất hồn từ sau khi gặp anh. Thâm tâm tôi được yêu anh là tôi đã gặp được người trong mộng của mình".
Từ đó, đồng chí Bí thư năng về huyện hơn nhưng lần gặp nào cũng chóng vánh vì công việc. Buổi chiều sau khi xong việc, anh cho gọi cô Thanh sang nói chuyện. Thời gian đó, cứ đến cuối tuần, nhà thơ Tố Hữu "trút áo" Bí thư Tỉnh ủy, cưỡi xe đạp về huyện thăm người yêu. Chàng trai vừa đạp xe vừa huýt sáo, làm thơ, có lần còn suýt bị rơi xuống hố giao thông hào chữ chi dọc đường cầu Hàm Rồng. Và mỗi chiều Chủ nhật, chị lại lắng nghe tiếng chuông xe đạp anh về. Tuần anh về được, tuần không. Cứ thế kéo dài hơn 1 năm.
Đến tháng 8/1947, Trung ương có lệnh điều anh lên Việt Bắc làm công tác tuyên truyền. Lúc đó chị Thanh mới 19 tuổi, tham gia phong trào chưa lâu nên đang muốn phấn đấu hơn nữa, nghĩ mình còn non dại chị chưa từng nghĩ đến chuyện cưới xin. Nhưng ý anh muốn cưới chị để hai người cùng lên Việt Bắc, kẻo địch ở Khu 3 tràn vào Khu 4 thì chẳng biết đến khi nào gặp lại. Anh thuyết phục được chị và xin phép Tỉnh ủy để được làm đám cưới.
Nhận tin phải lên Việt Bắc công tác, anh Tố Hữu bàn với Thanh:
- Ta tính ngày cưới đi em.
Thanh lo lắng:
- Sao cưới sớm thế anh? Em phải bỏ công tác ngay à?
- Anh sắp phải lên Việt Bắc xa lắm. Anh sợ phải xa em. “Kháng chiến trường kỳ” biết lúc nào gặp lại nhau. Anh muốn em cùng lên Việt Bắc với anh. Anh sẽ về gặp các anh huyện ủy để bàn chuyển cho em lên đấy công tác. Anh sẽ nhờ người đến xin cưới với bố mẹ em.
Nghe Thanh rụt rè xin phép lấy chồng, mẹ chị sửng sốt. Lâu nay chị vẫn giấu mẹ. Bà hỏi tỉ mỉ về anh Tố Hữu. Bà bảo chị:
- Mẹ lo cho con lấy chồng xa, anh ấy lại bận việc đi suốt, mẹ sợ con vất vả.
Mẹ chị lúc đó đã để ý cho chị một anh cán bộ huyện cùng quê. Bà quan niệm: “Có con mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng đem cho. Có con mà gả chồng xa. Trước là mất giỗ sau là mất con”. Bà thấy Việt Minh cũng có vẻ hay hay nhưng cách mạng thế nào thì bà không biết. Bao nhiêu người giàu có đến hỏi, Thanh lại không ưng, trong khi cái anh lành ở đâu đâu, biết thế nào mà gả con. Cưới xong hai đứa lại đem nhau đi luôn. Bà không đồng ý và đắp chiếu tuyệt thực. Thanh phải nhờ chị Nghiên là người có uy tín trong họ, cùng hoạt động cách mạng, đến thuyết phục mãi bà mới đồng ý.
Lễ cưới được tổ chức vào đầu tháng 8/1947.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.